Hết thời “phổ cập”… đại học!
Việc đào tạo đại học tràn lan, chưa bảo đảm chất lượng cộng thêm tâm lý coi trọng bằng cấp đã khiến cho cửa vào đại học mở rộng, trong khi cửa ra thì chật hẹp. Hậu quả của thực trạng này là chất lượng nhân lực ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực và số người có trình độ đang thất nghiệp ở mức cao. Điều này cũng khiến học sinh, phụ huynh không còn coi đại học là con đường thành công duy nhất. Mùa thi năm nay, 32% thí sinh chỉ cần xét tốt nghiệp THPT. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi đa chiều để có cái nhìn rộng hơn về vấn đề này.
Hiện nay, cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 6,6 trường ĐH, CĐ; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp lên đến 22,5 vạn người.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Học sinh từ chối đại học là tín hiệu mừng
Theo tôi, tỷ lệ học sinh thi ĐH giảm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào đánh giá về bằng cấp của xã hội nói chung đã thay đổi; đồng thời nhận thức về việc chọn nghề, hướng nghiệp của học sinh hiện nay đã bám sát hơn vào năng lực bản thân và cơ cấu ngành nghề thực tế. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào ĐH, trong khi số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học. Đây là nền giáo dục ứng thí, phục vụ “toàn dân lên lớp, toàn dân vào ĐH”, không đảm bảo việc cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt trong nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào ĐH,
Trong kỳ thi THTP quốc gia 2016-2017, tỷ lệ số học sinh không lựa chọn thi đại học tại nhiều tỉnh thành tăng cao so với năm học trước. Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ, 880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giảm 12% so với năm ngoái. Số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 32% (chiếm 1/3). |
thậm chí nhiều người còn gọi là “phổ cập ĐH”. Trong khi đó, phần “trống” là giáo dục nghề nghiệp, nơi cung cấp nguồn nhân lực là công nhân lành nghề phục vụ sản xuất trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh, ít có chất lượng cao. Việc thay đổi nhận thức thi THPT quốc gia là chuyển biến tốt cho chính học sinh và thị trường lao động.
Vài năm trở lại đây, lao động có trình độ ĐH, CĐ ngày càng khó tìm được việc như mong muốn, thậm chí khó xin việc làm và lương thấp hơn học viên có nghề. Năm 2015, 23.192 người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội đăng ký tìm việc, 55% trong số đó là lao động có trình độ ĐH, CĐ.
Theo thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động tốt nghiệp THPT, nhân viên kỹ thuật sẽ được trả lương theo tay nghề nên có thu nhập tương đối cao. Một thợ hàn có tay nghề bình thường lương 6 triệu đồng/tháng, thợ hàn sử dụng công nghệ lành nghề có thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, sinh viên có bằng ĐH, CĐ nếu vào Nhà nước, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, hưởng lương bằng hệ số 2,34 nhân với mức tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng, năm đầu tiên chỉ được hưởng 85%. Với mức lương như vậy, việc một bộ phận học sinh “từ chối” cổng trường ĐH cũng không phải điều quá khó hiểu.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ, không phải ai cũng bắt buộc phải học ĐH và ĐH cũng không còn là con đường duy nhất để dẫn tới thành công. Có người học ĐH, nhưng cũng có người học CĐ, học nghề… miễn là có công việc làm ổn định, nuôi sống bản thân, gia đình và có đóng góp cho xã hội. Ông cha ta đã nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nghĩa là không phải dứt khoát phải vào ĐH là vinh dự, người ta phải làm một nghề gì đó có ích cho xã hội đã là điều đáng mừng. Người ta cũng hay nói “liệu cơm gắp mắm”, vậy thì cha mẹ và học sinh xem sức của con em mình đến đâu để chọn học nghề gì cho phù hợp, nếu không có khả năng học ĐH thì đi học nghề.
Bên cạnh đó, theo tôi, một trong những lý do khiến học sinh “né” các trường ĐH là bởi chất lượng đào tạo của một bộ phận cơ sở giáo dục ĐH không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Các trường chạy theo số lượng đào tạo mà coi nhẹ chất lượng. Trong cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường ĐH chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên.
