Trách nhiệm thông tin - đạo đức của nhà báo
Làm bất cứ nghề nghiệp gì thì điều quan trọng đầu tiên mà người ta cần có, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đối với người cầm bút, việc cân nhắc trước sau đối với bất kỳ một thông tin gì là cần thiết; nó thể hiện trách nhiệm với thông tin, là biểu hiện đạo đức của người làm báo. Bởi thông tin đó khi đưa ra, rất có thể sẽ có tác động đến toàn xã hội, nếu thiếu cân nhắc!
1. “Ăn bưởi có khả năng gây ung thư”, đó là tựa đề một mẩu tin nhỏ từng gây bão trên báo thời gian trước; chính mẩu tin này đã khiến cho hàng vạn tấn bưởi của người nông dân bị ế ẩm, chỉ biết đem chất đống rồi vứt bỏ sau đó vì không ai dám ăn bưởi nữa. Nhưng cay đắng một điều là loại bưởi có khả năng gây ung thư ấy chỉ là một loại bưởi nào đó ở tận bên Mỹ. Và khi sự thật về mẩu tin được phơi bày thì cũng không thể nào cứu vãn nổi thiệt hại mà người nông dân và doanh nghiệp bưởi đã gánh chịu.
Người cầm bút cần có trách nhiệm với thông tin đưa lên báo |
Rồi có thời gian rộ lên thông tin nước tương có chứa chất 3-MCPD gây ung thư, thông tin này đã đẩy hầu hết những nhãn hàng nước tương truyền thống vào vực thẳm. Song, vấn đề là mãi đến nhiều năm sau đó, sau nhiều cuộc thanh kiểm tra thì người ta vẫn không thể biết được loại nước tương nào chứa độc chất ấy! Trong khi đó thì có những thương hiệu nước tương mới ra đời.
Mới đây nhất là chuyện một hãng xúc xích của Việt Nam cũng phải khóc ròng vì thông tin có chứa chất gây ung thư. Sẵn trong cơn cuồng nộ vì thực phẩm bẩn vừa trước đó, truyền thông lao vào xâu xé doanh nghiệp này. Đến mức doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc, sản phẩm tất nhiên không tiêu thụ được khi những thông tin bất lợi xuất hiện tràn lan trên các trang báo. Và cũng như những trường hợp trước đó, khi các cơ quan chức năng trưng ra kết luận sản phẩm của họ có chất lượng rất ổn thì đã quá muộn, câu chuyện đã bị đẩy đi quá xa ngoài tầm kiểm soát.
Hay vụ “cây chổi quét rau” vừa qua là một ví dụ điển hình nhất về cái gọi là trách nhiệm thông tin của nhà báo. Câu chuyện đó đã như cho thêm dầu vào lửa trước nỗi hoang mang của dư luận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng rồi nhanh chóng sau đó, người ta phát hiện ra đó chỉ là thứ thông tin được người cầm bút ngụy tạo chứ không phải sự thật!
Chúng ta còn có thể kể ra đây vô số những sự việc tương tự. Chỉ vì một cái tít, một bài báo thiếu trách nhiệm, người cầm bút có thể khiến cho bao người thân bại danh liệt, có thể đưa một doanh nghiệp đến bờ phá sản, có thể khiến cả một thị trường mua bán lụi tàn, nông dân nghèo càng lâm vào ngõ cụt…
2. Ai làm bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm với công việc của mình; nếu như anh nông dân phải có trách nhiệm với ruộng đồng và nông phẩm của mình làm ra, người bác sĩ phải có trách nhiệm với phương thức chữa bệnh cho bệnh nhân… thì tương tự, người cầm bút phải có trách nhiệm trước thông tin mà họ đưa lên phương tiện truyền thông. Hay nói cách khác, hai từ “trách nhiệm” ở đây cũng chính là đạo đức nghề nghiệp.
