Bản chất thật của cuộc chiến ở Lybia: Chỉ là từ dầu mỏ
Tại sao Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc cấm vận vũ khí đối với Lybia, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với Tổng thống Gaddafi, áp đặt vùng cấm bay đối với Lybia. Tại sao liên quân Pháp, Anh, Mỹ đã thực hành tiến công bằng không quân và tên lửa vào lãnh thổ Lybia?
Cho đến nay các cuộc biểu tình, bạo động, dẫn đến vũ trang nội chiến giữa lực lượng đối lập và chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Gaddafi ở Libya đã diễn ra được hơn hai tháng. Ngày 26-2-2011, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết số 1970 cấm vận vũ khí đối với Libya, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với Tổng thống Gaddafi và những người thân cận của ông. Ngày 18-3-2011, HĐBA, LHQ lại ra Nghị quyết số 1973 áp đặt vùng cấm bay đối với Libya. Tiếp ngay sau đó ngày 19-3-2011 liên quân Pháp, Anh, Mỹ đã thực hành tiến công bằng không quân và tên lửa vào lãnh thổ Libya, cho đến nay cuộc chiến có nguy cơ kéo dài, gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế. Vậy, đâu là lời giải cho tình hình chiến sự tại Libya được dư luận quốc tế quan tâm.
Rốn dầu khu vực
Libya là một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng thời là quốc gia nắm giữ trữ lượng dầu mỏ thuộc hàng lớn nhất tại Bắc Phi. Theo đánh giá của Công ty Dầu khí BP (Anh) vào năm 2008, Libya đã được chứng nhận có trữ lượng dầu mỏ đạt 41,464 tỉ thùng, chiếm 3,34 % trữ lượng dầu của toàn thế giới.
Mỏ dầu đầu tiên của Libya được phát hiện vào năm 1959 ở Nasser và đến năm 1961 Libya đã bắt đầu xuất khẩu với quy mô thương mại. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Libya không chỉ được coi là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi mà còn được xem là một trong những quốc gia ở Bắc Phi cung cấp trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cho thị trường châu Âu.
Các công ty khai thác dầu mỏ ở Libya luôn được châu Âu đánh giá cao nhờ sản phẩm của họ giá rẻ, chất lượng cao và luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tác nhập khẩu. Có được ưu thế này là nhờ vào chi phí sản xuất thấp, các mỏ dầu rất gần với các nhà máy tinh chế và cũng không quá xa thị trường tiêu thụ châu Âu.
Năm 2007, trung bình mỗi ngày, Libya sản xuất được khoảng 1.847,7 thùng dầu thô, chiếm 2,2% tổng sản lượng của toàn thế giới, tăng 0,5% so với mức trung bình năm 2006. GDP của quốc gia này phụ thuộc vào việc khai thác và xuất khẩu dầu tới 75% – 90%.
Cho đến nay, trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của quốc gia này vẫn chưa được khai phá hết và lượng dầu tiềm năng còn rất nhiều khiến Libya trở thành nước chủ chốt giúp nền kinh tế của khu vực Bắc Phi không ngừng tăng trưởng, nhưng cũng vì lẽ đó mà nhiều quốc gia ở phương Tây không thể bỏ qua mảnh đất “rốn dầu” này.
Mặc dù bị cấm vận thương mại với nhiều quốc gia trong thời gian dài, nhưng năm 2007, Libya vẫn được công nhận là quốc gia có trữ lượng khí tự nhiên đạt 1.490 tỉ m3 chiếm 0,84% tổng trữ lượng của toàn thế giới. Cùng năm đó, Libya đã sản xuất được khoảng 15,2 tỉ m3 khí tự nhiên, chiếm 0,51% trữ lượng toàn cầu.
Đến năm 2010, lượng dầu mỏ của Libya là 44,3 tỉ thùng, cao hơn so với mức 3,7 tỉ thùng ở Ai Cập, và chỉ kém Tunisia 1 tỉ thùng. Trong đó, 80% lượng dầu của quốc gia này được xuất khẩu sang châu Âu, 10% sang Trung Quốc và 5% sang Mỹ.
Libya là nhà sản xuất trực tiếp, chuyên cung cấp dầu mỏ cho Italia, Đức, Thụy Sĩ và Ai Cập. Chỉ tính riêng tại Italia, Công ty Tamoil của Libya (có trụ sở ở Milan, Italia) đã có khoảng 2.100 trạm dịch vụ, chiếm 5% toàn thị trường bán lẻ các sản phẩm từ dầu của đất nước này. Điều đó cho thấy, dầu mỏ của Libya đã trở thành một nhân tố không thể thiếu đối với việc tăng trưởng kinh tế của quốc gia này cũng như của khu vực Bắc Phi và với nhu cầu của nhiều quốc gia lớn khác ở châu Âu. Nhất là khi cuộc nổi dậy đòi dân chủ đã lan ra cả Bahrain và Arập Xêút mà điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các nước phương Tây. Điều đó giải thích vì sao Mỹ và đồng minh chọn điểm tấn công vào Libya chứ không phải nơi nào khác.
Chính trị bất ổn
Libya, nhờ có nguồn dầu mỏ nên thu nhập trung bình cao (12.000USD/người) cho một xã hội với 6,5 triệu dân. Tuy nhiên, Libya vẫn phải chịu sức ép trực tiếp từ biểu tình theo kiểu “cách mạng hoa nhài”.
