Tàu ngầm chiến lược của các cường quốc
Theo các chuyên gia quân sự Pháp, các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và tới đây Ấn Độ là những quốc gia có lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn (SSBN) là công cụ răn đe chiến lược, chạy bằng năng lượng nguyên tử có kích cỡ lớn, được trang bị tên lửa chiến lược hải đối đất mang đầu đạn hạt nhân và đặt trong các ống phóng thằng đứng.
Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn cũng được trang bị hệ thống vũ khí phòng thủ như ngư lôi, tên lửa hải đối hải… Nhờ có khả năng hoạt động dài ngày và ít gây tiếng ồn nên các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn rất khó có thể bị phát hiện và đảm bảo một đòn đáp trả hạt nhân từ bất cứ vùng biển nào trên thế giới.
Theo Tạp chí Hải quân và Đại dương Pháp, tính đến đầu tháng 4/2011, trong số các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn đang hoạt động, thì riêng Mỹ và Nga có tới 26 chiếc.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ
Mỹ hiện có 14 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Ohio, mỗi chiếc có thể mang 24 tên lửa Trident II D-5 với tầm bắn 8.300 km.
Trident II D-5 có trọng lượng khoảng 2.800 kg, gắn 12 đầu đạn hạt nhân loại W-76, mỗi đầu đạn có sức công phá 100 kiloton (kt).
Như vậy, về lý thuyết một chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn có sức công phá 28.800 kt, tương đương 1.900 lần sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
Theo quy định của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tiến công Chiến lược mới START giữa Nga và Mỹ có hiệu lực từ ngày 5/2/2011, Mỹ đã giảm 42% khả năng hủy diệt hạt nhân trên tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Ohio bằng cách bố trí trên mỗi tên lửa Trident II D-5 chỉ có 5 đầu đạn hạt nhân, với sức công phá 485 kt.
Theo ước tính của các chuyên gia quân sự Pháp, hiện Mỹ có 288 tên lửa trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và khoảng 1.150 đầu đạn hạt nhân loại W-76 và W-88.
Trong báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm của Mỹ, công bố ngày 1/2/2010, đã định hình lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn giai đoạn 2010 – 2015, trong đó nêu rõ việc duy trì hoạt động của 14 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Ohio sẽ được thay thế bằng 12 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn thế hệ mới thế hệ X.
Trong đó chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được chiển khai hoạt động vào năm 2019, chiếc thứ 2 vào năm 2022, sau đó từ năm 2024 – 2033 mỗi năm sẽ hạ thủy một chiếc.
Mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn X có tải trọng khoảng 15.000 tấn và mang 16 tên lửa đường đạn chiến lược hải đối đất gắn đầu đạn hạt nhân. Chi phí cho chương trình này ước tính hơn 80 tỷ USD.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân Nga
Cũng theo Tạp chí Hải quân và Đại dương Pháp, tính đến tháng 1/2011, Nga có 12 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn có khả năng phục vụ thuộc bốn lớp gồm có, 4 chiếc lớp Delta III thuộc Dự án 667BDR; 6 chiếc lớp Delta IV thuộc biên chế Hạm đội Biển Bắc; 1 chiếc lớp Typhoon thuộc Dự án 941 – Tàu ngầm to nhất và đắt nhất thế giới được chuyển đổi từ năm 2005 cho việc thử nghiệm loại tên lửa đường đạn chiến lược Bulava (SS-N-X-30).
Chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn thứ 12 là loại tàu ngầm thế hệ mới lớp Borey thuộc dự án 955 mang tên Yury Dolgoruky, được thiết kế để mang loại tên lửa Bulava mới.
Yury Dolgoruky được đóng tại xưởng Sevmash ở miền Bắc nước Nga, đã hạ thủy và có thể đưa vào họat động trong năm 2011. Hai chiếc lớp Borey tiếp theo mang tên Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh, theo kế hoạch sẽ bàn giao cho hải quân trong năm 2011.
Tháng 4/2009, Bộ Quốc phòng Nga cho phép khởi đóng chiếc tàu ngầm thế hệ thứ tư thuộc loại này. Ban đầu, chương trình sự kiến chế tạo một loạt gồm 10 tàu ngầm, song kế hoạch đã thay đổi, và nay giới hạn ở việc đóng mới tổng cộng 8 chiếc từ nay đến năm 2017.
