Quyền năng của mạng xã hội
Việc nữ hiệu trưởng mất ăn, mất ngủ vì bị cộng đồng mạng chỉ trích không thương tiếc khi chót “nổ” trong chương trình “Ai là triệu phú” những ngày qua, một lần nữa khẳng định quyền năng quá lớn của mạng xã hội.
“Đòn” hội chợ
Chưa khi nào, việc ứng xử trên mạng xã hội lại nhiều vấn đề để nói như hiện nay. Gần đây, nhiều trường hợp đã phải nhận “trái đắng” từ cộng đồng mạng. Sẽ không đáng bàn nếu đó là không có những hiện tượng như a dua, hùa theo đám đông. Từ đó thấy rằng, người Việt ngày càng thiếu kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội. Từ khi nào cộng đồng mạng lại có một quyền năng lớn như hiện nay? Nhiều ý kiến cho rằng: Mạng xã hội hiện nay quá đông, quá hung hãn, chỉ cần sơ sẩy một chút là sẽ là món mồi béo bở trong tâm bão dư luận.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, ĐH Quốc gia TP HCM |
Chẳng hạn việc cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Ninh, Phú Thọ bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội khi tham gia chương trình trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú”. Chuyện xuất phát từ khâu giới thiệu của nữ hiệu trưởng về bản thân mà cộng đồng mạng cho rằng “nổ tung trời” với những chi tiết như: “Mình rất có duyên với thi cử, đa số là nhất. Vài lần về nhì trong các cuộc thi chuyên môn và quản lý”.
Thế nhưng, khi tham gia chương trình, mới chỉ ở những câu hỏi đầu tiên đã khiến cô Liên lúng túng. Những câu hỏi tưởng chừng dễ ăn điểm nhất, phổ thông nhất mà cô Liên cũng không trả lời được như: “Nghĩa trang Hàng Dương nằm ở tỉnh nào?”, “Bài hát “Còn tuổi nào cho em” là sáng tác của ai?”… Ngay sau khi chương trình phát sóng, cô giáo này trở nên nổi tiếng trong vòng một nốt nhạc. Theo nhận xét của dân mạng thì nào là cô Liên “Thiếu hụt kiến thức”, nào là “Không xứng đáng là hiệu trưởng”, “Khoe mẽ”… Thậm chí, có ý kiến cho rằng, cô Liên là sự “thất bại” của nền giáo dục… mà quên mất rằng cô Liên cũng chỉ là một người bình thường và hiệu trưởng không phải là người cái gì cũng biết.
Đương nhiên, nếu không có màn giới thiệu bị coi là nổ thì cô Liên sẽ không bị lên án nặng nề từ dư luận như vậy. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác thì như đã nói, mạng xã hội đang tự có một quyền năng quá lớn.
Cảm tưởng như mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều người, nhất là lớp trẻ chưa đủ tri thức và bản lĩnh bộc lộ chính kiến cá nhân, lạm dụng để a dua, chạy theo đám đông mà chê bai, “ném đá”. Còn nhớ năm 2013, hiện tượng “thần đồng” Đỗ Nhật Nam lúc đó chỉ mới 11 tuổi, nhưng bị ném đá không thương tiếc, thậm chí cho rằng không có tuổi thơ khi em lỡ tiết lộ rằng mẹ em bảo “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”.
Nữ hiệu trưởng tham gia chương trình “Ai là triệu phú” |
Đến năm 2014, trường hợp trò chơi trực tuyến “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông cũng như thế. Trong khi ở nước ngoài, báo chí, giới tin học và game thủ ca ngợi sản phẩm và tác giả không tiếc lời, vận động quyên góp tiền cho nhà báo bay sang Việt Nam tìm gặp và tìm hiểu về Nguyễn Hà Đông, thì bản thân anh lại ngập trong gạch đá của đồng bào mình tới mức anh phải tự gỡ khai tử trò chơi mà mình đã tạo ra.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp điêu đứng vì cộng đồng mạng. Chưa kể có trường hợp còn có ý định tự tử vì không chịu nổi áp lực từ cư dân mạng.
Đừng a dua với đám đông
GS.TSKH Ngọc Thêm cho biết, trước đây GlobalWebIndex đã có cuộc khảo sát với 170 nghìn người tại 32 quốc gia khác nhau. Kết quả cho thấy Việt Nam đứng thứ 10 trong số những quốc gia có số người sử dụng facebook nhiều nhất. Cũng theo GlobalWebIndex, nhiều người Việt đang sống trong tình trạng “ăn” facebook, “ngủ” facebook, “sống ảo” với facebook, tần suất đăng nhập facebook của một số người Việt Nam gần như 24/24. Vậy nên, nếu không sớm có kỹ năng sử dụng mạng xã hội tốt, thì rất có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.
