Khi 'thượng đế' bơ vơ
Cây xăng gắn chíp gian lận, thuê bao điện thoại di động bị trừ tiền vô cớ, nước giải khát nhiễm chì không thể thu hồi… chỉ là ba vụ việc nổi cộm về người tiêu dùng bị đẩy vào tình thế “sự đã rồi”. Nhưng cho đến lúc này, người tiêu dùng chỉ biết “nhận phần thiệt” mà không được ai bảo vệ hay bồi thường…
Trong khi đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - tổ chức đại diện cho hàng triệu người tiêu dùng, lại không phát huy hiệu quả của mình. Vậy nên, người tiêu dùng dù được gọi bằng mỹ từ “thượng đế” nhưng lại cô độc đến tội nghiệp.
Để rộng đường dư luận xung quanh vấn đề quyền lợi người tiêu dùng, Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng.
Cây xăng trên đường Trần Khát Chân ước tính gian lận khoảng 5 tỉ đồng |
Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Doanh nghiệp sai là do quản lý Nhà nước lỏng lẻo!
Nhắc đến chuyện khách hàng bị “móc túi”, ông Lê Văn Cuông - nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc người dân bỏ tiền ra mua các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng chì vượt ngưỡng, thuê bao điện thoại bị trừ tiền vô cớ hoặc mua xăng tại các cây xăng có gắn chíp gian lận, thì trách nhiệm cơ quan đầu tiên phải đứng ra bảo vệ người tiêu dùng là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Cũng theo ông Lê Văn Cuông, về phía các doanh nghiệp (DN), họ đưa ra các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng thì đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người tiêu dùng, họ phải có trách nhiệm bồi thường. Nhưng bây giờ, để xác định được người tiêu dùng nào đã mua hay sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thì không hề đơn giản, vì có mấy người mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đó mà có hóa đơn để trình báo đến cơ quan chức năng…
Đây là sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về vấn đề thanh tra, kiểm tra các sản phẩm thực phẩm, dịch vụ nói chung. Đáng lẽ khi các DN đến đăng ký kinh doanh, cơ quan chức năng phải kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng và khi đã cấp phép thì cần phải có sự giám sát thường xuyên.
Thế nhưng cơ quan chức năng lại thiếu việc thanh kiểm tra thường xuyên. Chính sự yếu kém trong công tác quản lý khiến một số DN “lọt lưới”. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tháng 11-2015, thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã công bố mức xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng; đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua đầu số 8x61 trong thời gian 2 tháng với Công ty Vinamob vì đã có hành vi câu kết với DN Trung Quốc để cài đặt sẵn lệnh nhắn tin vào điện thoại, chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng tiền điện thoại. |
Về trường hợp nước giải khát có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh, sau khi đã kiểm tra, xác định Công ty TNHH URC sản xuất ra sản phẩm có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng nên căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc để có các biện pháp xử lý. Có thể xử lý hành chính và thậm chí là xử lý hình sự.
Sức khỏe con người là quý nhất, sản phẩm mà ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thì không phải là một vụ việc bình thường nữa. Phải xử lý một cách thỏa đáng nếu không thì họ vẫn sẽ tái phạm, đồng thời răn đe các DN khác.
Về việc một số cây xăng gắn chip điện tử để gian dối khách hàng, ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ là ngoài việc phạt hành chính thì nên cho đóng cửa cây xăng vi phạm. Nên có chế tài xử lý thật mạnh, tuyệt đối không được phạt theo kiểu “gãi ngứa” nếu không tình trạng gian lận sẽ tiếp diễn.
Bên cạnh đó, nên lập một quỹ riêng và đưa khoản tiền thu được khi xử phạt các DN gian dối vào đó. Số tiền này dùng để khen thưởng cho các cá nhân đã phát hiện ra hành vi gian dối, như vậy thì người ta mới hăng hái tố cáo. Hoặc dùng số tiền đó để trang bị máy móc cho các cơ quan chức năng phục vụ việc theo dõi, kiểm soát những sự việc tương tự”.
Một vấn đề khác cũng được nguyên ĐBQH nhận định, đó là không nên để DN tự mang sản phẩm do mình sản xuất đến cơ quan chức năng để kiểm nghiệm định kỳ 6 tháng/lần. 6 tháng mới kiểm tra là quá ít, cần rút ngắn thời gian kiểm nghiệm. Hơn nữa, nếu để DN tự mang sản phẩm đi kiểm tra mà họ lấy mẫu tốt đi thì sao biết được?
