Giả chết để trốn "xã hội đen"
Vì quá thương con, lo lắng cho tính mạng của con trai bị giang hồ đe dọa, bà mẹ nghèo đã cam tâm tổ chức một đám ma với đầy đủ thủ tục như thật. Chuyện bại lộ, người đàn bà chỉ biết ôm nỗi tủi sầu mà chịu mọi điều tiếng của dân làng. Vụ việc kỳ lạ này xảy ra tại xã Linh Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
1. Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Bái nằm cô liêu tại chân đồi thuộc thôn Cây Sơn (Linh Sơn, Đồng Hỷ). Người đàn bà gầy gò, khuôn mặt sạm đen, đôi mắt luôn ánh lên nỗi âu lo chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mà bất đắc dĩ, bà mới phải làm. Mục đích chỉ là để giữ cho con trai mạng sống...
Sáng ngày 19-5-2009, người dân xóm Cây Sơn bỗng dưng nghe thấy nhiều tiếng khóc ai oán nổi lên từ nhà bà Nguyễn Thị Bái. Khi họ kéo sang thì đã thấy cỗ áo quan được đóng chặt nắp để ở giữa nhà, xung quanh khói hương nghi ngút. Mấy mẹ con bà Bái đang ngồi quanh kêu khóc vật vã. Trên bàn thờ, một mâm cơm cúng tươm tất đặt bên tấm di ảnh. Không khó để nhận ra người trong tấm di ảnh chính là Đặng Văn Quý (sinh năm 1989), con trai út của bà Bái.
Tình làng nghĩa xóm, người dân trong bản nhanh chóng chia nhau đi làm các công việc hậu sự. Người thì gọi phường bát âm, kẻ lại lo dựng rạp và các công việc cỗ bàn... Bà Bái cũng giải thích với làng xóm rằng, con chết do bệnh tật nên cần được chôn sớm. 16 giờ hôm đó, quan tài Đặng Văn Quý được chôn dưới ba tấc đất. Còn vang vọng đâu đây chỉ là sự ái ngại của dân làng, vì trước nay có một mình bà Bái sống với anh con út. Nay nó lại ra đi quá chóng vánh...
Nơi đây từng là mộ của Quý - "Di ảnh" của Đặng Văn Quý. |
Vậy nhưng chừng một tuần sau trong xã đột nhiên có dư luận Đặng Văn Quý... chưa chết. Và có thể là người ta đã đánh tráo ai đó vào trong quan tài (!?). Bản thân bà Bái thì đã đến nhà trưởng xóm Đặng Văn Sinh báo cáo lại sự việc giả chết của con trai bà. Ngày 30-5-2009, dưới sự giám sát của chính quyền xã, ngôi mộ mới đắp được chục ngày của Đặng Văn Quý đã được tổ chức khai quật.
Hàng trăm người trong xã tụ tập đông như kiến tại mảnh vườn nhà bà Bái để chứng kiến sự kiện từ thuở cha sinh mẹ đẻ họ mới thấy lần đầu tiên. Anh Hùng, Xã đội trưởng xã Linh Sơn là người đã trực tiếp dùng xà beng khai quật ngôi mộ. Ai được "giao nhiệm vụ" này cũng đều lắc đầu lè lưỡi, không dám làm. Một mình anh Hùng phải xắn tay vào làm, sau có thêm một số dân quân giúp sức.
Tất cả mọi người đều nín thở khi anh Hùng chạm đến cỗ quan tài. Khi nắp quan tài được nạy lên, nhiều người còn quay đi hoặc lấy tay che mắt không dám nhìn. Nhiều người còn chạy rõ xa để... tránh âm khí.
Thế nhưng sau khi nắp quan tài bật mở, tất cả đều... "mắt chữ A, miệng chữ O" khi thấy trong quan tài không hề có thi thể nào hết. Thay vào đó là một tấm chăn bông bọc đầy... xi măng cùng dăm ba bộ quần áo rách tả tơi.
Tại cơ quan chức năng, bà Bái trình báo: Tháng 11-2008, con trai bà là Đặng Văn Quý mãn hạn tù trở về nhà. Thời gian trong tù, Quý có đánh bạn với một bạn tù và được người này "chăm sóc, nuôi nấng". Đến khi ra trại, "đàn em" của đối tượng đó ở ngoài xã hội thường xuyên gọi điện tới nhà, bắt Quý phải "đi làm" để trả nợ cho chúng. Quý thấy công việc đó không bình thường, nên kiên quyết không theo.
