Những cuộc chiến vì năng lượng nào sắp diễn ra?
Thế giới lại đang chứng kiến hàng loạt cuộc xung đột liên quan đến dầu lửa với sự tham gia của nhiều quốc gia. Những điểm bùng phát này là tín hiệu cho thấy thế giới đang tiến vào một kỷ nguyên xung đột căng thẳng vì năng lượng.
Vì dầu lửa, anh em Sudan cắn xé nhau
Ngày 10/4, các lực lượng từ nhà nước mới độc lập Nam Sudan đã chiếm trung tâm dầu lửa Heglig, một thị trấn được trao cho Sudan theo thỏa thuận hòa bình. Những người miền Bắc có căn cứ tại Khartoum đã huy động lực lượng riêng để đẩy người Nam Sudan khỏi Heglig. Từ đó, giao tranh đã nổ ra dọc theo biên giới tranh chấp giữa hai nước, kéo theo các cuộc không kích vào các thị trấn tại Nam Sudan.
Cuộc xung đột này bị kích thích bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự chênh lệch về kinh tế giữa hai nước Sudan và sự thù địch dai dẳng giữa người miền Nam và người miền Bắc. Tuy nhiên, chính dầu lửa và thu nhập mà dầu mang lại mới là tâm điểm của vấn đề. Khi Sudan bị chia cắt năm 2011, các mỏ dầu tốt nhất nằm ở miền Nam, trong khi chỉ có đường ống dẫn dầu miền Bắc mới có khả năng vận chuyển dầu từ miền Nam tới thị trường quốc tế. Vì thế, miền Bắc đã đòi hỏi chi phí quá cảnh đặc biệt cao, từ 32 đến 36USD/thùng dầu so với giá thông thường là 1USD/thùng. Khi những người miền Nam từ chối chấp nhận giá này, người miền Bắc tịch thu số tiền mà họ đã thu được từ xuất khẩu dầu của miền Nam, nguồn thu quan trọng duy nhất của họ. Để đáp lại, người miền Nam ngưng sản xuất dầu và có hành động quân sự chống phía bắc. Tình hình hiện vẫn đầy khả năng bùng nổ xung đột.
Biển Đông dậy sóng vì dầu
Ngày 7/4, tàu chiến Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines đến đảo đá Scarborough, một hòn đảo nhỏ ở Biển Đông và bắt giữ 8 tàu đánh cá Trung Quốc đang hạ neo ở đó, với lời buộc tội các tàu này có hoạt động đánh bắt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Philippines.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm trên, nhưng năng lượng là động cơ chủ đạo. Biển Đông được cho là nơi có trữ lượng lớn dầu và khí đốt và tất cả các quốc gia xung quanh, trong đó có Trung Quốc và Philippines, muốn khai thác các mỏ dầu này. Manila tuyên bố 200 hải lý tính từ bờ biển phía tây của họ là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông. Các công ty Philippines thông báo đã tìm thấy các vùng có trữ lượng khí đốt lớn tại khu vực này và đã thông báo kế hoạch bắt đầu khai thác. Trong khi đó, với tuyên bố rằng nhiều hòn đảo nhỏ nằm rải rác trên Biển Đông (trong đó có đảo Scarbourough) là của mình, Bắc Kinh đã khẳng định chủ quyền với toàn bộ khu vực, trong đó có các vùng biển mà Manila có tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh cũng thông báo kế hoạch khoan dầu ở khu vực. Sau nhiều năm thương lượng, chưa có một giải pháp nào tìm ra cho cuộc tranh chấp và nhiều khả năng sẽ có đụng độ tiếp.
