Nhà báo trẻ đi, đọc, nghĩ, viết
Lâu nay nhắc tới những nhà báo hay đi (và có thể nói là đi nhiều nhất Việt Nam) người ta thường nghĩ ngay tới nhà báo Nguyễn Như Phong (hiện là Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới). Còn phải kể những cây bút ít nhiều có tên tuổi như Nguyễn Huy Minh, Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) hay Phạm Ngọc Dương (Báo VTC news). Gặp gỡ một số phóng viên trẻ thuộc dạng “đi nhiều” chúng tôi có thể cảm nhận được những vất vả, nhọc nhằn của họ trong những chuyến công tác, để đưa đến bạn đọc những thông tin mới nhất, chính xác và nhân văn…
Có thể nói làm báo thời “google, facebook”, một bộ phận phóng viên trẻ gần như không phải bước chân ra khỏi cửa. Chỉ cần một máy tính nối mạng là mỗi ngày có thể “chế biến” được không ít tin bài “hot”, có thể “câu” được cả ngàn, cả vạn “view”. Chính vì thế mà chuyện đi công tác ra các tỉnh ngoài Hà Nội rất hạn chế.
Những phóng viên này khi nghe đến chuyện phải có mặt tại những làng bản ở vùng sâu, vùng xa, nơi địa đầu Tổ quốc để viết tin, bài thì đa số đều lắc đầu lè lưỡi. Chúng tôi cho đó là một cách làm báo không tốt và có hại nhiều hơn lợi. Bởi nghề gì không nói, chứ riêng nghề phóng viên thì khi còn trẻ càng phải tranh thủ đi thực tế. Đi càng nhiều càng tốt. Phải bằng những trải nghiệm của chính mình trên những cung đường, những bản làng xa xôi của Tổ quốc, đắm mình vào những sự kiện, sẵn sàng có mặt ở bất cứ “điểm nóng” nào… thì mới có thể tự rèn luyện để trở thành một phóng viên giỏi, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng.
Nhà báo Hoàng Ân hiện công tác tại Ban Thanh thiếu niên, Đài Tiếng nói Việt Nam tâm sự, anh thực sự cảm thấy rất hạnh phúc khi thường xuyên được lãnh đạo Đài tạo điều kiện xông pha đến những miền rừng núi, nơi có những con người, số phận đặc biệt. Chuyến công tác đầu tiên Ân “nếm mùi” bụi đường là chuyến đi Hà Giang cách đây gần chục năm, khi chàng phóng viên trẻ vừa ra trường. Anh được bà mẹ chuẩn bị cho một balô to nào quần áo, đèn pin, lương khô… Ngoài ra Ân còn phải “vác” theo cả một chiếc máy ghi âm chuyên dụng to tổ bố, dày và nặng đến vài cân. Chiếc máy này cả Ban chỉ có một hai chiếc, nên lãnh đạo đài yêu cầu phải giữ gìn thật cẩn thận. Người thì có thể ngã chứ máy nhất quyết không được để bị sơ sểnh gì.
Nhà báo Hoàng Ân |
Ngày ấy, Ân vừa ra trường nên chưa có chút kinh nghiệm nào về chuyện đi công tác miền núi, cũng không biết làm thế nào để đến được cơ sở. Hỏi các đồng nghiệp, họ bảo: “Cứ ra bến xe, thấy xe nào ghi chữ Hà Giang là lên thôi”. Sáng sớm hôm ấy, Ân được mẹ thuê xe taxi ra bến xe. Mẹ Ân định chờ con lên xe rồi mới về, nhưng Ân không chịu. “Con lớn tướng rồi, để con tự lo”. Khi mẹ về rồi, anh tìm khắp bến xe mà chẳng thấy xe nào đề Hà Giang. Đang lơ ngơ, một lơ xe ra hỏi: “Đi đâu?”. Thấy Ân bảo đi Hà Giang, hắn lôi tuột cậu lên rồi nhét vào hàng ghế cuối cùng và thu 150 ngàn đồng tiền vé.
Khi xe đến Vĩnh Phúc, chiếc xe đột ngột dừng lại. Ân bị đẩy sang một chiếc xe ôtô khác, mà nhìn không khác gì… “xe chở lợn”. Sau này Ân mới biết chuyện bán khách của các nhà xe là chuyện rất bình thường, nếu như hành khách thiếu kinh nghiệm.