Ở các nước phát triển, họ không sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện như ở ta. Những thông tin được đăng tải trên trang cá nhân cũng được sử dụng rất cẩn trọng. Thế nhưng, người Việt chưa lường trước được những hiểm họa này. Thế mạnh của mạng xã hội là để cho cái tôi cá nhân được tự do phô diễn. Điều này đánh đúng vào nhu cầu của người Việt, vì ai cũng muốn thể hiện cái tôi cá nhân. Thế nhưng, không ngoa khi nói, cái tôi cá nhân của nhiều cư dân mạng mới chỉ dừng ở mức… a dua theo phong trào.
GS Trần Ngọc Thêm nhận định: Tật buôn chuyện, thói a dua, bệnh chém gió… đều là những hậu quả của văn hóa âm tính. Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, facebook đã nhanh chóng thay thế cho yahoo và blog 360 để trở thành mạng xã hội phổ biến nhất, trở thành công cụ thích hợp nhất cho tật buôn chuyện, thói a dua, bệnh chém gió… bùng phát. Mạng xã hội dưới cách sử dụng của đại đa số người Việt là cứ thấy ai nói gì là ào ào nói theo, thấy ai có ý kiến gì khác với số đông thì chưa cần xem, chưa cần nghĩ đã lập tức nhảy vào… ném đá. Từ đó để thấy bản lĩnh cá nhân rất kém, ít chịu suy nghĩ sâu xa, bị cảm tính chi phối hoàn toàn, cứ nghe thấy người ta nói bùi bùi, nghe loáng thoáng là cuốn theo ngay, chứ ít khi có sự nhìn nhận, suy nghĩ kỹ để tự mình phân tích, đánh giá đúng hay sai. Thế nên mới có nhiều chuyện đã bị đẩy đi quá xa từ mạng xã hội, khiến nhiều cá nhân điêu đứng.
Theo GS.Thêm thì: Chỉ cần mỗi người chịu khó suy nghĩ thêm một ít thôi, bớt “đánh đu” với đám đông một ít thôi, bớt ích kỷ đi một chút thôi, thì xã hội đã có thể hài hòa hơn. Thế nhưng văn hóa âm tính còn thể hiện trong người Việt quá nhiều, sinh ra bệnh sĩ diện rất nặng, chưa kể nói dối nhiều quá. Trước đây, trong một cuộc điều tra về hệ giá trị Việt Nam năm 2014 do GS. Thêm chủ trì thực hiện, với câu hỏi về sự tồn tại của hiện tượng“giả dối, nói không đi đôi với làm”, có tới 81% trong tổng số 5.604 phiếu điều tra xác nhận là người Việt giả dối. Thử hỏi, nếu phần đông xã hội giả dối như vậy thì sao phát triển được? Mạng xã hội cũng vậy thôi, nó như một xã hội thu nhỏ và có quá nhiều vấn đề cần phải bàn.
“Chức năng của mạng xã hội là tốt, có xấu là do hành vi của con người làm cho nó xấu đi. Vậy thì tại sao chúng ta không sử dụng nó một cách văn minh và ứng xử với nó lịch sự? Để sử dụng hiệu quả mạng xã hội, điều quan trọng nhất là mỗ người cần có bản lĩnh để thể hiện chính kiến của mình chứ không phải a dua theo đám đông. Trước mắt chỉ cần các cư dân mạng, khi đề cập đến vấn đề gì thì cần phải cân nhắc cho kỹ, cần có cái nhìn đúng đắn, thậm chí đặt vào vị trí của đối tượng đang được nói đến để nhận xét. Chứ nếu cứ còn giữ cách sử dụng mạng xã hội một cách vô tội vạ như hiện nay thì e rằng tới đây, sẽ còn nhiều phiền toái từ mạng xã hội”.
“Văn hóa âm tính còn thể hiện trong người Việt quá nhiều, sinh ra bệnh sĩ diện rất nặng, chưa kể nói dối nhiều quá. Trước đây, chúng tôi có thực hiện một đề tài điều tra trong năm 2014 về hiện tượng “giả dối, nói không đi đôi với làm” thì có tới 81% trong tổng số 5.604 phiếu điều tra cho kết quả người Việt giả dối. Thử hỏi, nếu phần đông xã hội giả dối như vậy thì sao phát triển được?”. |
Huyền Anh