Ghostbusters 2016: Bùng nổ cuộc chiến về giới, khán giả - nhà phê bình
Phiên bản reboot toàn nữ giới của tác phẩm hài, kinh dị nổi tiếng một thời – Ghostbusters liên tiếp rơi vào các cuộc chiến hỗn độn giữa giới phê bình và khán giả khi ngày công chiến đã cận kề.
Trong trào lưu “hồi sinh” các thương hiệu điện ảnh kinh điển sau vài chục năm ngủ vùi, như Independence Day, Jurassic Park, Mad Max và Star Wars… đều áp dụng một công thức chung là: kết nối câu chuyện trong quá khứ và đồng thời giới thiệu một thế hệ nhân vật mới sẽ đồng hành cùng khán giả.
Nhưng ngược lại, những nhà làm phim Ghostbusters lại chọn một con đường khác, làm lại một bộ phim với dàn diễn viên hoàn toàn mới. Đặc biệt là, đổi luôn giới tính biệt đội bắt ma nam giới trong bản cũ thành một bản mới với toàn bộ biệt đội săn ma nữ giới. Điều này đã gây ra sự “tức giận khủng khiếp” từ các khán giả hâm mộ bản phim cũ, cũng như biến bộ phim trở thành “mục tiêu” công kích của những người mang nặng tư tưởng kỳ thị giới tính.
Ghostbusters rơi vào cuộc tranh cãi gay gắt vì vấn đề giới tính. Phim bị ghét vì các nhân vật chính đều là nữ. |
Cuộc chiến giới tính
Ghostbusters phiên bản làm lại năm 2016 có sự tham gia của các ngôi sao dòng phim hài, tình cảm như: Kristen Wiig, Kate McKinnon, Leslie Jones… và đặc biệt là Melissa McCarthy đều là những diễn viên thực lực với lối diễn duyên dáng đầy tự tin. Đi cùng với họ còn có đạo diễn kiêm biên kịch Paul Feig, người từng đứng sau thành công của nhiều bộ phim hài, lãng mạn rất được yêu mến “Spy” (2015), “Bridesmaids” (2011) và “The Heat” (2013).
Trailer phim bị ghét nhất lịch sử Youtube:
Dù vậy, không ai có thể ngờ tới sự phản ứng gay gắt và nặng nề của khán giả về Ghostbusters bản mới này lại nhiều tới như thế. Đại đa phần trong số này là các khán giả của bản gốc khi họ bày tỏ rằng mình cảm thấy bị “sốc” khi bộ phim yêu thích một thời bị “nữ giới hóa” như thế.
Trailer của phim khi vừa ra mắt bất ngờ đạt kỷ lục “Trailer phim bị căm ghét nhiều nhất trong lịch sử Youtube” với 29,2 triệu lượt. Thậm chí, còn có rất nhiều bình luận ác ý và cả lời đe dọa sẽ giết chết các diễn viên nếu phim được công chiếu.
Trên các trang đánh giá phim ảnh, đặc biệt là IMDB, đã có nhiều tài khoản bình luận bộ phim này với chất lượng “dở tệ”, “nhàm chán” và “không đáng xem”. Đồng biên kịch Katie Dippold đã lên tiếng khẳng định, những bình luận này không hề có giá trị, vì người viết nó chỉ nhận xét hoàn toàn cảm tính chủ quan mà chưa hề được xem trọn vẹn bản phim Ghostbusters.
Người khen kẻ chê tơi tả!
Sau những buổi chiếu thử vào đầu tuần này, nhiều nhà phê bình đã đồng loạt nhận định Ghostbusters hóa ra lại không dở như những review từ các tài khoản người dùng trên IMDB. Phản hồi của các chuyên gia về phim là khá tích cực với 62 điểm trên Metacritic và 79% chứng nhận “tươi” trên Rotten Tomatoes.
Còn trên IMDB, ngược lại, điểm số chấm cho phim chỉ đạt mức 3.6/10 dựa trên số điểm trung bình của 5.763 lượt bình chọn từ khán giả - trong đó có khoảng 3.271 lượt chấm điểm thấp nhất có thể là 1/10 – chiếm hơn 56,8%. Tuy nhiên, con số thống kê chi tiết lại có thể kể ra cho bạn một câu chuyện hoàn toàn khác. Và nó chứng tỏ một sự thật rằng bản chất của cuộc chiến này dường như đã vượt qua phạm vi đánh giá một bộ phim.
Các chuyên gia cho phim ở mức khá, còn khán giả thì chấm “điểm nào thấp nhất có thể”. |
Trong số 61 bài review trên Rotten Tomatoes, đại diện cho quan điểm của 43 nam giới và 18 phụ nữ, thì số điểm trung bình cho phim là 77% tươi. Xét kỹ hơn tới chất lượng điểm số theo tỷ lệ giới tính của các chuyên gia bình phim, có 72% nam giới đánh giá phim tích cực .Còn các cây bút nữ thì chấm phim tới 89% tích cực. Có thể dễ dàng thấy, nữ giới là đối tượng sẽ cho phim đánh giá tốt nhiều hơn nam giới.
Nhưng bản thân là các nhà phê bình, ít ra họ còn giữ được con mắt công tâm, đánh giá phim trên bản chất của nó thay vì bề ngoài như những gì mà con số thống kê từ IMDB sẽ cho bạn thấy. Có 3.873 user nam giới tham gia đánh giá phim với số điểm chung là 3,5. Ngược lại, chỉ có 464 user nữ giới đánh giá phim với điểm số 6,3. Xét sâu xa hơn ở từng độ tuổi, vẫn cho thấy sự cách biệt cảm tính rõ ràng: nữ cho điểm phim cao hơn mức trung bình, nam giới, dù ở độ tuổi từ 18-45 hay trên 45 đều cho phim số điểm dưới mức 5. Những khán giả lớn tuổi, những người có lẽ đã là fan của Ghostbusters năm 1986 là những người cho điểm tệ hơn tất cả.
Rõ ràng, sự phân rẽ trong đánh giá “hay – dở” của nhà phê bình và khán giả là chuyện không hiếm, như trường hợp phê bình chê còn khán giả thì khen như “Batman vs Superman: Dawn of Justice” hồi đầu năm. Còn Ghostbuster, suy cho cùng vẫn là sự phân rẽ trong tư duy, khi vẫn còn quá nhiều người để cho định kiến kỳ thị nữ giới làm lu mờ tất cả.
Trai đẹp Chris Hemsworth đóng vai “gây cười” và là “thỏi nam châm” thu hút khán giả nữ tới xem phim |
Đánh giá chất lượng chung của Ghostbusters 2016 từ các nhà phê bình đều gặp nhau ở điểm: một bộ phim vui vẻ, giải trí khá ổn dành cho mùa phim bom tấn hè và đôi khi, nó còn khá đẹp nữa. Tuy nhiên, khuyết điểm của phim là đem vấn đề giới tính ra giễu nhại quá nhiều, bất chấp tình huống đùa cợt ấy còn chẳng hề ăn nhập gì đến tình tiết phim.
T.Hiếu