Sau một ngày say lử đử trên chiếc “xe chở lợn”, Ân cũng có mặt thị xã Hà Giang. Anh phóng viên thường trú của Đài nhìn Ân mà cứ ngoác miệng cười: “Lính mới hả? Cứ đi đi, rồi sau khắc có kinh nghiệm”. Cũng may là có người đón, chứ một mình ở một thị xã xa lạ, Ân hoang mang không biết đi đâu về đâu. Sớm hôm sau, anh được phóng viên kia dẫn lên một chiếc xe khách khác. Chiếc xe này lại còn tồi hơn cả xe hôm trước. Mọi thứ trên xe như ghế, cửa kính cứ long sòng sọc sau mỗi cú xóc.
Buổi tối, tại một điểm trường trên Lũng Cú, 10 cô giáo được cử ra tiếp nhà báo. Có lẽ ở trên này buồn nên người ta chỉ biết lấy rượu giải sầu. Các cô thay nhau mời nhà báo trẻ, khiến cu cậu say một trận không biết trời đất gì. Sáng hôm sau ngủ dậy thấy đang nằm trong chăn ấm, mà hoang mang không biết hôm qua về giường bằng cách nào!?
Hoàng Ân trong một chuyến đi công tác tại vùng cao |
Sau một vài chuyến đi công tác bằng ôtô, nghe bạn bè nói phải đi xe máy mới thấy hết vẻ đẹp vùng cao và chủ động đến các làng bản, Ân thấy cũng có lý. Lúc đầu mẹ Ân biết con trai định đi Sơn La, Điện Biên bằng xe máy thì kịch liệt phản đối. Thuyết phục mãi, Ân còn nói sẽ rủ thêm một đồng nghiệp là tay lái “cứng cựa” đi cùng thì bà mẹ mới gật đầu cho đi.
Hai anh em dự định đi đến bản xa nhất, của huyện xa nhất tỉnh Sơn La. Nhưng đúng đến ngày khởi hành, cậu bạn đồng nghiệp lăn ra ốm. Mà lịch trình đã lên, giấy giới, thiệu công lệnh… đã sẵn sàng nên không thể không đi. Từ Hà Nội, Ân đi ròng rã một ngày trời mới đến trung tâm thành phố. Nghỉ lại một đêm, hôm sau nhằm huyện lỵ Quỳnh Nhai thẳng tiến. Mấy ngày trời ngồi trên xe máy, chân, tay, lưng mỏi nhừ. Cứ đi được tầm 50km lại phải nghỉ. Sau rốt cũng đến được trung tâm xã.
Vị cán bộ xã cho biết ở bản Bo, xã Mường Giôn có câu chuyện rất thú vị, Ân hỏi có chạy được xe máy không? Anh ta gật đầu. Vậy là anh lại xách xe chạy tiếp. Từ trung tâm xã vào bản độ hơn 20km, nhưng là đường mòn dành cho người dân đi bộ hoặc gia súc chứ xe máy thì phải loại xe gầm cao như Win 100 hoặc Minsk mới có thể chạy nổi. Con Wave anpha của Ân lúc đi vào dù đường gập ghềnh, vẫn cố đi được. Nhưng khi trở ra thì gặp cơn mưa lớn. Đường vốn toàn đất thịt trở nên nhão nhoét. Đất bám chặt vào bánh xe, khiến cho Ân liên tục bị “ban ti lê” (bánh trượt, quay tít). Và anh chàng cứ ngã lên ngã xuống, người ngợm quần áo dính đầy bùn đất.
Ân hoang mang, đi kiểu này có cả ngày cũng không ra được trung tâm xã. May có một người dân tộc đi qua, Ân liền nhờ một người đi đường đủn ở sau và hứa sẽ bồi dưỡng tiền. Rồi anh leo lên xe nổ máy, người đàn ông đủn qua những chỗ lầy lội. Trời mùa đông, nhiệt độ xuống đến 5oC mà mồ hôi mồ kê vã ra như tắm.
Thi thoảng chỗ đường bằng thì người đàn ông leo lên xe ngồi cùng. Song chỉ được một đoạn do không vững tay lái, cả hai ngã lăn ra đường, may chưa rơi xuống vực. Từ sáng đến trưa hai người mới ra được đến trung tâm xã. Nhìn xuống chân thì đôi dép đã rách nát.
Càng đi càng ham, tháng sau Ân tiếp tục lên đường đi từ Cao Bằng qua lối Bắc Mê (Hà Giang). Nhìn trên bản đồ thì cung đường rất “nét” và chỉ dài độ 150km. Ân ước tính đi chừng nửa ngày là đến. Chẳng ai ngờ đường chỉ dễ đi khoảng 30km, càng đi vào càng heo hút, đường “teo” lại chỉ rộng độ nửa mét.
