Trung tướng phi công Nguyễn Đức Soát:
Nhảy dù là... nhảy thế nào?
Trong những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ tai nạn máy bay SU-30MK2 và CASA 212. Xung quanh việc phi công nhảy dù và chỉ phi công Nguyễn Hữu Cường thoát nạn, còn phi công Trần Quang Khải đã hy sinh, người ta đặt ra nhiều giả thuyết tình huống và cũng đồn thổi nhiều chuyện. PV PetroTimes đã gặp Trung tướng phi công Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Anh hùng LLVT, người đã bắn rơi 6 máy Mỹ trong những năm tháng chống Mỹ, và Trung tướng đã kể về nguyên tắc nhảy dù của phi công và những cách xử lý cần thiết trước, trong và sau khi nhảy dù.
Các máy bay chiến đấu (ở đây chỉ nói về máy bay chiến đấu của Nga các loại Su và MIG), thì cơ cấu của thiết bị nhảy dù hay còn gọi là thiết bị phóng phi công ra khỏi buồng lái cơ bản là giống nhau. Chỉ có điều máy bay càng hiện đại thì thiết bị nhảy dù cũng được nâng cấp tương ứng nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người phi công.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát nói chuyện với một cựu phi công tiêm kích Mỹ |
Người phi công lái máy bay chiến đấu khi máy bay bị bắn, trục trặc động cơ hay bị bất cứ lý do hỏng hóc nào khác mà buộc phải nhảy dù, thì thứ tự các bước như sau:
Trước hết trong trường hợp nếu máy bay hỏng thì liên lạc với Sở chỉ huy báo cáo tình trạng hư hỏng của máy bay, và chỉ được nhảy dù khi được Sở Chỉ huy cho phép. Còn trong chiến đấu hoặc các trường hợp hư hỏng đột xuất khác thì người phi công hoàn toàn quyết định về trường hợp nhảy dù của mình.
Ở ngay trong lòng người phi công, phía trước chỉ khoảng 30-40cm có 2 chiếc vòng màu đỏ đó là chốt để nhảy dù. Sở dĩ phải có 2 vòng là trong trường hợp nếu phi công bị thương tay trái thì dùng tay phải, hoặc ngược lại. Khi người phi công giật vòng, đầu tiên là cánh cửa vòm lái dựng lên và bị sức gió thổi bay đi.
Tiếp theo là ghế lái của người phi công được nâng lên 20-25cm. Đồng thời có một bộ phận cần gạt chân phi công gập vào sát thành ghế. Và hai bên thành máy bay có tấm vách được nhanh chóng dựng lên, để tránh cho tay người phi công va quệt vào các bộ phận khác.
Lúc này người phi công phải dựa đầu vào ghế lái, lưng thẳng, chân gập sát ghế và sau đó khối thuốc phóng ở dưới ghế sẽ phóng người phi công lên cao 45-50m… Quá trình này nói thì chậm nhưng thực tế diễn ra chỉ trong khoảng 2-3 giây. Đây là khoảnh khắc nguy hiểm nhất bởi gia tốc phóng sẽ từ khoảng 15-18 lần trọng lượng cơ thể, nghĩa là một phi công nặng 70kg, thì lúc đấy sẽ phải chịu trọng tải đè lên mình là khoảng hơn 1 tấn. Cho nên đã không ít trường hợp phi công ngất ngay sau khi ra khỏi buồng lái.
