Đời học sinh của tôi (Kỳ 2)
Tôi vào Chasseloup học năm đầu tiên của bậc trung học là lớp 6è. Bạn học thì gọi đúng tên tôi (thực ra là họ) là Lucatos nhưng ông Milhaud, GS tiếng Anh thì gọi đùa tôi là Les Gâteaux (Những chiếc bánh) còn ông Albernhe, GS Pháp văn kiêm chủ nhiệm thì rất cưng tôi. Cuối năm, trong học bạ, ông đã phê ngắn gọn về tôi là “Sujet d’élite” (Tạm dịch là “Cá nhân xuất sắc”).
Tổng hợp các môn, tôi được Prix d’excellence (Phần thưởng xuất sắc); cuối năm nhà trường tổ chức phát thưởng thường niên tại rạp Norodom, nay là Công ty Xổ số Kiến thiết TP HCM, đường Lê Duẩn. Lễ năm ấy do Tướng de Lattre de Tassigny chủ tọa. Kết quả năm đầu tiên của tôi ở trường Tây như thế là khá “ấn tượng”. Nhưng trong trường rất nhiều học sinh biết đến Lucatos không phải vì hắn ta học giỏi mà vì một cái faute politique (lỗi chính trị) hắn ta đã phạm ở năm 5è khi hắn ta “chỉnh” bà giáo Le Milliers vì bà đã dùng từ “Annamite”. Hắn ta đứng dậy và dõng dạc “tuyên bố” rằng ngày nay không còn Annamite mà chỉ có Vietnamien. Bà giáo bị sốc bất ngờ, còn cả lớp thì im phăng phắc. Hắn ta bị bà đuổi ra khỏi lớp ngay sau đó; rồi bà giáo thì làm lập-bo đưa lên văn phòng hiệu trưởng để nhà trường “xử”. Phải nói kỷ luật của trường rất nghiêm.
Cách một ngày sau, người planton (tống thư văn) đưa giấy đến lớp gọi hắn ra hội đồng kỷ luật. Đây là chuyện “gọi”, chứ không có chuyện “mời” học sinh lên văn phòng như ta bây giờ. Hội đồng kỷ luật gồm 5 người do hiệu trưởng ngồi giữa chủ tọa còn Lucatos thì đứng đối diện nghe đọc lập-bo của bà giáo, rồi ý kiến của hội đồng. Cuối cùng là đuổi thẳng và còn ra thông báo đem đến từng lớp để đọc cho học sinh toàn trường đều biết. Tôi ra ngoài học tạm ở Trường Ngô Quang Vinh, đường d’Arras (nay Cống Quỳnh, quận 1) được một thời gian ngắn thì gia đình tôi bắt đầu tấn công ngoại giao. Tối hôm đó, một người bạn của gia đình quen giao du với Tây đầm dẫn tôi đến thăm vợ ông hiệu trưởng, với một bó hoa dơn và một lọ nước hoa, phân bua vài câu để xin cho “le jeune Lucatos” (cậu bé Lucatos) trở lại trường.
Chiều hôm sau, cũng một bó dơn và một lọ nước hoa, với bà Le Milliers. Với bà giáo già này thì xởi lởi và thân mật hơn với bà hiệu trưởng nhiều. Rồi khoảng 2 tuần sau thì có giấy gửi về nhà gọi Emile Pierre Lucatos đi học lại, có nói rõ là “par essai” (học “thử”) nếu tái phạm thì sẽ đuổi thẳng cẳng. Không biết có phải do có ấn tượng về cái phốt đó của tôi hay không mà ba năm sau, hiệu trưởng mới là ông Louis Salles, khi đi cùng ông censeur (giám học) đến từng lớp để ông này xướng danh những học sinh được bảng danh dự, đã nói khi tôi được đọc tên (và đứng dậy): “Vous êtes un fumiste intelligent” (Trò là một đứa tào lao thông minh).