Cơ quan chức năng phải kiểm tra đột xuất tại nhà máy, từ đó có những kết luận, đánh giá thì mới khách quan, chứ nếu để theo quy trình 6 tháng DN tự mang sản phẩm lên kiểm tra sẽ dễ dẫn đến việc họ chỉ làm cho có hoặc thực hiện theo kiểu đối phó.
“Qua ba vụ việc trên, tôi thấy một vấn đề là các cơ quan chức năng đang buông lỏng quản lý. Bằng chứng là các vụ việc tiêu cực phần lớn là do người dân, báo chí phát hiện, chứ rất ít vụ việc do các cơ quan chức năng thanh tra và phát hiện ra. Được trao nhiệm vụ quản lý giám sát mà không hoàn thành thì rõ ràng là năng lực yếu kém phải truy cứu trách nhiệm, phải xem xét nguyên nhân lý do để xác định truy cứu trách nhiệm” - nguyên ĐBQH nhấn mạnh.
Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng: Khách hàng ngại dùng quyền tẩy chay
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, khi sản xuất sản phẩm C2, Rồng đỏ, Công ty TNHH URC đã biết trong nguyên liệu có hàm lượng chì cao nhưng họ vẫn đưa vào lưu thông thì đáng lẽ phải xử lý nghiêm.
Cuối tháng 12-2015, Ðội Quản lý thị trường số 14 phối hợp với Công an Hà Nội kiểm tra, phát hiện cây xăng ở số 436 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) và cây xăng Yên Viên (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) có gắn chíp điện tử. Các con chíp được gắn tại 6 cột bơm xăng từ giữa năm 2014. Với “độ ăn gian” 0,5 lít trên 10 lít xăng bán ra. Cây xăng Yên Viên đã “ăn cắp” 4.500 lít dầu và 3.000 lít xăng. Tại cây xăng trên đường Trần Khát Chân, số tiền gian lận ước tính khoảng 5 tỷ đồng. |
Khi phát hiện ra sản phẩm, có hàm lượng chì vượt ngưỡng, DN phải tự thu hồi sản phẩm đã bán ra nhưng trong vụ việc này phần lớn các sản phẩm đã được tiêu thụ.
Trong sự việc này, sản phẩm mà người tiêu dùng bỏ tiền ra mua là sản phẩm không đạt chuẩn, thì đồng tiền đó không xứng đáng nên Công ty TNHH URC phải bồi thường người tiêu dùng. Hơn nữa, Bộ Y tế đã thanh tra và chứng minh sản phẩm của Công ty TNHH URC có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép, điều này có thể gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Vậy nên, theo Điều 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Công ty TNHH URC phải bồi thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này rất khó để bồi thường cho từng cá nhân cụ thể, bởi người tiêu dùng thường mua những sản phẩm một cách nhỏ lẻ và khi uống xong đã vứt vỏ nên không thể biết được đã từng uống sản phẩm thuộc lô bị nhiễm chì.
Chắc chắn là một lượng không nhỏ các sản phẩm C2, Rồng đỏ thuộc lô nhiễm chì đã bán hết.
“Trách nhiệm của DN là phải bồi hoàn cho người tiêu dùng khi các sản phẩm họ bán ra không đạt tiêu chuẩn, nguy cơ tổn hại đến sức khỏe. Ở một góc độ khác, tôi thấy phải đánh giá, xác định mức độ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng và có mức bồi hoàn hợp lý” - Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn nói.
Về nguyên tắc, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có quyền đại diện người tiêu dùng khởi kiện Công ty TNHH URC đòi lại quyền lợi cho người tiêu dùng khi họ có kiến nghị và họ đồng thuận về việc đó.
Trước đây, Hội đã từng lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng trong vụ việc nhà mạng Vinaphone và Mobiphone âm thầm trừ số tiền hàng trăm tỉ đồng của người dùng khi tin nhắn gửi bị lỗi, tin nhắn không thực hiện được hoặc sử dụng các ứng dụng không báo trước số tiền phải trả… bằng cách gửi công văn đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã từng giúp người dân trong việc lấy lại công bằng trước các DN vào năm 2013. Thời điểm đó, tại Bến Tre đã xảy ra 2 vụ ngộ độc bánh mì kẹp thịt, có 246 người tiêu dùng phải nằm viện điều trị (Cơ sở bánh mì Minh Tuyến có 190 người; cơ sở bánh mì Hồng Thu có 56 người). Nguyên nhân là bơ trứng gà, thịt heo ram, chả lụa bán kèm trong bánh mì bị nhiễm khuẩn escherichia coli, salmonella spp. Trong đó, có 22 người tiêu dùng khởi kiện chủ cơ sở Minh Tuyến, yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe theo quy định của pháp luật (có 3 nguyên đơn người tiêu dùng rút hồ sơ khởi kiện. Lý do hồ sơ không đủ giấy tờ hợp lệ. Còn lại 19 người tiêu dùng theo đuổi vụ kiện).