Nhìn chiếc xe với những balô nặng là quần áo, máy móc Ân chợt nghĩ, thử bỏ bớt balô xuống có khi lại ăn thua. Vậy là Ân quẳng balô sang một góc, lại mắm môi mắm lợi lấy đà đẩy xe. Chẳng ngờ lần này cả người và xe đã vượt được qua con dốc. Cậu chàng dựng xe ở đỉnh dốc, chạy xuống lấy balô đồ đạc rồi vội vàng tiếp tục lên đường…
Sau những chuyến đi đó, Ân có được nhiều bài viết xúc động về các thầy cô, học sinh ở vùng cao… Có nhiều bạn đọc gửi thư về bày tỏ niềm cảm thông, chia sẻ và các tổ chức từ thiện cũng muốn liên hệ giúp đỡ. Đó là những niềm vui không thể nào quên với một nhà báo trẻ như Ân.
Hiếm khi phải trèo đèo lội suối như các phóng viên chuyên mảng thời sự hay phóng sự xã hội, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim (đang công tác tại Báo Công an nhân dân) lại luôn đau đáu với những mảnh đời bất hạnh.
“Gia nhập” làng báo muộn hơn nhiều người (Kim vốn là một cán bộ tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) song Thiên Kim lại sớm khẳng định mình ở thể loại viết chân dung về các nghệ sĩ. “Là một nhà thơ, mình rất đồng cảm với anh chị em nghệ sĩ nói chung và các nghệ sĩ có số phận đặc biệt nói riêng. Cũng vì thế mà mình luôn muốn chia sẻ những khó khăn, vất vả của họ. Nhiều lần đi gặp các nhà văn, nhà thơ về mình cứ bần thần cả người, rồi buồn mãi vì chưa nghĩ ra cách gì để có thể vơi bớt khó khăn cho họ” - Thiên Kim chia sẻ.
Kim nhớ lại kỷ niệm khi đi viết về nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Từng là diễn viên kịch nói, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã bị “nàng thơ” dẫn dụ và quyết tâm theo đuổi nghiệp thi ca. “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Ông vừa phải chăm lo cho các con, vừa phải kiếm tiền chăm sóc người vợ bị liệt từ năm 1980. Khi các con khôn lớn thì đến lượt ông mắc trọng bệnh. Một phụ nữ yêu thơ đã tự nguyện đến chăn sóc ông trong những ngày cuối đời… Bài viết “Từ câu lý ngựa ô đến câu hò sông Mã” của chị khiến cho nhiều người cảm động. Một “mạnh thường quân” đã xuất hiện và ủng hộ nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh rất nhiều.
Khi Kim viết chân dung nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh, hay nhà văn bại liệt Trần Thị Ngọc Lan đều để lại nhiều dư âm, đồng cảm trong và ngoài giới nghệ sĩ. Đối với một nhà báo thì niềm vui tưởng chừng nhỏ bé đó là nguồn động viên lớn để họ vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của nghề.
Kim cũng là một trong những phóng viên trẻ nổi tiếng về sự kiên trì, đeo bám nhân vật. Làng báo từng đồn thổi, ai mà được Trần Hoàng Thiên Kim chọn phỏng vấn thì dù có đang nằm dưới mồ cũng phải… bật nắp ván thiên dậy để trả lời. Nói đến chuyện này, Kim mỉm cười. Chị tự nhận là một người yêu nghề và độ “lỳ” rất cao. Nhiều lần liên hệ với nhân vật để phỏng vấn, Kim bị từ chối thẳng thừng. “Vì những nhân vật ấy đã được khẳng định tên tuổi của mình rồi, có hay không có bài báo của chị thì họ cũng đã là những người được cả một thế hệ thừa nhận. Người cẩn thận hơn ngại tiếp đón phóng viên vì họ không tin tưởng, sợ sự sơ sẩy câu chữ có thể đổ xuống sông xuống bể cả một đời cống hiến” - Kim cho biết.
Nữ nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim |
Một số phóng viên trẻ thấy vậy thường nản chí và từ bỏ đề tài, nhưng Kim thì không. Trước khi phỏng vấn, chị tìm hiểu rất kỹ về họ để có một cách nhìn mới, từ đó chị kiên trì thuyết phục nhân vật. “Hoặc là do khả năng thuyết phục hoặc một sự chia sẻ nào đó nên hầu hết nhân vật tôi gặp, sau đó đã dốc bầu tâm sự chân thành và thay vì sự từ chối ban đầu, cuộc phỏng vấn của tôi kéo dài dăm ba tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Tôi nghĩ rằng, làm việc gì cũng phải tận tâm, tận lực, kể cả đó đơn giản chỉ là một bài báo” - Kim chia sẻ.
