Cẩn trọng với “bẫy” tín dụng tiêu dùng
Khi mời chào khách hàng thì nhân viên tín dụng luôn dùng “những lời có cánh”, nào là lãi suất thấp, nhiều ưu đãi, lịch thanh toán dài hạn… Nhưng thực tế trong hợp đồng có muôn vàn khúc chiết để đẩy mức lãi suất lên đến 60%, thậm chí là hơn thế nữa.
Vay dễ, trả khó
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là thị trường mới nổi và có tiềm năng lớn về tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mà pháp lý chưa hoàn thiện, bản thân người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đúng về quyền lợi của mình nên dễ sa vào “bẫy” của các công ty tài chính.
Khi mời chào khách hàng, nhân viên tín dụng luôn dùng những lời "có cánh”: Nào là lãi suất thấp, nhiều ưu đãi, lịch thanh toán dài hạn… để lôi kéo người tham gia vay mua các sản phẩm tiêu dùng như xe máy, tủ lạnh, tivi, điện thoại.... Trong hợp đồng vay luôn có những điều khoản tưởng như có lợi cho bên cho vay nhưng thực tế lại có 1 số ràng buộc đẩy lãi suất lên rất cao.
Vay tiêu dùng đang len lỏi đến mọi ngõ ngách của các thành phố lớn. |
Tại hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng – thực trạng và giải pháp” hôm nay (22/7) do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức, TS. Phan Thế Công (Khoa Kinh tế & Luật, ĐH Thương mại Hà Nội) cho biết: “Thực trạng hiện nay là lãi suất mà các công ty tài chính áp dụng trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng là quá cao”.
Theo ông Công, lãi suất cho vay luôn ở mức 22% - 60%/năm. Đó là chưa kể các công ty tài chính còn “rào đón” trong hợp đồng bằng nhiều khoản phí, khoản phạt (như lãi suất quá hạn, phạt đóng lãi suất trễ hạn…) để lách các quy định về giới hạn trần lãi suất của pháp luật (20%/năm), đẩy lãi suất lên cao hơn nữa. Chính điều đó khiến nhiều người tiêu dùng "lỡ" vay rơi vào tình trạng vay thì dễ, mà trả thì khó.
Ông Phan Thế Thắng, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), cho biết: “Hiện ngành tín dụng tiêu dùng phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Đến cuối năm 2105, nước ta đã có 16 công ty tài chính, hoạt động vay tiêu dùng mỗi năm khoảng 10,4 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP”.
Nhưng đồng thời với sự phát triển của ngành này là số lượt người tiêu dùng khiếu nại về vay tiêu dùng có chiều hướng gia tăng. Khiếu nại chủ yếu xoay quanh việc các đơn vị cho vay cung cấp thông tin sai lệch, đánh lạc hướng người tiêu dùng về lãi suất, thời hạn cho vay và mức phạt khi quá hạn rất cao…
Cẩn trọng khi vay
Theo ông Thắng, pháp luật hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia vay mua hàng tiêu dùng như: bên cho vay phải công bố đầy đủ, rõ ràng tất cả các thông tin (lãi suất cho vay, các loại phí, tổng số tiền phải trả, các điều khoản về vỡ nợ, chậm trả…); nêu rõ phương thức cho vay...
Tuy nhiên, các công ty tài chính cũng có đủ cách để lách luật nhằm lừa người tiêu dùng lọt vào “bẫy” lãi suất cao. Thủ thuật thường dùng nhất là bố trí các điều khoản lắt léo trong hợp đồng. Các công ty này cũng thường hối thúc và không cho người tiêu dùng thời gian đọc kỹ hợp đồng, thậm chí là yêu cầu người tiêu dùng ký nhận mua hàng trước và gửi hợp đồng sau qua đường bưu điện…
Do đó, ông Phan Thế Công kiến nghị: “Để bảo vệ người tiêu dùng thì phải tăng cường tuyên truyền về quyền lợi của người tiêu dùng, tăng hiểu biết pháp luật về hoạt động tín dụng và hợp đồng, quyền khởi kiện của người tiêu dùng. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định cụ thể về “thời gian hợp lý” nghiên cứu hợp đồng”.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, người tiêu dùng còn ít hiểu biết về quyền lợi của mình khi tham gia vay tiêu dùng. |
Theo ông Công, nếu người tiêu dùng phát hiện mình mắc “bẫy” vay lãi suất cao hoàn toàn có thể nhờ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng can thiệp, khởi kiện dân sự để buộc trả mức lãi về mức lãi trần (20%/năm) như Bộ luật Dân sự 2015 quy định. Thậm chí, nếu cấu thành yếu tố phạm tội thì người cho vay còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cho vay nặng lãi” với mức phạt từ 6 tháng đến 5 năm.
Ông Phan Thế Thắng, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi vay tiêu dùng: “Khi chúng ta tham gia vay tiêu dùng cần lập kế hoạch mua sắm cụ thể, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định để trả, lựa chọn công ty tài chính uy tín, kiểm tra mẫu hợp đồng vay đã được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chấp nhận hay chưa…”.
Ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng những điều tuyệt đối không nên làm như: vay để trả cho 1 khoản nợ khác, vay để mưa sắm tài sản chưa cần thiết, vay mua giùm người khác..
Hồng Ngọc