Triệu chứng và cách phòng bệnh bạch hầu
Những triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp, cảm cúm thông thường, vì vậy gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Đến khi phát hiện là bạch hầu thì có thể đã ở giai đoạn muộn, khó chữa khỏi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu có thể có nhiều biến thể, phổ biến là bạch hầu họng thông thường, bạch hầu thanh quản, bạch hầu mũi, bạch hầu ác tính...
Biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu giống như viêm đường hô hấp, chảy nước mũi, toàn thân mệt mỏi, sốt, cảm giác rét run, sưng hạch ở cổ, ho khan từng tiếng một, đau họng, da xanh, chảy nước dãi, cảm giác lo lắng và khó chịu trong người... rất dễ nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp, cảm cúm thông thường. Do vậy bệnh gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, đến khi phát hiện có thể đã ở giai đoạn muộn, khó chữa khỏi.
Vào giai đoạn nặng hơn, chất nhầy tiết ra ở mũi sẽ trở nên đặc quánh, có thể có máu, bờ môi trên xuất hiện tổn thương và đặc biệt xuất hiện mùi hôi khó chịu. Bệnh nhân cảm thấy khó thở hoặc khó khăn khi nuốt, suy giảm thị lực, nói lắp, hay đổ mồ hôi, tim đập nhanh hơn bình thường dù không vận động.
Với bệnh bạch hầu họng thông thường, thời kì nung bệnh thường kéo dài 2-5 ngày mà không có triệu chứng lâm sàng. Khi chuyển sang thời kì khởi phát, các triệu chứng phổ biến thường bao gồm: sốt nhẹ (38-38,5 độ C), sổ mũi 1 hoặc 2 lần, niêm mạc họng đỏ, kém sáng hơn. Xuất hiện những chấm trắng mờ và mỏng, hạch dưới hàm sưng to và đau.
Bệnh bạch hầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp, cảm cúm thông thường (Ảnh minh họa) |
Khi chuyển sang thời kỳ toàn phát (2-3 ngày sau), người bệnh cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng, đau cổ họng, người mệt mỏi xanh xao, có thể xuất hiện thêm triệu chứng có giả mạc ở mặt sau hoặc 2 bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc này thường dai, dính và dễ chảy máu.
Bệnh bạch hầu ác tính gồm 2 thể là tiên phát và thứ phát. Ở thể tiên phát, người bệnh có thể có triệu chứng là sốt cao (39-40 độ C) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở hôi, sưng hạch ở cổ... Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, sốt cao, xuất huyết nhiều nơi, khi uống nước sẽ bị sộc ra mũi, huyết áp hạ, mạch nhanh. Bệnh nhân có thể bị tử vong.
Bệnh bạch hầu ở giai đoạn khởi phát không được điều trị sẽ chuyển thành thứ phát và nguy hiểm cho tính mạng.
Phòng ngừa và xử trí khi bị bệnh bạch hầu
Cho đến nay, tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu.
Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B-viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2,3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đối với trẻ ngoài 7 tuổi, phụ huynh có thể đưa đi tiêm phòng bạch hầu (mỗi mũi có thể ngừa được 5 năm) tại phòng khám bệnh Trung tâm Bệnh nhiệt đới và các sơ sở y tế dự phòng.
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, cần vệ sinh phòng bệnh bằng cách giữ cho nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc.
Đối với bệnh nhân không may bị bệnh bạch hầu thì cần được phát hiện sớm và đưa ngay tới cơ sở điều trị để được chăm sóc và điều trị, tránh lây lan trong cộng đồng. Vì đây là bệnh này có thể lây truyền truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng... nên bệnh nhân bạch cầu, cần cách ly ít nhất 2 ngày sau khi điều trị kháng thích hợp và cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, tránh làm lây bệnh cho người khác. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Nguyên Phương