Việc tuyển số lượng sinh viên mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội và dẫn đến lượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp ngày càng cao. Hơn nữa, chương trình đào tạo của các trường thường chưa đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của nền kinh tế có nhiều biến động. Điều này thể hiện ở thực trạng của sinh viên hiện nay ra trường kỹ năng mềm còn hạn chế, kiến thức cơ bản chưa vững. Với lựa chọn giảm xét tuyển ĐH, thí sinh ngoài việc đã biết lượng sức mình thì các em cũng đã có cái nhìn thực tế hơn trong việc tìm một nghề nghiệp, một công việc thiết thực hơn là câu chuyện bằng cấp ảo.
Tuy nhiên, việc tỷ lệ học sinh “từ chối” ĐH cũng không thể là yếu tố đánh giá công tác phân luồng hay hướng nghiệp cho học sinh tốt hay không. Bởi thực chất, việc học sinh không đăng ký dự thi ĐH là “lời phản hồi” từ phía xã hội khi tỷ lệ cử nhân thất nghiệp lên quá cao, gây lãng phí nguồn nhân lực có bằng cấp.
Muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần làm tốt công tác hướng nghiệp, trong tương lai có thể không cần tổ chức thi cử như hiện nay. Trước hết, Bộ GD&ĐT cần giao quyền cho các Sở GD&ĐT tại các địa phương và cho phép các trường ĐH, CĐ chủ động hoàn toàn việc xét tuyển thí sinh. Từ đó, học sinh sẽ chọn đúng nguyện vọng và hình thức học mình mong muốn. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cần tổ chức phân luồng học sinh triệt để ngay từ cuối cấp 2; cũng như tổ chức hướng nghiệp, định hướng rõ ràng cho học sinh theo 2 hướng ĐH nghiên cứu và ngành nghề ứng dụng.
Bởi trên thực tế, vấn đề phân luồng học sinh sau THCS vẫn đang bỏ ngỏ. Xu hướng chung hiện nay chương trình giáo dục phổ thông ở nhiều nước được phân luồng thành: Trung học nghề, trung học phổ thông kỹ thuật và trung học phổ thông. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của chúng ta chỉ đề cập định hướng nghề nghiệp sau THCS.
Theo tôi, hết bậc THCS, công tác này cần thúc đẩy hơn nữa theo hướng phân luồng học sinh ngay từ sau bậc THCS, tức là sau khi học xong lớp 9 chứ không nên để đến sau khi tốt nghiệp lớp 12 như hiện nay. Cụ thể, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số theo đại học chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề. Trong quá trình đó, nếu học sinh theo hệ vào ĐH mà không duy trì được kết quả tốt thì bị chuyển xuống hệ dưới và ngược lại học sinh ở hệ dưới mà có kết quả tốt thì được đưa lên hệ trên. Công tác dự báo nhân lực cũng được các quốc gia này chú trọng, tạo thuận lợi cho cả người học và các cơ sở đào tạo.
Sau đó, luồng theo học nghề sẽ ra trường sớm hơn, đi làm sớm hơn mà vẫn được học lên cao khi có nhu cầu nên sẽ là sự lựa chọn tốt cho nhiều học sinh có năng lực nhưng không đủ điều kiện để theo học ĐH, tiết kiệm cả cho học sinh và đất nước.
Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong việc phân luồng và dự báo nhân lực. Tuy vậy, dự báo nhân lực là một việc đòi hỏi có sự vào cuộc của tập thể Chính phủ với sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành khác nhau, chứ một mình ngành GD&ĐT không thể giải quyết được
Tôi được biết hệ thống giáo dục của Hàn Quốc, khi học hết cấp 2 học sinh đã được trang bị một cách đầy đủ kiến thức phổ thông. Lên cấp 3 có thể phân hóa ngay, khoảng 40% (nhiều nhất là 50%) học sinh nào có khả năng mới cho học lên ĐH, CĐ; 30% thì học trường phổ thông có nghề (các học sinh này cũng hoàn thành cơ bản chương trình phổ thông); còn 1/3 không thể vào ĐH thì sẽ học một nghề ngắn hạn. Có những nghề kỹ thuật không đòi hỏi nhiều, họ chỉ cần đào tạo có bàn tay khéo léo, chỉ cần lắp ráp được một số chi tiết máy móc trong dây chuyền thế là được. Nếu chúng ta cũng làm như thế thì sớm phân luồng đào tạo từ phổ thông và khi các em ra xã hội sẽ đáp ứng được yêu cầu và cũng bớt cảnh “giấu bằng cử nhân đi làm công nhân”, sẽ có nhiều hơn đội ngũ “làm thợ” giỏi, tạo sự hài hòa trong việc sắp xếp nhân lực cho các ngành sản xuất.