Bọn "xã hội đen" vẫn không buông tha. Chúng liên tục gọi điện dọa dẫm rằng "oan đền, nợ phải trả". Do quá bức bách, Quý đã ba lần tự tử song bất thành. Thế rồi vào một ngày đầu tháng 5-2009, Quý quỳ lạy mẹ, xin cứu con. Bà Bái bảo: "Mẹ suốt đời chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng, thương mày lắm nhưng cũng chả nghĩ ra cách gì để cứu mày?". Quý ghé tai mẹ, thì thầm: "Chỉ còn cách mẹ làm đám ma cho con, coi như con đã chết. Khi ấy chúng nó mới không quấy rầy". Nhiều ngày nghĩ đi nghĩ lại mà không ra được cách gì hay hơn, bà đành nhắm mắt làm theo... Và thế là một đám ma y như thật đã được tổ chức.
2.Bà Bái là con một tá điền đất Văn Giang (Hưng Yên) nên thuở nhỏ bà cũng không được học hành gì nhiều. Tới năm 20 tuổi thì bà se duyên với ông Đặng Đức Chấn rồi về Thái Nguyên sinh cơ lập nghiệp. Sau khi có với nhau được mấy mặt con, ông Chấn lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Bà Bái ở nhà đầu tắt mặt tối nuôi nấng, chăm sóc lũ trẻ.
Năm 1976, bà Bái vui mừng đón người chồng thương yêu của mình trở về. Ông bà có thêm với nhau mấy đứa nữa, tổng cộng là 7 mặt con. Cũng từ khi xuất ngũ, ông Chấn đau ốm liên miên. Những cơn sốt rét rừng vẫn thỉnh thoảng quật cho ông tơi tả. Thế rồi bệnh hen suyễn cũng làm ông khốn đốn.
Gánh nặng "nuôi 7 con với một chồng" dồn lên đôi vai bà Bái. Tinh mơ, bà đã vác dao lên rừng kiếm củi tới khuya mới về. Thế rồi sáng hôm sau lại vác ra chợ huyện bán lấy tiền. Cả gia đình hầu như chỉ trông vào tiền kiếm củi của bà. Sau rồi thì củi cũng khan hiếm, bà Bái nhận đủ mọi việc cày thuê cuốc mướn cho người ta kiếm con cá, lá rau nuôi 7 cái "tàu há mồm". Năm 1996, ông Chấn bỏ vợ bỏ con ra đi sau một trận ốm nặng.
Thế rồi bà Bái vẫn một tay lo dựng vợ gả chồng cho lần lượt 4 đứa con. Năm 2005, một thằng con trai của bà ốm chết. Bà đem chôn cất ở một góc vườn. Một thằng con trai khác của bà đang thụ án ở Bắc Kạn. Gia cảnh thì như thế, nên Đặng Văn Quý mới học hết lớp 5 đã phải bỏ học để đi làm kiếm miếng ăn. Bà Bái tự hào "nó là thằng có hiếu. Thấy tôi già yếu rồi nên nó không cho đi làm nữa, bắt ở nhà trông nhà. Còn nó thì đi làm thuê, làm mướn khắp nơi nuôi mẹ".
Vui được một lúc, bà lại tỏ ra rầu rầu. Cách đây mấy năm thằng Quý làm việc sai trái và bị đi cải tạo 4 năm. Do cải tạo tốt nên Ban giám thị ở Trại giam Tân Lập (Hạ Hòa, Phú Thọ) đã đưa Quý vào diện được miễn giảm hình phạt. Quý được về trước thời hạn một năm.
Ngày mùng 3 Tết Kỷ Sửu, bà Bái đang đi chúc tết hàng xóm thì rụng rời khi nghe tin con trai mình cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sấp ngửa chạy đến, bà thấy con mình đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu. Bạn bè nó kể, khi đến nhà bà chơi gọi mãi không thấy ai thưa. Vào nhà thì thấy một mình Quý đang nằm mê man trên giường. Dưới đất có một vỉ seduxen không còn viên nào.