Quyết tâm của Trung Quốc muốn kiểm soát các nguồn năng lượng ngoài khơi còn đẩy nước này vào xung đột với các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và vào một tranh chấp tương tự với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Ai Cập cắt dòng khí tự nhiên tới Israel
Ngày 22/4, Tổng Công ty Dầu lửa Ai Cập và Công ty Khí đốt Ai Cập thông báo cho các quan chức năng lượng của Israel rằng họ đang “chấm dứt các hợp đồng khí đốt” theo đó Ai Cập cung cấp khí cho Israel. Bề ngoài, có vẻ như quyết định này được đưa ra nhằm phản ứng trước tranh chấp liên quan đến thanh toán khí đốt mà Israel trả cho Ai Cập, nhưng tất cả các bên liên quan đều hiểu rằng, đây một phần có động cơ từ việc chính phủ mới của Ai Cập muốn thể hiện sự thoát ly khỏi chế độ Mubarak đã bị lật đổ và chính sách hợp tác với Israel của ông ta. Mối quan hệ khí đốt giữa Ai Cập và Israel là một trong những kết quả quan trọng nhất của hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa hai nước và sự chấm dứt nó là tín hiệu rõ ràng về một thời kỳ bất hòa hơn; có thể gây ra thiếu hụt năng lượng tại Israel. Ở phạm vi lớn hơn, nó phản ánh xu hướng sử dụng năng lượng như một con bài chính trị. Mới đây ngày 15/5, Israel đã ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Argentina trước nguy cơ xung đột Anh vì dầu lửa
Tại cuộc họp thượng đỉnh các nước châu Mỹ trung tuần tháng 4 vừa qua tại Colombia, Argentina tìm kiếm một lời lên án mới của các nước cùng bán cầu đối với việc Anh tiếp tục chiếm đóng đảo Falkland (còn gọi là Las Malvinas). Với tuyên bố chủ quyền trên đảo, Argentina liên tục đưa vấn đề này ra công luận kể từ khi thất bại trong cuộc chiến tranh giành đảo Falkland hồi năm 1982, nhưng gần đây đã đẩy mạnh chiến dịch trên nhiều mặt trận. Anh đã phản ứng bằng việc gia tăng lực lượng quân sự của mình tại khu vực và cảnh báo Argentina không nên có bất cứ manh động nào.
Khi Argentina và Anh đánh nhau tranh giành quần đảo Falkland, không có gì nhiều để tranh chấp ngoài thể diện quốc gia và thể diện của các nhà lãnh đạo hai bên (lúc đó là Thủ tướng Anh Margaret Thatcher với một nhà độc tài quân sự) và một vài hòn đảo dân cư thưa thớt. Kể từ đó, giá trị của quần đảo đã tăng đáng kể do các cuộc thăm dò địa chất gần đây ở các vùng biển xung quanh hòn đảo cho thấy có trữ lượng lớn dầu lửa và khí đốt. Khao khát có được thành công như Brazil trong việc khai thác dầu khí ngoài khơi, Argentina tuyên bố rằng, các khu vực mới phát hiện nằm trong lãnh thổ của mình và việc nước khác thăm dò tại đây là bất hợp pháp. Tất nhiên, Anh cũng khẳng định đây là lãnh thổ của mình. Không ai biết liệu cuộc khủng hoảng tiềm tàng âm ỉ này sẽ nổ ra như thế nào, nhưng việc lặp lại cuộc chiến năm 1982 – lần này là vì năng lượng – khó có thể không đặt ra.
Mỹ và thùng dầu Iran
Suốt thời gian qua, dường như một cuộc xung đột vũ trang giữa Iran với Israel hoặc Mỹ là không thể tránh khỏi. Không bên nào sẵn sàng lùi bước trước các yêu cầu then chốt, đặc biệt là về chương trình hạt nhân của Iran và bất cứ ý kiến nào về một giải pháp nhượng bộ đều được cho là không thực tế. Tuy nhiên, khả năng xảy ra chiến tranh đã giảm đi phần nào – ít nhất cho đến hết năm bầu cử ở Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tất cả các bên nói rằng họ chuẩn bị đầy đủ để sử dụng vũ lực. Đối với Iran, điều này có nghĩa là chặn eo biển Hormuz, eo biển hẹp nơi một phần ba lượng dầu buôn bán của thế giới đi qua mỗi ngày. Về phần mình, Mỹ khẳng định sẽ giữ cho eo biển này thông suốt và nếu cần thiết sẽ loại bỏ khả năng hạt nhân của Iran.
Cuộc khủng hoảng hiện nay có can hệ rất lớn đến triển vọng nguồn cung dầu toàn cầu, thông qua các mối đe dọa của Iran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu của Iran và khả năng bất cứ cuộc không kích nào nhằm vào các căn cứ hạt nhân của Iran sẽ dẫn đến kết quả tương tự. Dù là cách nào, quân đội Mỹ chắc chắn sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc hủy diệt lực lượng quân sự của Iran và tái lập sự thông suốt cho eo biển Hormuz. Đây là cuộc khủng hoảng do năng lượng gây ra.
Bất cứ cuộc xung đột nào với Iran-bất kể với động cơ nào – đều chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn cung dầu lửa của tất cả các nước nhập khẩu dầu, gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn với những hậu quả khó lường.
Hùng Phan (Theo Huffington Post)