TS Vũ Thu Hương - Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội:
Định hướng nghề nghiệp vướng từ gia đình
Năm nay người ta xôn xao về tỷ lệ học sinh không tham dự thi ĐH lên tới 32%. Tôi cho rằng đây là tín hiệu vui, đáng mừng. Và tôi nghĩ tỷ lệ này cần tăng cao hơn nữa. Bởi nếu so sánh một ví dụ rất thực tế, các nghề dịch vụ liên quan tới lao động tay chân lại kiếm được nhiều tiền hơn, thậm chí là giàu hơn hẳn so với một công chức. Tôi nhớ năm 2009, cách đây 7 năm, bác thợ sửa nhà vệ sinh cho nhà tôi được trả 100.000 đồng cho một giờ đồng hồ, trong khi mức thu nhập giáo viên cho một giờ lên lớp chỉ 30.000-40.000 đồng. Tôi biết một câu chuyện có thật khác về bác thợ điện nước, đi thay thiết bị vệ sinh nhưng trước đây là Tiến sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Nghe chuyện này thì không mới, không hiếm, nhưng mình là người chứng kiến mới thấy đôi khi học hàm, chức sắc mà không mang lại cuộc sống “ăn no, mặc ấm” thì cũng chẳng để làm gì cả. Người ta sẵn sàng từ bỏ để làm công việc tay chân nhưng lại kiếm được tiền, đảm bảo chăm lo được đời sống gia đình và bản thân.
Ở đây có hai vấn đề, đó là mức thu nhập cho nhà nghiên cứu quá thấp và hai là nhu cầu cao về nghề dịch vụ khiến chúng ta phải thực tế nhìn nhận, đưa lên bàn cân. Bản thân mỗi người cũng phải xác định, mình đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống hay có một công việc trong Nhà nước ổn định.
Nếu bạn lo lắng rằng vì tỷ lệ đăng ký vào ĐH thấp thì các trường phải giành giật sinh viên. Theo tôi điều này càng có lợi cho lớp sinh viên mới. Trước kia tôi đi học trường chỉ có vài trăm sinh viên, nhưng bây giờ số lượng sinh viên luôn là vài chục ngàn. Rõ ràng số lượng đào tạo như vậy là quá lớn, chỉ để đạt được chỉ tiêu, còn ra trường thu nhập thế nào thì coi như hết trách nhiệm. Nhưng khi tỷ lệ học sinh không đăng ký thi đại học nữa tăng lên, sẽ dần tạo nên một bộ máy sàng lọc. Những trường không đáp ứng được nhu cầu sẽ tự bị đào thải. Bởi chung quy lại phải phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, chứ không phải cứ lấy đủ sinh viên để nuôi trường đó tồn tại, mà chất lượng thì kém.
Đầu bếp nhà hàng là một trong những ngành nghề đào tạo ngắn, đảm bảo đầu ra |
Bản chất thì vẫn luôn luôn phải học, nhưng chúng ta cần tỉnh táo phân loại. Mình nên học nghề thành thợ hay cố lấy tấm bằng ĐH rồi không biết sẽ xin vào đâu, làm gì… Vấn đề quan trọng nữa là cần phải học, làm việc và định hướng theo đam mê. Nếu có tình yêu với lĩnh vực nào đấy, tôi tin các bạn trẻ sẽ có đủ năng lượng và nhiệt huyết đến cùng để theo đuổi ngành, nghề mình đã chọn. Bản thân tôi đã chứng kiến một chuyện rất buồn khi thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ ngay tại Trường ĐH Sư phạm. Trong số gần 60 bạn sinh viên được hỏi, những ai yêu trẻ con và nghề giáo thì con số này chỉ là 12 bạn, bằng 1/5, chưa kể những bạn ngại không dám trả lời thành thật. Tại sao không thích lại làm? Là vì bố mẹ em muốn, gia đình em muốn… Như vậy định hướng nghề nghiệp đã có vấn đề từ trong gia đình. Phụ huynh không nên áp đặt đam mê, yêu thích của mình lên con cái, không nên quan niệm con cái là cuộc đời kéo dài của họ…
Lựa chọn nghề nghiệp và hướng đi cuộc đời là việc của từng người. Không thể đòi hỏi con bạn làm việc tốt nếu ép con theo cái ngành nghề mà con căm ghét. Hơn nữa, công việc là một phần cuộc sống của con, chúng ta không thể sống hộ con. Vì thế, hãy để cho con trẻ được sống cuộc sống của mình.