Vừa mới được xuất viện hôm trước, hôm sau Quý đòi lên nhà chị gái chơi. Bà Bái đồng ý vì nghĩ rằng, cho con đi chơi cho khuây khỏa. Nhưng ai ngờ, ngày mùng 5 tết bà Bái đang xới mảnh đất trong vườn thì nghe tin thằng Quý lại tự tử. Lần này nó uống tới 3 vỉ thuốc ngủ, song rất may người nhà kịp phát hiện và đưa đi bệnh viện nên Quý mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Sau hai lần tự tử bất thành, Quý đã có vẻ bình tĩnh lại. Cậu lại tiếp tục chăm chỉ làm thuê làm mướn giúp mẹ. Nhưng được ít tháng, bọn xấu lại mò đến nhà. Chúng còn cuỗm đi mấy trăm ngàn của bà Bái dành dụm mãi mới được. Và ít hôm sau, bà lại được phen rụng rời khi mở cửa nhà thì thấy thằng Quý đang nằm... giữa vũng máu. Cổ tay trái bị nát nhòe vì nhiều vết dao cứa. Hàng xóm đã đưa Quý đi cấp cứu và lại một lần nữa Quý được cứu sống.
“Cái hôm mà thằng Quý đề nghị làm đám ma cho nó, để nó thoát khỏi bọn người xấu kia, tôi phải nghĩ nhiều lắm" - bà Bái tâm sự. Trước nay chỉ biết đi làm thuê làm mướn kiếm miếng ăn, chưa bao giờ bà Bái nghĩ tới việc lừa dối ai. "Con mình còn sờ sờ ra đấy, làm thế phải tội chết".
Thế nhưng một hôm, bà Bái đi làm thuê ở mấy xã dưới. Trên đường về, bà thấy một đám đông xúm đen xúm đỏ. Hàng chục thanh niên xăm trổ vằn vện đang đánh một người. Nghe người dân ở đó bảo, bọn này là bọn “xã hội đen” đang trừng phạt một đồng bọn không chịu nghe lời chúng, bà rụng rời cả tay chân.
Về nhà, cái hình ảnh ban chiều cứ ám ảnh bà. Thằng Quý gầy yếu thế kia, bị cả chục thằng to khỏe đánh thì chịu làm sao. Bảy đứa con của bà, thì 2 đứa con gái đi lấy chồng xa. Năm thằng con trai, thì một thằng ốm chết năm 2005, một thằng đang thụ án trên Bắc Kạn. Thằng con cả sau khi lấy vợ thì chỉ lo vun vén cho gia đình nó mà không quan tâm tới mẹ già. Nhiều năm nay, chỉ có bà và cậu con trai út sớm hôm rau cháo nuôi nhau. Nó cũng mới chỉ về với bà được mấy tháng chứ bao nhiêu.
Suy nghĩ nát nước, bà Bái đành nhắm mắt làm liều. Buổi tối 18-5-2009, bà mang số tiền tích cóp được hơn 2 triệu đồng đi mua một cỗ quan tài. Sẵn bao xi măng mua về định trát lại cái bếp nhưng chưa dùng, bà tháo ra rồi rải cả vào trong đó. Trước đó bà cũng lót một tấm chăn bông. Xong việc, bà lấy đinh đóng nắp thật chặt. Đến sáng hôm sau thì phát tang...
Người mẹ nghèo cứ nhắc đi nhắc lại, “cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm cái chuyện dối trên lừa dưới như thế. Thằng Quý đi được hơn 20 ngày thì về nhà thăm tôi. Thế rồi lại sấp ngửa đi ngay. Chỉ sợ bọn xấu nó biết tin, nó lại tìm đến đòi nợ thì biết đối phó thế nào?”.
Rồi bà dẫn chúng tôi ra mảnh vườn sát bên hông nhà. Tục lệ ở đây là khi có người thân chết thì chôn ngay trong vườn. Sau khi đã khai quật ngôi mộ giả của Quý, bà Bái lấy đất lấp đi để trồng lạc. Dấu tích của ngôi mộ nay hoàn toàn đã bị xóa, chỉ còn những khóm lạc xanh um. Bà Bái kể, sau khi chồng mất, mấy sào ruộng nhà được chuyển sang cho các cậu, bà lại tiếp tục kiếp làm thuê cuốc mướn để nuôi con.
Ai thuê việc gì bà cũng làm. Gieo mạ, cấy hái, trồng khoai, dỡ lạc... không việc gì bà từ nan. Khu vườn nhà ngoài trồng lạc còn để trồng rau. Bà Bái bảo, mỗi năm gia đình làm được hai vụ lạc. Tất cả đều đem giã làm muối vừng. Bao nhiêu năm trời, mấy mẹ con chỉ cơm rau với muối vừng nuôi nhau. Thằng Quý thỉnh thoảng về thăm bà, gói về cho mẹ miếng thịt lợn ba chỉ. Thế rồi nó còn tranh thủ vào rừng kiếm măng, kiếm cây tre về cho mẹ đem bán…
Đoàn Tiến