Nợ công có thể vượt trần cuối năm nay
Đây là một trong những dự báo được Chính phủ đưa ra tại báo cáo gửi Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đánh giá, nợ công và nợ Chính phủ đến cuối năm 2016 có thể vượt trần cho phép.
Dự báo tình hình kinh tế trong nước, Chính phủ đánh giá, tăng trưởng của nền kinh tế khó đạt được mục tiêu đề ra 6,7% trong năm nay.
Cụ thể, sang năm 2016, tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố bất lợi không lường trước được, tăng trưởng GDP 6 tháng có dấu hiệu chững lại: Quý I/2016, GDP chỉ tăng 5,48%, thấp hơn 1,53 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của quý IV/2015. Tính chung 6 tháng GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%.
Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai mà cả trong công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%). Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, cũng chỉ đạt mức tăng tương đương cùng kỳ năm 2015.
Nợ công tính trên đầu người của Việt Nam đã vượt 1.000 USD. |
Báo cáo của Chính phủ nêu lo ngại: Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.
Hiện mức trần nợ công cho phép là 65% GDP, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát. Trong khi đó, nợ Chính phủ thực tế đã vượt trần 0,3% (ở mức 50,3% GDP).
Hiện tại, theo dữ liệu tại Đồng hồ nợ công của The Economist, nợ công của Việt Nam hiện ở mức 94,8 tỷ USD, và nợ công trên đầu người xấp xỉ 1.040 USD/người. Còn theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, vay của Chính phủ lên tới 1,93 triệu tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, với tốc độ tăng bình quân 19%/năm.
Theo kế hoạch của Chính phủ, quy mô vay giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,26 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 8,13% GDP, bình quân khoảng 450.000 tỷ đồng/năm. Năm 2020 là năm có mức huy động cao nhất lên tới 540 nghìn tỷ đồng. Đây là mức huy động được cho là “cao và rất khó khả thi trong điều hành”. Dự kiến tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, khoảng 6,44% GDP.
Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng cho thấy, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán (cùng kỳ năm trước là 49%), tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước trong tất cả các nguồn thu, đáng lưu ý là tiến độ thu ngân sách trung ương đạt rất thấp (chỉ khoảng 42% dự toán, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đạt 46,3%), trong khi đó thu ngân sách địa phương tăng khá so dự toán (đạt 56%) và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ gây khó khăn bị động cho việc cân đối ngân sách trung ương.
Tổng chi NSNN trong 6 tháng đầu năm ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ tăng 8,2%); trong đó, chi trả nợ và viện trợ tăng 5,2%; chi thường xuyên (bao gồm chi cải cách tiền lương) tăng 5%.
Báo cáo của Chính phủ đưa ra tính toán, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ đánh giá, lạm phát 6 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới và qua đó khiến lạm phát cả năm có thể vượt mục tiêu 5% đề ra.
Bích Diệp