Vị thế dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ thời hậu đảo chính
Mặc dù không phải nước sản xuất dầu lớn trên thế giới nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại tập trung nhiều đầu mối đường ống dẫn dầu từ khu vực Trung Đông, Trung Á và Nga sang châu Âu. Đặc biệt, nước này nắm “yết hầu” là eo biển Bosporus trên đường vận chuyển dầu từ Biển Đen qua biển Marmara, ra biển Aegea rồi ra Địa Trung Hải, tới châu Âu và đi xa hơn nữa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
Trong bối cảnh thị trường dầu khí đầy bất ổn như hiện nay, với giá cả lên xuống thất thường do tác động của vô vàn yếu tố, thì cuộc khủng hoảng chính trị với âm mưu đảo chính vừa qua đã ảnh hưởng không ít đến sản xuất, chế biến, vận chuyển quá cảnh dầu khí ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ nắm yết hầu đường vận chuyển dầu khí từ Nga sang Nam Âu
Ngay khi cuộc đảo chính vừa xảy ra, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ra lệnh đóng cửa eo biển Bosporus để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra với các tàu chở dầu. Hàng loạt tàu dầu và ùn ứ ở hai đầu eo biển. Thế mới biết eo biển này quan trọng đến mức nào trong vận chuyển dầu.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, khoảng 2,9 triệu thùng dầu thô và rất nhiều sản phẩm xăng dầu hiện đang được vận chuyển trên các tàu chở dầu chạy trong eo biển nhỏ hẹp thuộc sự quản lý của Thổ Nhĩ Kỳ theo tuyến từ biển Đen sang Địa Trung Hải. Ngoài ra, có hai hệ thống đường ống quan trọng, một từ Azerbaijan và hệ thống còn lại từ Iraq. Cả hai hệ thống này đều chạy đến cảng Ceyhan trên bờ Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một điểm trung chuyển khí đốt quan trọng vào châu Âu. Năm 2013, BP và một số công ty đối tác đã đồng ý xây dựng hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan sang Italy với tên gọi Hành lang khí đốt phía Nam. Những khối khí đốt đầu tiên sẽ được vận chuyển qua hệ thống này từ năm 2019 với công suất ước tính khoảng 16 tỷ m3/năm.
Mỗi năm có khoảng 48.000 tàu vận chuyển dầu khí đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được xem là huyết mạch hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng là thị trường quan trọng của mặt hàng xăng dầu với mức tiêu thụ xăng sánh ngang với Pháp. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu ngũ cốc lớn và một trong 10 thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Theo nhận định của giáo sư Jason Bordoff chuyên giảng dạy về chính sách năng lượng thế giới tại đại học Columbia, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm trung chuyển sản phẩm quan trọng của thị trường năng lượng thế giới. Thị trường năng lượng sẽ chịu tác động không nhỏ nếu quá trình vận chuyển ở đây bị gián đoạn.
Những năm gần đây, chính phủ Mỹ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với kế hoạch tăng cường vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng muốn biến nó thành kênh xuất khẩu dầu cho Iraq. Giáo sư Bordoff nhấn mạnh rằng đã đến lúc chính phủ các nước cần phải đa dạng hóa hệ thống cung cấp năng lượng cho nước mình để tránh trường hợp rủi ro như suýt xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ mới đây (ngụ ý về cuộc đảo chính, tuy bất thành).
Trong khi đó, ông Hamza Khan, trưởng bộ phận kinh doanh hàng hóa tại ngân hàng ING Hà Lan, cho rằng ảnh hưởng của bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ lên thị trường năng lượng thế giới có thể sẽ giảm bớt phần nào khi dự trữ xăng dầu của Mỹ và châu Âu tăng lên trong những tuần sắp tới.
Cùng lúc đó các nhà máy sản xuất năng lượng vẫn hoạt động ở công suất cao gần sát mức kỷ lục. Và các tuyến đường chuyển dầu tại Thổ Nhĩ Kỳ đã mở lại hoạt động bình thường sau lệnh cấm của Thủ tướng vào cuối ngày 16-7.
Việc khôi phục dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ có phải lả giải pháp?
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang nỗ lực cải thiện quan hệ hợp tác với Nga trong lĩnh vực dầu khí. Nhưng sau khi xảy ra vụ đảo chính (dù là bất thành), tương lai của quan hệ hợp tác dầu khí giữa hai nước sẽ ra sao?
Việc bình thường hóa quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã phần nào nâng cao vị thế của mình trong lĩnh vực điều tiết dòng chảy dầu khí trong khu vực.
Theo các nhà phân tích phương Tây, việc hàn gắn quan hệ với Nga là một phần trong chiến lược lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (hợp tác Nga – Thổ) sẽ trở thành vấn đề cấp bách hơn. Dự án này đã bị đình chỉ sau sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hồi tháng 11 năm ngoái. Câu hỏi được đặt ra là liệu việc Moscow và Ankara hòa giải lần này có đủ sức để đưa hai nước trở về mức độ quan hệ đối tác chiến lược như giai đoạn 2014-2015, khi Nga từ chối dự án Dòng chảy phương Nam và bắt đầu một cuộc thảo luận tích cực về việc xây dựng một đường ống dẫn khí trên Biển Đen với phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, số phận của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ do Nga xây dựng cũng là một vấn đế quan trọng trong lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng ở khu vực này.
Tuy nhiên, tương lai của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khá mơ hồ, thậm chí trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Ankara đã được cải thiện. Đặc biệt là ở thời kỳ hậu đảo chính, phía Nga có thể giảm kỳ vọng về dự án này, vì người Nga từng tính toán rằng việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam sẽ mở ra cho Moscow khả năng tiếp cận nhiều hơn với thị trường châu Âu, nhưng nếu tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bất ổn những tính toán này có thể sẽ không đạt mục đích.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong danh sách các hiệp định thỏa thuận thương mại và đầu tư giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, bị đình chỉ từ tháng 11-2015, sau sự cố phía Thổ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga.
Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gửi đến phía Nga lời xin lỗi về sự cố này, Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu Chính phủ bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Ankara.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak công bố sự sẵn sàng để tiếp tục thực hiện dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ trong sự hiện diện bảo chứng từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ủy ban châu Âu.
S.Phương