Khi phóng ra khỏi buồng lái rồi, thì chiếc ghế ở phía dưới rời ra và kéo chốt mở dù. Dù cho phi công rộng 56m2 và có 12 dây xung quanh, đảm bảo phi công rơi xuống mặt đất với tốc độ 6m/s.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát và phi công tiêm kích Từ Đễ xem lại một trận không chiến với máy bay Mỹ |
Cơ chế mở dù được cấu tạo cực kỳ tinh vi và chính xác để đảm bảo giữ an toàn cho người phi công trong các tình huống:
Nếu nhảy dù ở độ cao thấp, ví dụ như máy bay bị tai nạn ngay trên đường băng hoặc ở độ cao cách mặt đất từ 200-3.000m thì dù được mở ngay tức khắc. Nhưng nếu phi công phải nhảy dù ở độ cao trên 10km, thì chiếc dù sẽ không mở, để phi công rơi tự do càng nhanh càng tốt thoát ra khỏi vùng nhiệt độ đang cực thấp. Sở dĩ phải như vậy là vì lên cao cứ 1km thì nhiệt độ giảm 6,5 độ C. Cho nên nếu phi công nhảy dù ở 10.000m thì có nghĩa là nhiệt độ khoảng -40độ, thậm chí -50 độ C. Và nếu bung dù ngay lúc này, thì tốc độ rơi sẽ chậm lại và người phi công chết cóng. Cho nên một cơ chế tự động sẽ để cho người phi công rơi rất nhanh, khi cách mặt đất 3.000 đến 4.000m thì dù sẽ tự mở.
Nếu người phi công tỉnh táo thì họ có thể điều khiển chiếc dù bay lượn theo ý muốn và chủ động khi tiếp đất nên hầu như sẽ không có thương tích xảy ra. Nhưng đấy là tình huống nhảy dù trên đất liền.
Còn nhảy dù ngoài biển thì cơ chế phóng ra khỏi máy bay cũng như vậy, nhưng người phi công phải tỉnh táo để khi còn cách mặt nước 20-30m, thì phải bấm chốt ở ngực, để dù bay ngược đi hướng khác mà không rơi vào người phi công. Còn người phi công rơi thẳng xuống biển và chìm xuống 5-7m. Lúc này ngay lập tức hệ thống cứu hộ kích hoạt và một chiếc xuồng sẽ được nổi ngay. Chiếc xuồng này được nối với người phi công bằng một sợi dây dài 15m. Còn người phi công sẽ được nổi lên mặt nước nhờ áo phao. Tiếp đó người phi công kéo chiếc xuồng về phía mình, rồi trèo lên đó.
Dưới ghế ngồi phi công có một hộp, trong đấy chứa: súng bắn pháo sáng, lương khô, bình lọc nước biển sang nước ngọt, thuốc tăng lực, viên thuốc chống cá mập, thuốc làm vàng nước biển cho máy bay cứu hộ dễ nhận thấy, thậm chí có cả lưỡi câu, mồi câu và dây cước...
Nếu người phi công xử lý được tình huống, rồi lên phao cứu hộ thì có thể sống lênh đênh trên biển được nhiều ngày. Nhưng trong trường hợp người phi công bị thương từ trước hoặc trong khi phóng ra khỏi máy bay, hoặc vì một lý do gì đó mà khi rơi xuống biển không bấm được dù ra, thì khi rơi xuống, kéo theo chiếc dù và chiếc dù úp lên người. Lúc đấy, người phi công sẽ rất khó thoát ra được khỏi chiếc dù lằng nhằng dây dợ, và sẽ bị đuối nước.
Trường hợp phi công Trần Quang Khải hy sinh vừa rồi có lẽ nằm trong tình huống này.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, người phi công khi nhảy dù ra thường nếu như không bị thương tích gì nặng, thì cũng phải mất một thời gian phục hồi sức khỏe, có người mất cả hàng tháng. Bởi khi bị phóng khỏi máy bay, nó đã gây tác động mạnh đến người phi công, đặc biệt là vùng cột sống.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã có không ít phi công Việt Nam phải nhảy dù khi bị máy bay địch bắn, hoặc vì những lý do khác. Có những phi công khi nhảy dù đã bị gãy cả hai chân, hoặc gãy tay khi rơi xuống đất và có những phi công đã vài lần nhảy dù nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu.
Việc nhảy dù của phi công chiến đấu là như vậy đó!
Nguyễn Như Phong