Nhà báo Trần Duy Hưng (phóng viên thường trú của Báo Đại Đoàn Kết tại Nam Định) cũng là một trong những nhà báo trẻ chịu khó lăn lộn với nghiệp viết.
“Phóng viên thường trú có những cái lợi thế nhất định, lại cũng có nhiều thiệt thòi. Do chỉ phụ trách một địa bàn nhất định nên mình điều kiện để lập mối quan hệ với lãnh đạo chóp bu ở tỉnh, huyện. Tuy nhiên, nếu như phóng viên ở Hà Nội thường được phân theo dõi “mảng”, thì phóng viên thường trú như Hưng lại phải đa-zi-năng mảng nào cũng phải xông vào “nghênh chiến”.
Và cũng vì phụ trách một địa bàn, nên cách viết cũng cần rất khéo léo. Bởi không như phóng viên ở Trung ương, về địa phương làm việc một thời gian rồi lại “tếch” về Hà Nội, phóng viên thường trú viết gì cũng phải đáp ứng hai tiêu chí, vừa đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, tôn chỉ mục đích của tờ báo, lại không bị địa phương “ghét”, kẻo không tiếp cận lấy được thông tin thì rất gay go.
Hưng nhớ nhất cái lần suýt bị… ném xuống sông. Đó là một buổi sáng Hưng xuống một công trường xây dựng (mà trước đó người dân phản ánh có một công ty ngang nhiên xây dựng lấn chiếm đất của bà con). Công trường này nằm ở bên bờ sông Ninh Cơ. Khi anh vừa chụp được vài kiểu ảnh thì xuất hiện mấy tay “đầu gấu” hỏi: “Nhà báo hả? Đã xin phép chưa mà chụp ảnh? Có muốn xuống sông không”?
“Người đã yếu, lại không biết bơi nếu mà bị ném xuống sông chắc toi” - Hưng thoáng nghĩ. Anh quan sát nhanh thấy gần đó có một bến đò liền nhanh trí đáp: “Tôi là khách đi đò, trong khi chờ thấy cảnh đẹp thì chụp vài kiểu ảnh thôi”. Vừa nói, Hưng vừa nhanh tay tháo thẻ nhớ máy ảnh và nhét vào túi. Mấy đối tượng đòi ảnh trong máy ảnh, thấy không có gì đáng ngại liền bỏ đi. Chàng phóng viên được phen hú hồn.
Nhà báo Trần Duy Hưng |
Cái duyên với nghề báo của Hưng có lẽ cũng là điều hiếm thấy trong số các nhà báo trẻ hiện nay. Hưng sinh ra tại một làng quê đồng chiêm trũng thuộc huyện Nam Trực, Nam Định. Ngày bé, cũng giống biết bao nhiêu đứa trẻ con trong làng Hưng thường giúp bố mẹ những việc như chăn trâu, cắt cỏ, mò cua bắt ốc… Khác với những đứa trẻ kia, bọn chúng thường thả trâu ra bờ đê rồi kéo nhau xuống sông tắm, hay đi hun chuột thì Hưng lại chỉ thích ngồi trên lưng trâu đọc sách. Một bữa người chú cho Hưng một chiếc radio bé bằng bàn tay, vậy là đi đâu Hưng cũng cầm theo. Vì thế mà được nghe biết bao chuyện ở Việt Nam trên thế giới…
Rồi Hưng thấy nhiều bài thơ, câu chuyện phát trên đài rất gần gũi với cuộc sống của mình. Anh nghĩ chỉ cần viết lại những chuyện đang xảy ra xung quanh mình rồi gửi, biết đâu được đăng. Quả cũng có đôi lần Hưng được tên mình xướng lên trong mục “Hộp thư” bạn đọc. Nghĩa là Ban Biên tập chuyên đề đã nhận được bài của bạn…”. Chỉ thế thôi cũng khiến cho cậu bé chăn trâu vui cả tuần. Sau rồi Hưng thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Báo chí. Đời viết lách bắt đầu từ đây…
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) hiện cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35.000 người. Về báo chí in: Hiện cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí trung ương, 137 tạp chí địa phương), 1 hãng thông tấn quốc gia. Về báo chí điện tử: Hiện cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248. Về phát thanh, truyền hình (PTTH): Hiện cả nước có 67 đài PTTH. Hai đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trước đây thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nay đã chuyển sang trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng 64 đài địa phương. |
Yên Chi