‘Hãy đi đặt người canh gác’: Cơn vỡ mộng của sự trưởng thành
Những tưởng “Giết con chim nhại” là tác phẩm duy nhất của Harper Lee - nhà văn vĩ đại của văn học Mỹ. Thực tế, dù được xem là tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ hiện đại nhưng “Giết con chim nhại” lại được viết sau “Hãy đi đặt người canh gác”.
Hãy đi đặt người canh gác là một cuốn sách của những cơn vỡ mộng. Từng mảnh đẹp đẽ được xây dựng nên bởi bức tường thành thơ ngây cổ tích của quá khứ đã lần lượt bị lôi ra và đập vụn vỡ tất cả. Nhưng đó không phải là điều khiến ta tuyệt vọng. Nó chỉ là một quá trình mà ta buộc phải bước vào và chấp nhận đối diện để trưởng thành từ vụn vỡ ấy.
Từ New York, Jean Louise Finch - cô gái 26 tuổi trở về nhà. Lần trở về này, cô bắt đầu bước vào thế giới người lớn, khi dần nhìn ra những điều đang xảy ra ở quê hương Maycomb, đặc biệt là hình tượng về bố Atticus Finch mà cô luôn tin tưởng, tôn quý hết mực đã bị xóa nhòa bởi những sự việc trần trụi mà cô không ngờ tới. Theo như những gì cô nhìn thấy, ông chỉ là một kẻ đạo đức giả, phân biệt chủng tộc, hèn nhát...
Tác phẩm "Hãy đi đặt người canh gác" |
Cô công kích Atticus, Hank, và bỏ chạy trong hoang mang, tuyệt vọng. Cô không còn nơi nào để dựa vào. Cô quay đầu bỏ chạy, bảo vệ lương tâm của mình tránh xa tất thảy những điều cô cho là nhem nhuốc, tệ bạc ấy. Việc ấy thực ra cũng giống như việc khước từ sự trưởng thành.
Tại sao Jean lại có phản ứng quyết liệt như vậy trước những sự việc mà những người dân ở Maycomb đều xem là bình thường?
Xen giữa những câu chuyện xảy ra ở thì hiện tại, là những kí ức được tái hiện bởi sự hồi tưởng của Jean. Jean lớn lên trong một bầu không khí yên bình, tràn ngập sự yêu thương của cha Atticus, anh trai Jem, và người bạn thân lâu năm Hank.
Lúc còn nhỏ Jean đã xem cha Atticus như một vị anh hùng, một người luôn đối xử công bằng với mọi người, luôn đứng về phía những kẻ yếu thế hơn, ra sức bảo vệ những người da đen khỏi sự đè nén của người da trắng.
Atticus nhận được sự kính trọng, ngưỡng mộ của tất cả người dân xứ Maybcom. Và Jean đã tự nhiên cố định hình ảnh của ông là một vị thánh trong lòng cô mà chưa từng nhìn nhận, hay hiểu rằng cha mình cũng là một con người với những khuyết thiếu rất con người. Cho đến khi cô quay lại, can đảm nhìn thẳng vào bố Atticus và đối diện với tất cả.
Tựa sách Hãy đi đặt người canh gác được Harper Lee lấy từ một câu trích dẫn từ kinh thánh Isaiah. Nguyên văn của câu kinh trên được trích dẫn trong tiểu thuyết: “Vì chúa đã phán với tôi thế này: Hãy đi đặt người canh gác, khi thấy gì thì báo ngay”. Harper Lee có lẽ đã liên hệ thành phố Monroeville (bang Alabaman, nơi bà sinh ra) với lời tiên tri về sự sụp đổ của thành Babylon.
Đây là nơi “đầy những tiếng nói vô đạo và đạo đức giả”, nên chúng ta cần một người canh gác để giúp chúng ta thoát ra khỏi mớ hỗn độn đó. Đặt trong bối cảnh của cuốn tiểu thuyết, cái tựa đề kia vốn đã nói lên tất cả những vấn đề của câu chuyện.
Với Jean, trong quá trình trưởng thành, với đầy những vụn vỡ, tan rã, để rồi đi đến thấu hiểu, cô vẫn xem Atticus là “người canh gác” của lương tâm mình. Bởi thế cách viết của Harper, dù ở cuốn tiểu thuyết này, có phần hà khắc, buồn bã, chán chường, có lúc chua cay, mỏi mệt nhưng khi vượt qua khỏi những cảm giác hỗn độn ấy, vẫn là sự bình lặng của những trái tim bao dung và yêu thương.
