Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
'Chính phủ thân thiện, doanh nghiệp mới yên tâm bỏ tiền kinh doanh'
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cũng khẳng định, Chính phủ mong muốn tiếp tục lắng nghe "còn cần làm gì thêm nữa" để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Thông điệp này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại hội thảo Đối thoại chính sách đầu tư 2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Công ty KPMG Việt Nam đồng tổ chức ngày 28/6.
Dành gần trọn cả buổi sáng tới tham dự và lắng nghe những kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra nhiều thông điệp về cải cách, đổi mới của Chính phủ.
Điểm lại những con số về phát triển kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng nhìn nhận, Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng chưa thật vững chắc. Tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, nên để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,7% đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ muốn lắng nghe để biết "làm gì thêm nữa" cho doanh nghiệp. |
Vừa qua Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 với mục đích cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư..., nhưng Chính phủ vẫn mong muốn lắng nghe "cần làm gì thêm nữa" để doanh nghiệp phát triển.Đặt trong bối cảnh năm 2016 có nhiều thay đổi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, bộ máy Chính phủ mới được kiện toàn đã và đang chỉ đạo mạnh mẽ với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, cũng như sẵn sàng đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế.
Trước đây giữa chính quyền và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khoảng cách, hay tạo ra rào cản, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Tới đây, phải đổi mới tư duy theo hướng Nhà nước kiến tạo, hệ thống pháp luật cũng cần thân thiện, cởi mở hơn.
"Chúng ta phải thay đổi theo hướng từ quản lý sang phục vụ, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh nhưng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ 'đầu ra', chứ không buông lỏng quản lý. Chính phủ phải thân thiện, doanh nghiệp mới yên tâm bỏ tiền sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài nhìn nhận, cuộc chiến đấu với giấy phép con của Chính phủ tại các bộ, ngành khi lược bỏ các điều kiện kinh doanh quy định trong Thông tư và nâng lên thành Nghị định là "cuộc chiến đấu tranh từ bỏ lợi ích nhóm".
"Trong hai tuần vừa rồi, đây là cuộc đấu tranh rất thời sự, là minh chứng cho cuộc đấu tranh không cân sức giữa đổi mới và chống lại bảo thủ để thực hiện mục tiêu Nhà nước kiến tạo, tạo hành lang thông thoáng và thúc đẩy đổi mới và phát triển" - GS Mại đánh giá.
Cũng liên quan tới việc nâng các điều kiện kinh doanh từ Thông tư lên Nghị định, Bộ trưởng Dũng khẳng định, sẽ không có việc nâng cấp cơ học.
“Hơn 3.000 giấy phép con đã được loại bỏ trong tổng số gần 6.000 giấy phép con. Tinh thần rà soát là rất khẩn trương, nhưng Chính phủ yêu cầu không phải là tiến độ, mà phải đảm bảo chất lượng, không nâng cấp một cách 'cơ học' Thông tư lên Nghị định, mà phải sửa đổi theo tinh thần những gì không còn phù hợp, cần thiết thì phải loại bỏ. Những gì không minh bạch, cụ thể thì phải cụ thể hoá ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đồng thời cũng thừa nhận, chuyện các bộ, ngành đã triển khai chậm, nên vừa rồi có hiện tượng "dồn toa", nhưng quá trình rà soát không phải tới 1/7 là sẽ dừng mà vẫn triển khai tiếp.
"Đợt rà soát vừa rồi là cuộc cách mạng lớn của Chính phủ. Sau thời điểm 1/7 các nghị định này được ban hành và có hiệu lực nhưng quá trình rà soát vẫn tiếp tục với tinh thần phục vụ doanh nghiệp", Bộ trưởng chia sẻ.
Với tất cả những nền tảng cơ bản mà Chính phủ đang tích cực tạo ra, để tận dụng cơ hội thì cần phải có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp.
"Một con thuyền nhỏ đơn độc ra khơi gặp nhiều rủi ro, sóng lớn. Nhưng nhiều con thuyền liên kết lại với nhau sẽ ra được biển lớn. Thông điệp tôi muốn nhấn mạnh là sự liên kết. Cạnh tranh không phải là sự thôn tính, tiêu diệt nhau, mà cạnh tranh là để lớn mạnh hơn", ông Dũng nhấn mạnh.
Dẫn lại mục tiêu xây dựng một đất nước kiến tạo, dân chủ, người đứng đầu ngành kế hoạch đề cập 3 trụ cột mà doanh nghiệp cần chú trọng. Trước tiên, tăng năng suất lao động là điểm mấu chốt để Việt Nam không bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình. Cùng với đó là tạo công bằng xã hội để thu hẹp khoảng cách và xây dựng nhà nước có năng lực, trách nhiệm giải trình.
"Thế giới không ngừng thay đổi. Với nhiều người chơi mới, luật chơi mới, tôi rất mong các doanh nghiệp định vị lại mình đang nằm ở đâu trong cuộc chơi này, tận dụng những cơ hội tốt nhất. Nếu không chuẩn bị tốt với tâm thế sẵn sàng thì chúng ta sẽ chịu nhiều thua thiệt", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nêu thông điệp.
Nguyễn Hoài