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến tre đã theo đuổi vụ kiện kéo dài 2 năm. Kết quả người tiêu dùng đã thắng kiện với 19 vụ đủ điều kiện khởi kiện (2 vụ xét xử sơ thẩm, 17 vụ hòa giải) đã thắng kiện và hòa giải thành công.
Trước tình trạng người tiêu dùng khó có thể được bồi hoàn khi mua, sử dụng những dịch vụ kém chất lượng, Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn cho biết, Hội đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng cần phải đưa khoản tiền bồi hoàn từ các DN vào một tài khoản riêng để sử dụng số tiền đó phục vụ người dân và công tác bảo vệ người tiêu dùng nhưng đề nghị này sau đó chưa được hồi đáp.
Ngoài ra, trong trường hợp DN thiếu trách nhiệm, cố tình vi phạm thì người tiêu dùng có quyền tẩy chay. Trong trường hợp cần thiết, Hội có thể kêu gọi, có thể công bố danh tính sản phẩm DN này làm ăn chưa đạt tiêu chuẩn để người tiêu dùng biết và tự khắc sẽ tẩy chay.
Về vụ nước giải khát nhiễm chì, theo Luật An toàn thực phẩm, đã đưa ra bốn phương thức để người tiêu dùng giải quyết tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong đó, giải quyết theo đường tòa án, phán quyết của tòa mang tính bắt buộc thực hiện, được coi có tính pháp lý cao nhất.
“Tôi muốn nhấn mạnh, hoạt động của Hội là bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ các DN làm ăn chân chính” - Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn khẳng định.
Luật sư Trương Anh Tú: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Về góc độ pháp lý qua các sự việc nói trên, Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề báo động hiện nay. Tình trạng thực phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại vẫn diễn ra một cách vô tư đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Thời gian vừa qua, dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ nước giải khát giả được hòa trộn giữa các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, thì gần đây tiếp tục giật mình trước việc nước giải khát C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt quá mức cho phép.
Ban đầu, thông tin hai loại nước giải khát này nhiễm chì xuất phát từ kết quả kiểm nghiệm chất acid citric (là chất được dùng để tạo vị chua, điều vị và bảo quản trong thực phẩm và nước giải khát) được Công ty TNHH URC sử dụng trong sản xuất C2 và Rồng đỏ, có hàm lượng chì là 0,84mg/l, trong khi hàm lượng chì cho phép là không quá 0,05mg/l.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc sử dụng nước nhiễm một lượng chì lớn và trong thời gian dài có thể khiến sử dụng người bị nhiễm độc và thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Như vậy, sản phẩm C2, Rồng đỏ thực sự có hàm lượng chì vượt mức cho phép được tung ra thị trường có khả năng gây tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng là rất cao.
Theo luật định, vi phạm này của Công ty TNHH URC có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị định 178/2013/NĐ-CP “phạt tiền 70.000.000-100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại”.
Ngoài việc bị phạt tiền DN có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm 3-6 tháng và buộc phải tiêu hủy số phụ gia đó.
Trong trường hợp Công ty TNHH URC biết phụ gia này có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để lại hậu quả nghiệm trọng gây tổn hại cho sức khỏe của con người với tỷ lệ 31% trở lên.
Sản phẩm C2, Rồng đỏ của Công ty TNHH URC có hàm lượng chì cao gấp nhiều lần ngưỡng cho phép |
Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là rất khó, bởi với hàm lượng chì nêu trên thì phải sử dụng liên tục trong thời gian dài mới gây nhiễm độc, dẫn đến việc khó chứng minh về mối quan hệ nhân quả từ việc sử dụng sản phẩm đến hậu quả làm tổn hại sức khỏe con người. Ngoài ra, trong thời gian dài người tiêu dùng còn sử dụng nhiều sản phẩm khác nên việc chứng minh sử dụng sản phẩm nhiễm chì là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe rất khó.
Như vậy, trong trường hợp này khi phát hiện có những thực phẩm không an toàn, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý ngay và khuyến cáo người dân khi sử dụng để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng con người.
Ngày 31-5, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH URC Hà Nội có hàng loạt hành vi vi phạm hành chính, phải nộp hơn 5,82 tỉ đồng tiền phạt và thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm không đạt nói trên để xử lý theo quy định. |
Thiên Minh - Xuân Hinh