Xét cho cùng, vấn đề nhân loại vẫn là vấn đề to lớn, và cần sự đấu tranh lâu dài, chỉ có tình cảm thân mến là điều thật dễ níu vào để tạo nên sức mạnh mà dấn bước. Có lẽ, Jean cho đến cuối cùng của câu chuyện mới thực sự hiểu ra được điều giản dị đó. Và đó cũng chính là trái tim của cuốn sách, mà từ ấy, Harper Lee đã viết nên tiểu thuyết vĩ đại, Giết con chim nhại.
Nữ văn sĩ Harper Lee được yêu mến trên khắp thế giới nhờ "Giết con chim nhại". Bà qua đời hồi tháng 2 năm nay. |
Hãy đi đặt người canh gác, dù được giới thiệu là phần tiếp nối nhưng thật ra đây là bản thảo đầu tiên của Giết con chim nhại. Khi Harper gửi tác phẩm đến nhà xuất bản, biên tập viên Tay Hohoff đã đọc bản thảo, nhìn thấy điều đẹp đẽ nhất trong bản thảo nên đã đề nghị Harper Lee hãy thử mở cánh cửa bí mật thời thơ ấu của Jean (Scout).
Ý tưởng đó là gợi ý để Harper dấn bước tìm kiếm và khơi mở lại kí ức đẹp đẽ của Jean. Giết con chim nhại trở thành một hiện tượng xuất bản sau đó. Còn bản thảo đầu tiên của nó, Hãy đi đặt người canh gác mãi đến tận tháng 7 - 2015 mới được tìm thấy và xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ.
Giết con chim nhại được kể dưới góc nhìn của một cô bé 6 tuổi, nên luôn thấm đẫm một màu sắc thơ ngây đẹp đẽ. Còn Hãy đi đặt người canh gác, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó buộc độc giả phải dùng ánh mắt sáng rõ của mình để chứng kiến những sự hiển nhiên buồn bã, bất công trong cuộc đời, như câu nói mà Hank nhắc đi nhắc lại rằng “Chúng ta phải làm rất nhiều việc chúng ta không muốn”.
Thế nên, tác phẩm cũng là một câu chuyện hoàn toàn độc lập, xuất sắc và có đời sống riêng của nó. Mặc dù vậy, cách xử lý câu chuyện của Harper Lee vẫn khiến chúng ta dễ dàng nhận ra sự cứng nhắc, có phần thuyết giáo, dài dòng và nhiều non nớt của một bản thảo đầu tay.
Hãy đi đặt người canh gác vì thế không thể hiện được nhiều sự uyển chuyển của câu chuyện cũng như cá tính nhân vật. Dĩ nhiên, với bất kì ai đã từng say mê Giết con chim nhại, Hãy đi đặt người canh gác vẫn là một cuốn sách cần đọc, nên đọc để biết rằng thế - giới - người - lớn khắc nghiệt ra sao.
'Lễ hội của vô nghĩa': Cuộc dạo chơi của tiếng cười Trở lại sau mười ba năm vắng bóng, Milan Kundera - nhà văn Pháp gốc Tiệp - tỏ ra “trìu mến” hơn với “Lễ hội của vô nghĩa”, một tiểu thuyết ngắn mang dáng dấp một tiểu luận, xoay quanh những cuộc dạo chơi, những trò đùa vô nghĩa, tiếng cười, sự tuyệt vọng hay suy tưởng của năm người bạn: Alain, Ramon, D’Ardelo, Charles và Caliban. |
‘Để em khỏi lạc trong khu phố’: Miền hoài niệm hoang hoải (PetroTimes) - Vẫn là câu chuyện về hoài niệm chất chồng đúng chất Patrick Modiano - chủ nhân của Nobel Văn học 2014 - “Để em khỏi lạc trong khu phố” một lần nữa lại đẩy người đọc vào một vùng mê kí ức buồn thương, mất mát, và cũng vô cùng đẹp đẽ, trong nỗi phiền muộn sợ hãi của sự quên lãng. |
‘Hồ’ - Vẻ đẹp của niềm hư ảo “Hồ” - tác phẩm của nhà văn Kawabata Yasunari, chủ nhân Nobel năm 1968, bắt đầu ở khoảng thời gian lơ lửng giữa những hiện hữu của hiện thực và mơ mộng, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. |
Phong Linh