Khủng hoảng nợ công Eurozone dồn lên năng lượng
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 14/7, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng Tám tới tăng 7 xu lên 98,12 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ lại giảm 30 xu xuống 118,48 USD/thùng.
Theo các chuyên gia phân tích, hoạt động giao dịch trong phiên cùng ngày không ổn định và đà lên giá của dầu mỏ đã bị hạn chế bởi tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Victor Shum, chuyên gia phân tích thuộc công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz có trụ sở ở Singapore nhận định rằng tuần vừa qua ghi dấu tuần thứ sáu liên tiếp kho dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến – một dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng của Mỹ đang được cải thiện, cho dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, trong tuần trước, dự trữ dầu thô của nước này giảm 3,1 triệu thùng, cao gấp đôi so với con số dự báo của các chuyên gia phân tích. Cùng kỳ, dự trữ xăng giảm 800.000 thùng, do trong tuần có ngày Quốc khánh (4/7) thường là thời kỳ nhộn nhịp nhất đối với mùa du lịch của Mỹ.
Tình hình tiêu thụ năng lượng của Mỹ luôn được giới thị trường theo dõi sát sao, vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất hành tinh. Trong khi đó, mới đây Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã lên tiếng cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ cần thêm nguồn cung trong quý 3 năm nay, cho dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng và IEA đã mở kho dự trữ chiến lược trong tháng Sáu vừa qua.
Quyết định của IEA nhằm bù đắp cho nguồn dầu bị cắt từ Libya và hỗ trợ kinh tế thế giới trong bối cảnh giá dầu leo thang. Trong một báo cáo mới đây, IEA đánh giá nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang trong giai đoạn "bùng nổ.”
Trong bài phát biểu ngày 13/7, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke tuyên bố ngân hàng này đang cân nhắc về khả năng triển khai tiếp một đợt mua trái phiếu nữa (thường được gọi là gói nới lỏng định lượng – QE) để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Gói QE2, được triển khai năm 2010 và vừa kết thúc vào tháng Sáu năm nay, đã khiến đồng USD suy yếu và đẩy giá dầu lên (đồng tiền xanh mất giá làm cho các hàng hóa được giao dịch bằng đồng tiền này; trong đó có dầu mỏ, trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư đang giữ trong tay các tiền tệ khác).
Một nhân tố gây sức ép với thị trường dầu mỏ phiên cùng ngày là việc hãng Moody’s Investors Service dọa sẽ hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ, với lý do Chính phủ Mỹ có nguy cơ (dù ở mức nhỏ) rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Cũng trong phiên giao dịch ngày ở Singapore, tại các hợp đồng giao tháng Tám tới, giá dầu sưởi ấm vững ở mức 3,1 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), trong khi giá xăng giảm 1,3 xu xuống 3,1 USD/gallon.