Tuy học trường Tây mà học thì cũng giỏi nhưng tôi lại không ưa trường Tây. Còn gia đình thì kiên trì cho tôi học trường Tây vì tổ chức của nó “đàng hoàng”. Sách học thì khỏi mua vì chỉ đóng tiền để đầu năm mỗi đứa lãnh một chồng rồi cuối năm đem đến trả cho thư viện. Muốn học thì bắt buộc phải đóng bảo hiểm về đời sống học đường (vie scolaire), còn đời tư thì tùy ý. Mỗi học kỳ, nhà trường đều làm “mensuration” (kiểm tra chiều cao, trọng lượng, v.v…) cho học sinh. Trường có phòng Nhạc Họa, phòng thí nghiệm. Không kể tiếng Pháp (đây là chuyển ngữ - langue véhicule), học sinh được học hai ngoại ngữ, một bắt buộc (tiếng Anh), một tự do lựa chọn (Tây Ban Nha, Ý, Đức hoặc… Việt [Nam]). Mỗi học sinh phải tham gia hai môn thể thao. Tôi chọn môn bơi lội và môn tennis.
Tại trường này, tôi khỏi đi học tập quân sự, gọi tắt theo tiếng Tây là PMS (Préparation Militaire Supérieure) vì tôi là “Tây” còn PMS chỉ áp dụng cho học sinh Việt Nam. Học sinh nghỉ học bất thường thì có giấy báo gửi về nhà vì bình thường thì phải có đơn xin phép. Trường này cho nghỉ lễ Phục sinh rất lâu nhưng hồi lễ năm 1954 không biết trời xui đất khiến hay ma dẫn lối quỷ đưa đường mà toàn trường có đến mấy chục học sinh còn nghỉ thêm trước một ngày. Tôi cũng thuộc diện này và hôm đó tôi vào Phòng Thông tin Hoa Kỳ ở góc đường Lý Tự Trọng - Hai Bà Trưng hiện nay để giết thì giờ cho đến trưa thì về nhà.
Lần đó, tôi biết được quyển “Tôi chọn tự do” của Victor Kravchenko mà tôi rất ghét vì tôi khoái Liên Xô. Nhà trường gửi giấy về nhà và cho biết tôi đã nghỉ học hôm đó, có nói rõ khi trở lại trường sau kỳ lễ tôi phải có tờ trình bày lý do chính đáng của gia đình. Dễ ợt! Gia đình quen với BS Tín (Bùi Kiến Tín), lúc đó mở phòng mạch ở Chợ Lớn. Vị bác sĩ xác nhận Lucatos đã bị một cái “crise d’asthme” (cơn hen) đúng vào cái ngày mà hắn ta vào Phòng thông tin Mẽo để đọc - và rất ghét - quyển “Tôi chọn tự do”. Vậy là xong.
Thời gian học trường Tây là giai đoạn tôi bước từ tuổi mới lớn sang tuổi thanh niên với sự bùng nổ bằng cái từ “Vietnamien” từng làm cho bà giáo già Le Milliers phải sững sờ vì chính bà chưa gột rửa được cái cặn bã của đầu óc thực dân đối với dân “Annamite”. Tôi đã nhiều lần đòi gia đình may quần áo vải đen cho tôi mặc để đi vô bưng nhưng người lớn thì nhất quyết không chấp nhận, viện lý rằng “mấy cậu của con (những người bà con đi kháng chiến) cũng biểu (bảo) phải học cho thành tài rồi muốn gì thì muốn”. Nếu không bị cách quãng 6 năm (1 năm “lưu ban”, 1 năm tản cư, 2 năm Tam Dân và 2 năm Franco-Chinois) thì niên khóa 1950-51 tôi đã học đến Première (tương đương lớp 11) và năm 16 tuổi tôi đã có thể lấy Tú tài nhì vì tôi được tiếng là học giỏi. Tiếc thay, đến niên khoá 1954-1955 (19-20 tuổi), tôi chỉ mới học đến Seconde (tương đương lớp 10). Rồi ngày 1-5-1955 thì tôi lên đường ra Bắc.
Cái sự học của tôi nó là như thế và tôi rất hãnh diện về nó. Chẳng có chi để tự ti.
A.C