‘Sài Gòn không phải ngày hôm qua’
(PetroTimes) - Đó là tựa đề một quyển sách mới của tác giả Phúc Tiến, quyển sách sẽ là cơ hội để bạn đọc ngày nay cùng xem và nhìn lại những sự kiện lịch sử của Sài Gòn một cách tỉnh táo với đầy đủ dẫn chứng, cứ liệu.
Đến với Sài Gòn không phải ngày hôm qua, bạn đọc như đang được tác giả Phúc Tiến dắt tay rong ruổi giữa phố phường Sài Gòn. Để từ đó, câu chuyện tự nó mở ra. Chậm rãi len lỏi, chạm vào trái tim người đọc. Từng chút, từng chút một thôi nhưng rất thấm.
Bắt đầu từ chi tiết rất nhỏ: “Hai chữ SV lồng vào nhau trên chiếc cửa sắt ở cổng chính tại trụ sở UBND thành phố hiện giờ, có từ đầu thế kỷ”, Phúc Tiến đẩy cánh cửa đã khép cả trăm năm. Những sự kiện lịch sử dội về, gợi lại những biến động cuộc đời, lặng nghe nỗi đau bia đá. (S: Sài Gòn, V: Ville - thành phố).
Từ những tư liệu quý hiếm: tấm bản đồ cổ 1834 của Anh, ghi địa danh Sài Gòn và cảng Sài Gòn; cuốn sách cũ “A voyage to cochinchina in the years 1792 -1793”, của John Barrow in năm 1806; poster của hãng hàng không Air Vietnam đường bay Sài Gòn - Paris; chiếc bao thư Pháp kỷ niệm 20 năm đường bay Saigon - Paris (1930 - 1950); không ảnh toàn cảnh trên bến dưới thuyền, giao thương và tài chính nhộn nhịp của kênh Tàu Hũ - cảng Sài Gòn những năm 1930, hai trang báo giới thiệu “Sài Gòn Mỹ lệ” năm 1959 (tạp chí Freedom World), những bức ảnh chụp Sài Gòn những năm 1930… mở ra một Sài Gòn hiện đại đầu thế kỷ 20.
Bìa cuốn sách "Sài Gòn không phải ngày hôm qua". |
Khi đã cách xa Sài Gòn nửa vòng trái đất, bên kia Thái Bình Dương, tác giả sững sờ vừa ngạc nhiên, vừa hồi hộp khi bắt gặp lại Sài Gòn giữa trời Tây. Trong phòng lưu niệm trên tầng chót của tháp Eiffel - Paris, hay đài thiên văn Greenwich, London - nơi khởi đầu kinh tuyến gốc số 0, cái tên Sài Gòn được khắc trên bảng tọa độ các đô thị tiêu biểu cho các múi giờ, ghi khoảng cách từ Sài Gòn đến các thành phố lớn. Bắt gặp những con phố nhỏ Sài Gòn ở Hồng Kông, Paris, Westminster - California.
Vở ca kịch Miss Saigon một vở ca kịch rất nổi tiếng ra đời ở London năm 1989 mà Phúc Tiến có dịp xem ở nhà hát Kallang Singapore… Gần như tới đâu, ông cũng gặp lại Sài Gòn. Ông nhận ra Sài Gòn không chỉ đơn thuần là tên của một địa danh, Sài Gòn còn là thương hiệu. “Sài Gòn như một “icon” - biểu tượng đầy sức sống kỳ lạ của Việt Nam qua nhiều thế kỷ thương đau”. Nhìn lại chính mình ông nhận ra trong trái tim mình có Sài Gòn. Mẹ. Và tôi...
Đi gần cả cuộc đời, dường như hành trình tìm lại một Sài Gòn, Mẹ và tôi… là hành trình dài nhất, khó khăn nhất nhưng cũng nhiều cảm xúc nhất của Phúc Tiến. Sự thảng thốt của mẹ ông khi hỏi “Ông tướng đưa thư đi đâu rồi?” lúc ngang qua bùng binh trống lốc trước cửa chợ Bến Thành hẳn làm nhiều người đau nhói. Căn bệnh Alzheimer cứ như một màn sương kỳ quặc không chỉ phủ dần lên ký ức của người già...
Sau một hành trình dài 5 chương, hơn 100 tấm ảnh tư liệu quý, hơn 300 trang sách được trình bày trang nhã, điều Phúc Tiến thực sự muốn chia sẻ và gửi gắm: “Những thế hệ Việt Nam đương đại và sau này có hiểu biết được bề dày độc đáo của Sài Gòn mới có thể yêu Sài Gòn sâu hơn nữa…
Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên và sa chân vào những tai ương trên con đường phát triển đô thị thiếu tầm nhìn. Đừng để Sài Gòn trở thành một đô thị vắng tên trên bản đồ thế giới”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đánh giá: “Theo bước chân của Phúc Tiến chúng ta “đi đến” nhiều quốc gia mà ở đó “Sài Gòn” hiện hữu thật quen thuộc và cũng vô cùng đa dạng bởi sự thích nghi và tiếp nhận yếu tố mới để tồn tại nhưng không đánh mất bản sắc của mình”.
Sài Gòn không phải ngày hôm qua sẽ được tổ chức ra mắt vào lúc 9 giờ 30 ngày 30/7 tại Đường Sách TP.HCM.
'Cô gái viết nỗi cô đơn’: Lời 'thú tội' của nhà văn Shin Kyung-sook là cái tên đã quen thuộc với độc giả Việt Nam qua những cuốn sách gây nhiều đồng cảm như “Hãy chăm sóc mẹ”, “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi”. Lần này, độc giả một lần nữa được thổn thức với cô qua tác phẩm mới xuất bản - “Cô gái viết nỗi cô đơn”. |
Ra mắt sách nhân ngày giỗ thứ 2 nhà văn Tô Hoài Tưởng nhớ hai năm ngày mất (13/7/2016) của cố nhà văn Tô Hoài, Công ty Sách Phương Nam giới thiệu tới bạn đọc 3 tác phẩm: “Cỏ dại”; “Những gương mặt” và “Sổ tay viết văn”. |
Hơi thở mới của ‘Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ’ Xuất bản lần đầu tại Nga năm 1983, đến những năm cuối của thập niên 80, “Chiến tranh không có một khuôn mặt của phụ nữ” được xuất bản tại Việt Nam qua bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc. Mới đây, tác phẩm được Tao Đàn mua bản quyền và được nhà văn Nguyên Ngọc dịch mới hoàn toàn so với bản trước đó. |
Huy Sơn