Nguyễn Thành Long - THPT Thạch Thất (Hà Nội):
Cử nhân mà thất nghiệp thì đi làm thợ còn tốt hơn
Năm nay em dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trước đó em cũng đăng ký tham dự kỳ thi “Đánh giá năng lực” của ĐH Quốc gia Hà Nội với kết quả chấp nhận được và đang chờ kết quả kỳ thi tốt nghiệp để nộp hồ sơ. Em dự thi ĐH phần lớn là do mong muốn của người lớn, bởi bố mẹ luôn mong muốn chúng em thi đỗ ĐH như các anh chị trong gia đình để ra trường có công việc ổn định. Thế nhưng bạn bè quanh em không phải ai cũng đăng ký vào các trường ĐH, có rất nhiều bạn lựa chọn học nghề may mặc, điện tử, lập trình… nên chỉ xét tốt nghiệp chứ không chờ xét ĐH nữa. Cá nhân em nghĩ các bạn hiện nay đang lựa chọn nghề theo đúng sở thích và đúng năng lực của mình, chứ không đơn thuần chỉ do mong muốn của cha mẹ nữa.
Tất nhiên, điều cơ bản là chúng ta vẫn phải học, phải trau dồi và rèn luyện để thành người, để trở thành công dân tốt. Nhưng hiện nay, cá nhân em nhận thấy số lượng các bạn lựa chọn ĐH sau khi học phổ thông không còn nhiều như thời cha mẹ hoặc các anh chị đi trước và kỳ thi ĐH cũng không còn quá nặng nề đối với chúng em nữa. Bởi xét cho cùng, việc học gì, học ở đâu… cũng đi đến mục tiêu cuối cùng là thành nghề, đi làm và kiếm tiền nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình.
Em đã thấy khá nhiều anh, chị học ĐH, thậm chí thạc sĩ mất rất nhiều thời gian, tiền của… nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn chỉ làm thợ, nhiều người còn không có việc làm. Có lẽ vì thế nên nhiều bạn bè lứa tuổi của em không mặn mà lắm với cổng trường ĐH hay những bậc học cao hơn. Các bạn lựa chọn học nghề, chỉ sau 2-3 năm là có thể đi làm, có lương mà vẫn có thời gian và cơ hội học lên tiếp nếu phù hợp, chứ không bỏ phí 4-6 năm mà kết quả vẫn là thất nghiệp.
Trước kỳ thi, chúng em được các thầy cô và gia đình khuyên bảo và định hướng khá nhiều khi lựa chọn việc tiếp tục thi ĐH hay lựa chọn học nghề. Cá nhân em rất thích các ngành nghề liên quan tới Hóa học, Y dược… nên em lựa chọn đăng ký khoa Hóa của ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau khi có kết quả tốt nghiệp, em sẽ cân nhắc thêm các lựa chọn tại Trường ĐH Dược hoặc ĐH Sư phạm Hà Nội. Còn các bạn em, có người đăng ký ĐH, có người đăng ký CĐ và học nghề tùy theo khả năng.
Cá nhân em nhận thấy bố mẹ cũng không còn ép buộc con cái mình vào ĐH bằng được như trường hợp của nhiều anh chị. Vì bố mẹ em cũng hiểu rằng, với gia đình có thu nhập trung bình, không có chức quyền hay mối quan hệ, nếu cử nhân mà thất nghiệp thì đi làm thợ còn tốt hơn. Thế nhưng cá nhân em thích học nghiên cứu nên bố mẹ cũng đồng ý và không tham dự quá nhiều vào lựa chọn ngành nghề của em.
Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore đã khuyên người dân rằng, không nhất thiết học ĐH mới có được công việc tốt, một trong những lý do vì nước này đang thiếu hụt một lực lượng lao động lớn để làm việc trong các nhà máy, bến cảng, khách sạn... Trong khi đó, trên blog cá nhân ngày 3-6, ông Bill Gates, tỉ phú giàu nhất thế giới và là người giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ, nói về lợi ích của việc đi học: “Mặc dù tôi từng nghỉ học ĐH và may mắn khi theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực phần mềm nhưng việc có một tấm bằng ĐH là con đường dễ dàng hơn để dẫn đến thành công”, ông viết. |
Vương Tâm - Thanh Huyền