Tàu ngầm lớp Borey dài 170 m, đường kính thân tàu 13 m, thủy thủ đoàn gồm 107 người, trong đó có 55 sỹ quan. Với khả năng lặn sâu tối đa 450 m và tốc độ lớn nhất khi lặn là 29 hải lý/h, tàu ngầm này có thể mang 16 tên lửa đường đạn xuyên lục địa Bulava – M SS-N-X-30, mỗi tên lửa có 10 đầu đạn hạt nhân nhằm vào mục tiêu độc lập và có tầm bắn xa khoảng 8.000 km.
Hiện nay, lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn của Hải quân Nga được trang bị 160 tên lửa đường đạn chiến lược hải đối đất gắn đầu đạn hạt nhân và 576 đầu đạn hạt nhân.
Số vũ khí này đang được phân bố trong biên chế Hạm đội Biển Bắc, Sở Chỉ huy đóng tại Severomorsk trên bán đảo Kola, nằm giữa Mourmansk và biên giới với Na Uy, Hạm đội Thái Bình Dương nằm trên bán đảo Kamchatka, nơi Nga đã xây dựng xong một căn cứ tàu ngầm mới.
Nga xác định, lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn là một bộ phận cầu thành chủ yếu của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Lực lượng này chỉ sử dụng trong trường hợp quốc gia bị đe dọa, là yếu tố phòng ngừa xung đột xảy ra, và là nhân tố giúp Nga giữ vai trò cường quốc thế giới, cho dù Điều 9 trong tài liệu Chiến lược An ninh quốc gia đến năm 2020 của Nga đề cập đến mong muốn thế giới tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Cả cựu Tổng thống Putin cũng như Tổng thống Medvedev đều coi trọng việc giữ cân bằng lực lượng hạt nhân với Mỹ, bởi đây là yếu tố giúp Nga đảm bảo vai trò một cường quốc quân sự, có vai trò quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an ninh thế giới.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Pháp hiện có 4 chiếc SSBN mới lớp Le Triomphant, gồm: Le Triomphant đưa vào hoạt động tháng 3-1977, Le Térémaire tháng 12-1999, Le Vigilant tháng 11-2004 và Le Terrible tháng 9-2010.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân Pháp
Hải quân Pháp xác định, lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn là một bộ phận cầu thành chủ yếu của lực lượng hạt nhân chiến lược Pháp.
Mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn là một căn cứ chiến lược độc lập tác chiến và hầu như không bị phát hiện trong suốt quá trình tuần tiễu, được trang bị 16 tên lửa M-45, mỗi tên lửa được gắn 06 đầu đạn hạt nhân TN-75 với sức công phá 110 kt/đầu đạn.
Hiện Hải quân Pháp đang có kế hoạch thay thế tên lửa M-45 bằng tên lửa M-51. Tên lửa M-51 do Tập đoàn EADS Astrium Space nghiên cứu, chế tạo, được thiết chế để trang bị cho tàu ngầm Le Terrible chạy bằng năng lượng hạt nhân. M-51 sử dụng nhiên liệu rắn, có thể mang từ 6-10 đầu đạn hạt nhân TN-75 với sức công phá 110 kt/đầu đạn.
Theo chương trình số hóa quân đội đến năm 2015, đầu đạn hạt nhân TN-75 sẽ được thay thế bằng đầu đạn TNO, với sức công phá 100 kt/đầu đạn. Hiện chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Le Triomphant đã được trang bị tên lửa M-51, 3 chiếc còn lại đang được cải tiến để mang tên lửa M-51. Dự kiến, Pháp sẽ sản xuất 60 tên lửa M-51, mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn có thể mang 15 tên lửa M-51 mới.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Anh
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Anh hiện có 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Vanguard, đóng tại căn cứ Hải quân Hoàng gia ở Faslane.
Tuy nhiên, Anh đang phụ thuộc Mỹ về tên lửa Trident II D-5. Theo kế hoạch trước đó năm 2004, Hải quân Hoàng gia Anh sẽ thay thế toàn bộ số tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn, nhưng vì nhiều lý do, nhất là thiếu kinh phí nên kế hoạch này bị hoãn lại và các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn đang phải kéo dài thời gian hoạt động.
