Nhiều thách thức trong quản lý khai thác, kinh doanh than
Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh” đã ghi nhận những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh tới các địa phương trong triển khai thực hiện, đến nay, công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh được duy trì tốt, không để xảy ra các vụ việc tiêu cực nghiêm trọng. Công tác quản lý các hoạt động liên quan đến tài nguyên than trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tình trạng khai thác than trái phép đã được đẩy lùi và được kiểm soát; trật tự trong khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than luôn được giữ vững. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại cần được các địa phương, các ngành tích cực vào cuộc kiểm tra, giám sát.
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh than. Hiện nay các doanh nghiệp có hoạt động về than, nhất là các công ty thương mại ngoài ngành than, hầu như chỉ căn cứ vào nội dung ngành nghề ghi “kinh doanh mỏ” trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN ĐKDN) để kinh doanh than vì vậy dẫn tới không thống nhất trong nhận thức và khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh này; nhiều trường hợp cán bộ cấp xã, phường cho rằng doanh nghiệp như vậy là “có giấy phép kinh doanh than” nên không tích cực kiểm tra. Đây cũng là một kẽ hở để các doanh nghiệp thực hiện hành vi chế biến, kinh doanh than trái phép.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tình hình khai thác, vận chuyển, kinh doanh than tại Hoành Bồ, Quảng Ninh |
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý nguồn than trôi nổi cũng đang gặp không ít khó khăn. Theo cơ chế hiện nay, quy định tại Quyết định số 29/2008/QĐ-BCT ngày 22-8 của Bộ Công Thương “Ban hành quy định quản lý nguồn than trôi nổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thì việc thu mua than trôi nổi là hoạt động “không vì mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu nhằm giúp người thu gom tiêu thụ số than thu gom được và ngăn chặn kinh doanh lộn xộn, trái pháp luật” và chỉ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được mua, bán kinh doanh nguồn than này.
Có thể thấy, cách thu mua than trôi nổi này ít nhiều khẳng định thành công bước đầu của tỉnh và TKV trong việc giải quyết hậu quả chiến dịch truy quét than lậu. Tuy nhiên, do không có mục đích lợi nhuận nên các doanh nghiệp được chỉ định thuộc TKV không tích cực với việc mua than trôi nổi này. Do vậy, vẫn còn một lượng than không nhỏ trong nhiều nhà dân đang chờ cơ hội bán cho các “đầu nậu” với giá cao hơn. Người dân vớt than trôi tại một số địa phương cho biết doanh nghiệp luôn ép giá, phàn nàn chất lượng than thấp, số lượng ít để từ chối mua; trong khi đó có nhiều tư nhân sẵn sàng mua than của họ với điều kiện thuận lợi hơn. Hiện trên địa bàn phường Cẩm Phú (TP Cẩm Phả), phường Vàng Danh (TP Uông Bí) vẫn đang tồn tại những bãi tập kết than nhỏ lẻ trái phép.
Trước những tồn tại trên, thiết nghĩ các ngành, các đơn vị tiếp tục nâng cao trách nhiệm, trọng trách quản lý của mình theo ranh giới tài nguyên, ranh giới khai thác đã được xác định rõ. Ngoài ra cần phải tập trung xử lý thật nghiêm các đối tượng đứng đầu trong việc khai thác, vận chuyển than trái phép. Qua đó, góp phần ổn định tình hình, quản lý tốt các hoạt động liên quan đến tài nguyên than.
Hải Hà