Làn sóng biểu tình đòi dân chủ từ Libya cũng đã lan rộng ra các nước khác trong khu vực. Có thể nói, Libya cũng là quốc gia dẫn đầu trong công cuộc gọi là “cách mạng đòi dân chủ” và làn sóng biểu tình ở đây đã được phe đối lập khai thác triệt để và đẩy lên thành cuộc nội chiến, tạo cớ để LHQ ra Nghị quyết trừng phạt chính phủ đương nhiệm của ông Gaddafi. Mỹ và phương Tây lập tức dùng biện pháp quân sự để can thiệp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các quốc gia lân cận ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Một chính trị gia nhận định, tình hình bất ổn định về chính trị tại Trung Đông (khởi nguồn từ Libya) có thể sẽ mở ra các cơ hội cho những sự thay đổi có lợi trên toàn thế giới sau này. Cũng theo vị chính trị gia này, vì lợi ích lâu dài, tình trạng này có thể sẽ tiếp tục tái diễn trong khu vực.
Với Mỹ, sự ổn định tại các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn hiện nay dường như quan trọng hơn là nguyện vọng của các phong trào đòi dân chủ ở những nước này. Bà Marina Ottaway, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Carnegie Endowment for International Peace ở Washington, nói: “Mỹ luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ lại không thể tuân thủ. Suy cho cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết”. Do đó, chỉ có Libya là bị Mỹ và các nước đồng minh phương Tây lên kế hoạch tấn công quân sự.
Chia rẽ, lúng túng về chỉ huy, lãnh đạo Liên quân
Khi chưa có lệnh trừng phạt của LHQ mà Mỹ đã hăng hái triển khai tàu chiến, hàng không mẫu hạm, cứ làm như Mỹ sẵn sàng trở thành lực lượng xung kích và độc chiếm vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự như ở Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, khi có Nghị quyết 1973 của LHQ thì Pháp bất ngờ đóng vai trò xung kích. Vào hồi 23giờ45phút ngày 19-3-2011 (giờ Việt Nam), máy bay quân sự của Pháp đã tấn công các xe quân sự của Libya, mở màn cho các hành động quân sự chống lại ông Gaddafi.
Và theo dàn xếp của Mỹ thì đến ngày 27, 28-3-2011 NATO mới tiếp quản quyền chỉ huy liên quân. Ngày 25-3-2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết Pháp và Anh đã sẵn sàng tiến hành một giải pháp chính trị và ngoại giao đối với Libya.
Còn Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi thì cho rằng: “Đây không phải là thời điểm thích hợp để can thiệp vào Libya. Italia hiện không tham chiến, và cũng không muốn tham chiến”.
Theo Hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy cho biết, 6 chiến đấu cơ F-16 của nước này có thể ngừng tham chiến nếu nhiệm vụ can thiệp vào Libya quá nguy hiểm cho dân thường của quốc gia Bắc Phi này.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin chỉ trích hành động tấn công quân sự của liên quân nhằm vào Libya, ông cho rằng: “Làm sao liên quân có thể đạt được mục tiêu bảo vệ mạng sống của dân thường Libya bằng các phương tiện quân sự gây thương vong trong các đợt tấn công vừa qua”. Vì thế, NATO vẫn chia rẽ về vấn đề tiếp quản vai trò chỉ huy chiến dịch can thiệp quân sự tại Libya, thay Mỹ.
Phát biểu trong chuyến thăm Brazil, Tổng thống B.Obama đã chính thức tuyên chiến. Nhưng ông nói: “Hôm nay, tôi cho phép các lực lượng vũ trang Mỹ bắt đầu hoạt động quân sự có giới hạn tại Libya nhằm ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế bảo vệ dân thường Libya. Như tôi đã nói, chúng tôi sẽ không triển khai bất kỳ lực lượng nào của Mỹ trên bộ”.
Việc người đứng đầu Chính phủ Mỹ đề cập tới chuyện không sử dụng bộ binh cho cuộc chiến ở Libya cho thấy cường quốc số 1 thế giới này phải chăng đã đã rút ra bài học nào đó từ Iraq và Afghanistan trước đây. Và cũng có thể với lý do khác, với Tổng thống Obama là một năm quan trọng khi ông sẽ phải thể hiện mình trong cuộc vận động cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2012. Chính vì vậy, việc sa lầy vào một cuộc chiến này sẽ là bất lợi, và trái với những lời ông đã từng cam kết mạnh mẽ trong việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Iraq và Afghanistan. Do vậy, chính quyền của Tổng thống Obama đã chủ động giữ vai trò “nhỏ hơn” trong cuộc chiến này.
Còn đối với Pháp họ đã đăng cai tổ chức Hội nghị ủng hộ người dân Libya, nơi các nhà lãnh đạo gặp nhau để bàn về kế hoạch áp đặt vùng cấm bay ở Libya. Chỉ ít lâu, sau khi Tổng thống Sarkozy đọc tuyên bố chung của hội nghị, Bộ Quốc phòng Pháp đã điều các máy bay chiến đấu Rafale, Mirage-2000 của nước này đã lên đường làm nhiệm vụ ở Libya. Đây là một động thái hết sức bất ngờ khi không ít nhà phân tích chờ đợi người khai hỏa phải là Mỹ hoặc NATO.
Như vậy, cuộc chiến tranh hiện nay ở Libya mà Liên quân tiến hành, thực chất là cuộc chiến tranh vì lợi ích dầu mỏ của Mỹ và các nước phương Tây. Các quốc gia chủ chiến có tham vọng đạt được cả 2 mục đích: Một là, tranh giành nguồn lợi dầu mỏ ngay ở rốn dầu khu vực; Hai là, tiêu thụ khối lượng lớn sản phẩm quân sự đã gần đến hạn thanh lý, tạo nguồn thu cho nhu cầu phục hồi và phát triển nền kinh tế của Mỹ và các nước EU thời kỳ hậu khủng hoảng. Đây cũng là giải pháp mang tính quy luật sau các cuộc khủng hoảng chu kỳ của CNTB, đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đề cập tới.
Nguyễn Nhâm