Dự kiến, đến năm 2016, Anh sẽ nghiên cứu, chế tạo 4 chiếc SSBN thế hệ mới. Mỗi chiếc SSBN mới sẽ được thiết kế để mang 8 tên lửa Trident II D-5, thay vì 16 như trên các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Vanguard hiện nay.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc lớp Hạ loại 092 hiện có 4 chiếc số 406A, 406B, 406C và 406D và 2 chiếc lớp Tấn loại 094.
Theo các chuyên gia quân sự Pháp, cả 6 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn có thể đóng tại căn cứ hải quân Jianggezhuang, gần Thanh Đảo, Sở Chỉ huy của Hạm đội Bắc Hải; hoặc tại căn cứ Xiaopingdao, gần Đại Liên.
Giới quân sự phương Tây cho rằng, Trung quốc có thể chưa có một lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn thực sự hoặc mới chỉ đang nghiên cứu, chế tạo từ 4-5 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Tấn loại 094 tại căn cứ tàu ngầm Tam Á (Sanya), mới xây dựng ở đảo Hải Nam.
Những chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn thế hệ mới, trong đó chiếc đầu tiên đang trong giai đoạn thử nghiệm, và sẽ được trang bị 12 tên lửa đường đạn chiến lược hải đối đất Julang – 2.
Julang – 2 là biến thể của lọai tên lửa đường đạn xuyên lục địa Đông Phong – 31(DF-31) với tầm bắn tối đa khoảng 8.000 km, mỗi tên lửa Julang – 2 có thể mang từ 3-4 đầu đạn hạt nhân loại xuyên phá độc lập, mỗi đầu đạn hạt nhân có sức công phá 90 kt, hoặc một đầu nổ duy nhất có sức công phá từ 25 đên 100 kt.
Lực lượng tàu ngầm non trẻ của Ấn Độ
Ngày 26/9/2009, Hải quân Ấn Độ đã hạ thủy thành công chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn đầu tiên mang tên Arihant. Chiếc Arihant được đóng tại xưởng đóng tàu Visakhapatnam với sự giúp đỡ của Nga, nhất là trong việc đào tạo kíp thủy thủ. Hiện chiếc Arihant trong giai đoạn thử nghiệm.
Theo Đô đốc Nirmal Verma, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, dù gặp một số trở ngại, nhưng chiếc Arihant sẽ đưa vào hoạt động năm 2012. Hiện Ấn Độ đang nghiên cứu, chế tạo hai loại tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân, dự kiến sẽ trang bị cho chiếc tàu ngầm Arihant mới.
Một loạt tên lửa đường đạn tầm bắn 700 km, mang ký hiệu K-15 hay B-5, đã được thử nghiệm 8 lần và hiện đang trong giai đoạn sản xuất hàng loạt. Một loại khác, mang ký hiệu K-4 với tầm bắn 3.500 km, hiện mới thử nghiệm một lần và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2017.
Ngoài ra, Ấn Độ dang tiếp tục nghiên cứu, chế tạo 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn thế hệ mới. Hải quân Ấn Độ xác định, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn là một thành phần quan trọng của lực lượng hạt nhân chiến lược, và là con át chủ bài để khẳng định và gia tăng vị thế của Ấn Độ như một cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
Ấn Độ khẳng định, sẽ không tiến công hạt nhân trước; không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước không có vũ khí hạt nhân; để ngỏ lựa chọn trả đũa hạt nhân chống lại một cuộc tiến công hóa học hoặc sinh học; ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới.
Như vậy, một mặt tuyên bố muốn giải trừ vũ khí hạt nhân, mặt khác các cường quốc hạt nhân trên thế giới vẫn tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, trong đó chú trọng hiện đại lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược vì lực lượng này đảm bảo độ an toàn cao và khả năng tác chiến hiệu quả, coi đây là một công cụ đảm bảo tính răn đe chiến lược nhằm thực hiện chính sách toàn cầu.
Tuy khả năng sử dụng các tàu ngầm hạt nhân là rất ít, song đây là một yếu tố tạo nên nguy cơ xung đột lớn, thậm chí xung đột toàn cầu. Đăc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược quốc tế ngày càng gia tăng giữa các cường quốc hạt nhân, nhất là Mỹ và Nga.
Nam Hoàng