Bộ Y tế hời hợt đến khó hiểu trong vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì
Trong khi người dân phải đối mặt với nguy cơ nhiễm độc chì do sử dụng các sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng của URC thì Bộ Y tế - Cơ quan bảo vệ sức khỏe cho người dân lại có thái độ bàng quan, báo chí nêu ra vụ việc nào thì xử lý vụ việc ấy.
Cơ quan này chưa có các động thái mạnh mẽ, tích cực nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân ngay cả khi biết vẫn còn các lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì đang lưu thông ngoài thị trường. Doanh nghiệp nói "không thu hồi được" cũng gật đầu đồng ý.
Vụ việc các sản phẩm C2, Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Hà Nội có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần đã không còn là nghi vấn nữa mà là sự thật. Tỉ lệ thuận với đó là hàng nghìn chai C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng đã đi vào bụng người dân một cách thoải mái mà không hề có sự e ngại hay đề phòng.
Trong vụ việc này, chỉ có người dân là chịu thiệt thòi khi “mù quáng”, tin tưởng vào sự đảm bảo của các cơ quan y tế rằng sản phẩm an toàn.
Hàng loạt lô C2 đang lưu thông ngoài thị trường |
Trả lời phóng viên báo điện tử PetroTimes về tác hại của việc sử dụng các loại nước uống có hàm lượng chì cao, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: “Chì là một kim loại nặng, khi vào trong cơ thể nó ngấm vào máu và làm nhiễm độc máu, rồi vào xương. Chì lẫn trong thực phẩm, nó không gây chết người ngay mà nó tích tụ trong cơ thể. Để lâu sẽ thành bệnh”.
Như vậy, rất có thể, không ít người đang ở tình trạng nhiễm độc chì mà không hề hay biết.
Sau khi báo chí thông tin, cơ quan bảo vệ sức khỏe người dân – Bộ Y tế mới vào cuộc để thanh tra, kiểm tra rồi thì xử phạt.
Thiết nghĩ, nếu như không có những thông tin trên báo chí thì Bộ Y tế vẫn “nhắm mắt làm ngơ" với doanh nghiệp để cốp dấu đỏ chứng nhận an toàn cho C2, Rồng đỏ.
Mặc dù Bộ Y tế đã vào cuộc, thanh tra toàn diện URC, sau đó là xử phạt, thu hồ vài lô sản phẩm nhiễm chì nhưng những hành động đó không thể nào lấy lại thiện cảm của người dân với một cơ quan chuyên bảo vệ sức khỏe.
Nếu nhìn nhận một cách khách quan có thể thấy Bộ Y tế đã không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trong vụ việc này.
Rồng đỏ hiện đang bày bán tại các siêu thị |
Việc không làm tròn trách nhiệm, bổn phận bắt đầu ngay từ khi các cơ quan này phê duyệt hồ sơ, chấp thuận cho URC sản xuất, cung cấp sản phẩm tại Việt Nam. Hay nói cách khác, để xảy ra vụ việc này là do chính cán bộ của ta đã dung túng, bao che cho các công ty này.
Đáng lẽ ra, khi có kết luận thanh tra và khẳng định các sản phẩm này nhiễm chì, Bộ Y tế cần tổ chức kiểm tra sức khỏe miễn phí cho những người dùng sản phẩm để có phương án cứu chữa kịp thời. Nhưng cơ quan này không làm.
Một động thái khác cũng khiến dư luận khó hiểu là tại sao ngành công nghiệp cung cấp nước giải khát trong thời gian qua liên tục có những sai phạm mà Bộ Y tế không có lấy một khuyến cáo người dân phải cảnh giác, thận trọng với các sản phẩm này? Tại sao không yêu cầu đình chỉ sản xuất để tránh hậu họa về sau?
Sau khi Bộ Y tế thu hồi 5 lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì, PetroTimes đã đối chiếu, so sánh và phát hiện có hai lô nguyên liệu sản xuất C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng chưa được “sờ” đến.
PetroTimes đã đăng tải bài viết “Lộ thêm 2 lô nguyên liệu C2, Rồng đỏ nhiễm chì, cần thu hồi khẩn cấp”, trong bài nêu rõ lô sản phẩm, hạn sử dụng và ngày sản xuất để cơ quan chức năng và người dân tiện đối chiếu. Thế nhưng, đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa có thêm động thái nào khác.
Với chức năng, nhiệm vụ là bảo vệ sức khỏe người dân mà Bộ Y tế chỉ hành động một cách chậm chạp, hời hợt như vậy thì thật là khó hiểu!
Xuân Hinh