"Hiệp sĩ" đường dây!
Đó là cái tên mà tôi tự đặt cho những “người lính” áo cam. Bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, dù ngày hay đêm, nắng nóng hay mưa bão…
Cuộc chiến mùa nắng nóng
Anh Nguyễn Đức Trăm - Đội trưởng đội Quản lý điện 3 Công ty Điện lực Gia Lâm (thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội) chia sẻ, với nhiều người, mùa hè thường gắn liền với những kỳ nghỉ, những khoảng thời gian thư giãn, thảnh thơi đi du lịch, còn với thợ điện, mỗi mùa hè lại là “một cuộc chiến” – cuộc chiến thực sự với những nỗi lo hệ thống điện xảy ra sự cố, mất an toàn vận hành lưới điện do quá tải vì nhu cầu điện luôn tăng rất cao….
Anh Trăm cho biết, mỗi khi nắng nóng vượt 36 độ C, anh em thợ điện đều phải trực tăng cường, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống sự cố xảy ra. Vì vậy, trong những ngày hè nắng nóng, việc thợ trực điện thức trắng đêm xử lý sự cố là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nguyên nhân là người dân sử dụng quá nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm gây quá tải. Có lần, dây dẫn bị chập cháy trên nhiều đoạn, cả hai lộ đường dây có chiều dài hơn một cây số đều bị hỏng, cần phải thay mới hoàn toàn.
“Lần ấy, chúng tôi như chạy đua với thời gian. Nhân lực, vật tư được huy động tối đa để khắc phục sự cố càng nhanh càng tốt, vì chúng tôi hiểu trời nóng nực mà mất điện thì mọi sinh hoạt đều đảo lộn hết” – anh Trăm chia sẻ.
Trong đêm, những "người lính" áo cam khẩn trương khắc phục sự cố phục vụ nhân dân. |
Đêm đó, vì… không ngủ được nên người dân đổ ra hai bên đường xem thợ điện làm việc mà không một lời trách móc. Thậm chí, các cô, các bác còn pha trà đá cho anh em giải khát. “Chúng tôi cảm động lắm, vì xác định nghề của mình là nghề phục vụ, nhưng được người dân cổ vũ, động viên như thế thì quý lắm chứ” – anh Trăm kể lại với giọng nói đầy xúc động !
Làm trong ngành Điện, nhưng cũng là người dùng điện nên người công nhân áo cam rất hiểu sự nóng giận, thiếu kiềm chế của khách hàng khi mất điện giữa lúc nắng nóng gay gắt. Vì vậy, khi có sự cố điện, thợ điện luôn có mặt kịp thời, nỗ lực làm hết sức mình, sớm cấp điện trở lại.
Anh Nguyễn Văn Thắng (Công ty Điện lực Hoàng Mai, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội) chia sẻ: “Khoảng 23 giờ đêm 14/6 (một trong những ngày nắng nóng cao điểm nhất từ đầu năm đến nay), Đội nhận được thông báo mất điện của một hộ dân ngõ 226, phố Tân Mai. Ngay lập tức, anh em có mặt và phát hiện đường dây sau công tơ của gia đình bị đứt nên sửa ngay. Ít phút sau, có điện trở lại. Nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt của mọi người trong gia đình, được nghe những lời cảm ơn chân thành từ khách hàng, tuy mệt nhưng ai cũng thấy vui và ấm lòng”.
Thợ điện "phơi" mình trên những đường dây giữa tiết trời nắng nóng khắc nghiệt. |
Sau nắng là… bão giông!
Mùa hè không chỉ có nắng nóng. Sau những ngày nhiệt độ lên tới 39, 40 độ C có thể sẽ là mưa giông và bão tố. Còn nhớ, tháng 6/2015, Hà Nội xảy ra giông lốc lớn hiếm gặp. Gió mạnh cấp 7, cấp 8 làm cây cối bật gốc, gãy đổ la liệt gây đứt dây điện, cùng với đó là các tấm tôn, bạt, pano,... bị gió cuốn bay làm nhiều vị trí lưới điện bị sự cố. Ngay trong đêm, hàng trăm thợ điện của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã được huy động làm việc thâu đêm để nhanh chóng cấp điện lại cho khách hàng.
Hình ảnh những người thợ không quản thời gian, đêm hôm, người thì ướt sũng nước mưa nhưng vẫn miệt mài thao tác trên cột, nối lại đường dây bị đứt, chỉnh lại thùng công tơ bị nghiêng, bị xô, chặt cây, dọn cành bị gẫy đổ "cứu lưới điện" và nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại cho người dân, khiến người dân cảm phục, quý mến. Thậm chí, người dân còn dùng đèn pin chiếu sáng, giúp thợ điện thao tác chính xác và thuận tiện hơn.
Trong những hoàn cảnh ấy, những tâm sự, những chuyện “hậu trường” của thợ điện – những người đội gió, đội mưa, bỏ lại sau lưng nỗi lo lắng của người thân để tập trung thực hiện nhiệm vụ, càng làm người dân thêm xúc động, gắn bó, thân thương đến lạ kỳ.
Chị Nguyễn Thu Trang, vợ thợ điện Vũ Hoài Nam (Công ty Điện lực Hoàng Mai) chia sẻ, chị rất ghét mưa gió, bởi nó luôn khiến chị cảm thấy lo lắng và bất an. “Nếu mưa to gió lớn thì nguy cơ gây sự cố lưới điện nhiều. Mà mỗi lần như vậy, chồng tôi cũng như các đồng nghiệp của anh ấy đâu có nề hà mưa bão, hễ nghe có sự cố là hối hả lao ra đường” – chị tâm sự.
Anh Nam cũng là một trong hàng trăm người thợ điện đã làm việc thâu đêm, suốt sáng để dọn dẹp hậu quả của trận giông lốc, bão bùng năm trước. Mặc dù nhà ở gần, nhưng 2, 3 ngày liền tập trung xử lý sự cố, anh không kịp về qua nhà một phút nào!.
Công việc của thợ điện là thế, cuộc sống thường ngày của những người làm điện là thế. Những gian nan, vất vả đã được các anh chị coi là điều hết sức đơn giản, bình thường.
Trong lần gặp gỡ hôm ấy, một người đồng nghiệp của anh Trăm bộc bạch với tôi: “Làm nghề này nguy hiểm thật, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ. Tôi cũng nói với vợ rằng “anh không bao giờ ân hận khi chọn nghề này, kể cả nếu phải đổ máu vì nghề thì cũng là xứng đáng”.
Hay nói như anh Nguyễn Đức Trăm “biết là vất vả, nhọc nhằn đấy, nhưng khi đã bước chân vào nghề này, dường như ai trong chúng tôi cũng tự tìm cho mình những lý do để rồi yêu và gắn bó với nghề tự lúc nào không hay”.
Anh Tuấn - Hà Bình (EVNHANOI)