PV Power Coal
Lựa chọn phương án tối ưu trong nhập khẩu than
Việc triển khai áp dụng công nghệ chuyển tải nổi tại khu vực luồng sông Gò Gia (Bà Rịa, Vũng Tàu) được xem là lựa chọn khả thi của Công ty Nhập khẩu và Phân phối Than Dầu khí (PV Coal) trong bối cảnh hiện nay.
Đảm bảo nguồn than dài hạn
Theo Quy hoạch tổng thể Phát triển ngành điện quốc gia lần thứ 7 điều chỉnh (QH điện 7 điều chỉnh) đã được Chính phủ phê duyệt, nhiệt điện than đóng vai trò rất quan trọng trong các loại hình sản xuất điện cho quốc gia. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 06 NMNĐ công suất mỗi nhà máy 1.200 MW, trong đó 02 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) dùng than trong nước là Vũng Áng 1 và Thái Bình 2, 04 NMNĐ dùng than nhập khẩu là Long Phú 1, Long Phú 3, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1. Tổng nhu cầu than cho 06 NMNĐ là trên 20 triệu tấn/năm. Theo tính toán, nhu cầu than cho các NMNĐ than của PVN năm 2020 ở mức 16 triệu tấn, tăng lên mức khoảng 20 triệu tấn vào năm 2030. So với nhu cầu than cho điện của cả nước thì nhu cầu than cho điện của PVN chiếm cao nhất khoảng 24% vào các năm 2019-2020, sau đó có xu hướng giảm trong giai đoạn 2020-2030 và chiếm khoảng 10% vào năm 2030. Đây là một thách thức không nhỏ đối với PVN.
Tiếp nhận than tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 |
Ý thức được công tác cung cấp than cho 06 NMNĐ là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn ngay từ những năm 2009, PVN đã thành lập Công ty Nhập khẩu và Phân phối Than Dầu khí (PV Coal) – đơn vị tiền thân của PV Power Coal sau này để thực hiện sứ mệnh đảm bảo nguồn than và công tác logistics cho hoạt động nhập khẩu than.
Từ khi thành lập đến nay, Công ty đã chủ động tìm kiếm, nghiên cứu, khảo sát đánh giá các nguồn than từ nhiều thị trường khác nhau. Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu đánh giá, Công ty đã xác định được nguồn than nhập khẩu từ 2 thị trường chủ yếu và Úc và Indonesia là những nước sản xuất và xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, nguồn than đa dạng, chất lượng than phù hợp với dải đặc tính kỹ thuật đã lựa chọn, cung đường vận chuyển từ Úc về khoảng 7.000 km, từ Indonesia khoảng 2500 km gần hơn so với các thị trường khác.
Đến nay, PV Power Coal đã ký kết Hợp đồng khung cung cấp than dài hạn với 07 đối tác lớn, uy tín tại 2 thị trường này với khối lượng than cam kết 15 triệu tấn/năm. Hiện PV Power/PV Power Coal đang triển khai đàm phán để chuyển đổi các Hợp đồng khung để ký Hợp đồng mua bán than thương mai với các đối tác này. Khối lượng than 15 triệu tấn/năm đã đủ cung cấp cho các NMNĐ dùng than nhập khẩu của PVN, tuy nhiên hiện tại PV Power/PV Power Coal đang tiếp tục tìm kiếm những nguồn than tiềm năng khác để đa dạng hóa nguồn cung
Những phương án khả thi
Đứng trước thách thức lớn về tiến độ chưa có cảng tiếp nhận than khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2018, PV Power Coal đã chủ động, tích cực tìm kiếm các vị trí tiềm năng để nghiên cứu, tích cực làm việc với chủ đầu tư, các đối tác hàng đầu thế giới về cảng và đề xuất lựa chọn khu vực sông Gò Gia (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) để chuyển tải than, đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương với công nghệ chuyển tải nổi hiện đại FTS (Floating Transfer Station – FTS)/cẩu nổi (Floating crane) kết hợp với các cảng hiện có của PVN tại khu vực sông Thị Vải.
Quy hoạch tuyến luồng Gò Gia |
Theo nghiên cứu, vị trí Gò Gia nằm sâu trong vịnh Gành Rái nên ít bị ảnh hưởng bởi bão lớn, sóng biển do đó đảm bảo điều kiện làm hàng quanh năm. Ngoài ra, khu vực này có độ sâu đo đạc trong nhiều năm khá ổn định, mức độ bồi lắng ít (>14m), đảm bảo cho tàu trọng tải từ 80.000DWT tới 150.000 DWT ra vào, neo đậu. Phần mặt nước rất rộng (chiều rộng lòng sông gần 1.000 m), bề rộng luồng tàu là 200m, phạm vi neo đậu không ảnh hưởng đến luồng tàu, rất thuận tiện cho hoạt động neo đậu và chuyển tải.
Trạm chuyển tải nổi Floating Transfer Station - FTS |
Giải pháp này đã giải quyết được các vấn đề trọng tâm như khả thi về kỹ thuật (kịp thời cung cấp than Quý I/2018, ổn định, đã áp dụng một số nước trên thế giới…), hiệu quả về kinh tế (giảm chi phí và thời gian đầu tư, xây dựng so với phương thức chuyển tải truyền thống bằng cảng cứng), đảm bảo tính pháp lý (được các Bộ chủ quản chấp thuận), đáp ứng yêu cầu về môi trường… Việc triển khai áp dụng công nghệ chuyển tải nổi cho phép sử dụng công nghệ này cho các dự án khác nói chung, trong bối cảnh công tác nhập khẩu và chuyển tải than khối lượng lớn chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Minh Châu