Dòng Su-30 của Việt Nam trong cuộc đối đầu với các loại chiến đấu cơ
Cho dù hiện nay, các nước cho ra đời khá nhiều loại chiến cơ hiện đại mới. Nhưng thực sự dòng máy bay Su, đặc biệt là Su30MK2 của Việt Nam vẫn được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ưu thế trên không của Mỹ và Australia, có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh Không quân ở châu ÁThái Bình Dương.
Các nhà quân sự đánh giá rằng, dòng Su có nhiều ưu thế hơn các dòng máy bay tiêm kích chủ lực thế hệ 4 của Mỹ như F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet, thậm chí có thể thách thức siêu chiến cơ F-22 Raptor và F-35 Lightening thế hệ 5. Hơn nữa, Su-35 có thể vượt trội hơn J-10 và J-20 của Trung Quốc.
Su-30MKK là loại chiến cơ được sửa từ mẫu Su-27 vào năm 1997, dòng chiến cơ này cũng được coi là phiên bản nâng cấp cao hơn Su-30, Su-30K và SU-30MKI. Su-30MKK (Su-30MK2) cũng có 85% điểm chung với chiến cơ Su-35 cả về các thiết bị phần cứng lẫn phần mềm. Chính vì vậy, Su-30MKK do Việt Nam nhập về cũng được tập trung những ưu thế vượt trội của các dòng Su-27, Su-30, Su-30MKI và thậm chí của cả Su-35 mới. Điều này được minh chứng qua những cuộc đọ sức trong các cuộc tập trận quy mô nhất thế giới từ trước đến nay.
Vào năm 1992, tiền bối của Su-30MK2 là Su-27 lần đầu tiên vượt Đại Tây Dương sang Mỹ diễn tập. Trong các tình huống không chiến, Su-27 đều giành thắng lợi trước chiến cơ F-15 của Mỹ.
Năm 2004 và 2005, Su-30MKI cũng đã thắng áp đảo trong cuộc giao chiến với F-16 và F-15 – hai loại máy bay tiêm kích chủ lực của Mỹ tại cuộc tập trận Cope India do Không quân Mỹ – Ấn tổ chức kể cả về sức cơ động, thiết bị trên khoang và các hệ thống vũ khí.
Theo báo chí Ấn Độ, một trong các phi công Pháp nhận xét rằng: "Trong cận chiến, Mirage cỏ vẻ "lo lắng hơn” so với Su-30. Quyết định tấn công phải đưa ra lập tức nếu không Su-30 với sức mạnh và khả năng cơ động của nó sẽ nhanh chóng quật đổ bạn”. Khi dòng Su-30K đối đầu với các kiểu máy bay mới Mirage 2000С và Mirage 2000D (lắp radar RDI)
Năm 2006 và 2007, tại cuộc tập trận chung Exercise Indradhanush, dòng Su-30MKI do các phi công Ấn Độ lái đã thể hiện trình độ cao vượt trội hơn trong các trận không chiến huấn luyện chống các máy bay tiêm kích Tornado F3, Hawks và Eurofighter Typhoon của Anh.
Tướng Hal M. Homburg, Tư lệnh Bộ chỉ huy Không quân chiến đấu Không quân mỹ đã nhận xét: Không quân các nước được trang bị dòng Su của Nga có thể đe dọa những ưu thế trên không của Mỹ.
Thậm chí, trong cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính ở căn cứ Không quân Hickam, Hawaii, Mỹ vào tháng 8/2008, các máy bay Su-30 “ảo” cũng đánh bại một cách thuyết phục máy bay tiêm kích thế hệ 5 là F-35 đang được quảng cáo ồn ào mà Australia dự kiến chi 16 tỷ USD để mua 100 chiếc.
Sau đó, các tờ báo The Australian và The West Australian của Australia dẫn nguồn từ một báo cáo mật của quân đội Australia về kết quả các trận không chiến mô hình hóa giữa các máy bay tiêm kích tối tân F-35 của Mỹ và các máy bay Su nói rằng, các máy bay Su đã đánh tơi tả, "tàn sát”, bắn máy bay Mỹ "rụng như sung”.
Tiến sĩ Carlo Kopp, chuyên gia phân tích hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Air Power Australia cho rằng: Các máy bay mới của Nga, đặc biệt dòng Su-30 mà các nước Châu Á – Thái Bình Dương mua có thể “tước vũ khí” các máy bay tiêm kích tiên tiến của Không quân Australia. Máy bay Su-30 mang được số tên lửa tầm xa gấp nhiều lần nên khi chúng tấn công bằng vài tên lửa một lúc sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay Australia với xác suất gần như 100%. Theo ông Kopp, kịch bản khả quan nhất đối với Không quân Australia là “1 đổi 1”, tức là để tiêu diệt 1 chiếc Su-30, họ phải mất 1 chiếc F/A-18E/F Super Hornet hoặc F-35 Lightning II. Sau khi tấn công, máy bay Australia sẽ hết sạch tên lửa và “bất lực” trước Su-30 khác.
Vào năm 2009, tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Inhofe nói cho rằng dòng máy bay Su của Nga chế tạo vượt trội hơn các máy bay tấn công của Mỹ là F-15 và F-16.
Ngoài ra, theo các chuyên gia Đài Loan, các máy bay tiêm kích Mirage 2000 và IDF (Indigenous Defense Fighters, do hãng Aerospace Industrial Development Corporation của Đài Loan và Lockheed Martin của Mỹ hợp tác sản xuất) của Đài Loan "không có khả năng đối chọi” với các máy bay Su-27SKM, Su-30MKK hay Su-30MK2.
Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Đài Loan, các máy bay tiêm kích Nga kiểu Su-30МКK vượt trội 2,8 lần so với Mirage 2000 và 1,7 lần so với IDF của Đài Loan.
Chính vì những ưu thế dòng Su đạt được mà Mỹ đã từng muốn khám phá bí mật của dòng máy bay này để tìm ra chiêu thức đối phó với nó.
Với những ưu thế và khả năng vượt trội mà dòng Su của Nga, đặc biệt là Su-30 được kiểm nghiệm thực tế qua các cuộc không chiến quy mô lớn và uy tín nhất, qua những đánh giá nhận xét của các chuyên gia hàng đầu về quân sự, thì việc lựa chọn Su-30MKK hay Su-30MK2 được kết hợp những thế mạnh của các dòng Su khác bổ sung cho Không lực quân đội nhân dân là một giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Việt Nam vẫn cần những chiến cơ hay vũ khí tối tân khác để nâng cao và phát huy sức mạnh an ninh quốc phòng trong giai đoạn hiện nay.
Pha Lê
(Phunutoday, Vndefence, Qdnd, Arms-expo, defencetalk,ĐV, Ria, Mil,Defensetech)