Làm bất cứ nghề nghiệp gì thì cũng đều cần phải có đạo đức. Không có đạo đức, anh nông dân rất có thể sẽ đầu độc người tiêu dùng vì lợi nhuận từ những luống rau phun thuốc độc trước khi đem bán; người bác sĩ sẽ hại chết bệnh nhân vì sự tắt trách…; nhưng tác hại của sự thiếu đạo đức với người cầm bút thì nguy hiểm hơn như thế, nó không chỉ hại một người, một tập thể mà còn có thể làm ảnh hưởng cả một xã hội!
Trách nhiệm với thông tin của người cầm bút không chỉ thể hiện ở độ chính xác của thông tin đó mà còn ở cách người cầm bút xử lý nó như thế nào, nhất là đối với những thông tin nhạy cảm, có tác động với xã hội. Cùng là sự việc nhưng tùy vào cách xử lý có cân nhắc trước sau hay không thì sẽ cho ra đời những thông tin có tác động khác nhau.
Đơn cử như việc đưa tin về các vụ trọng án, giết nhiều người một cách man rợ. Nhiều trang vì mục đích câu view, bán báo mà họ tập trung đánh vào tâm lý tò mò của người đọc bằng cách giật những tít sốc, viết những nội dung mô tả rùng rợn; họ bất chấp những chi tiết đó ảnh hưởng thế nào đến tâm lý bạn đọc.
Rồi gần đây là những câu chuyện liên quan đến những thông tin về thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi thông tin chưa đầy đủ hoặc thiếu chi tiết thì thay vì rất cân nhắc khi giật tít bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả một thị trường, một doanh nghiệp được nhắc đến, nhưng nhiều trang đã không làm như vậy. Họ cần một cái tít đủ sốc và kết quả là “doanh nghiệp sắp phá sản” hay “nông dân điêu đứng vì thông tin xyz” ...
Hay trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đã có không biết bao nhiêu nghệ sĩ sẵn sàng “cạch mặt” báo chí, thậm chí có người từng tự tử vì áp lực dư luận từ những bài báo thiếu đạo đức, xuyên tạc và bôi nhọ danh tiếng họ.
Và dễ thấy một điều là bây giờ, báo chí viết về nghệ sĩ cứ vô tư bới móc đời tư của họ đưa lên mặt báo, bất chấp nghệ sĩ kịch liệt phản đối việc này. Tất nhiên truyền thông báo chí làm việc này cũng chẳng gì ngoài mục đích câu view! Chuyện đời tư nghệ sĩ bị mang ra bàn tán nhiều nhất chính là chuyện tình cảm của họ. Không chỉ phơi bày chuyện hẹn hò của sao lên mặt báo mà nhiều báo còn tham gia bình luận về cuộc tình của họ như là một người trong cuộc.
Ở một chiều hướng khác, rất nhiều phương tiện truyền thông lại vô tư đăng tải thông tin, hình ảnh của những nhân vật scandal, những cô nàng hở hang lên phương tiện của mình một cách cố ý. Họ tiếp tay và biến những nhân vật ấy trở thành một nhân vật của truyền thông. Showbiz Việt trở nên bát nháo, xô bồ một phần cũng chính vì những nhân vật như thế đang ngày càng có xu hướng chiếm lĩnh thị trường giải trí Việt.
Những thông tin thiếu chính xác của truyền thông không chỉ dừng lại ở việc làm tổn thương đồng loại, nó còn nguy hiểm hơn khi đánh mất niềm tin, tạo nên sự nghi kỵ từ công chúng. Với những thông tin thiếu chính xác được cứ lặp đi lặp lại ở những cơ quan báo chí khác nhau thì liệu ai còn tin những thông tin mà các cơ quan báo chí cung cấp? Ai cũng biết, báo chí sống nhờ độc giả, độc giả là đối tượng phục vụ của bất kỳ một cơ quan truyền thông nào!
3. Ngày nay, báo chí đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Song, để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này thì xu hướng “lá cải hóa” công cụ báo chí với những tin giật gân, câu khách, những thông thiếu trách nhiệm, thiếu chuẩn xác không phải là giải pháp.
Sự khác biệt của những tờ báo chính thống với những mạng xã hội là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Một khi người cầm bút bắt đầu xa rời những chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp ấy, họ đã tự đồng hóa công việc cao quý của mình với việc đưa tin vỉa hè!
H.Lãm