“Cầm vàng đừng để vàng rơi”
Sâm Ngọc Linh, loại sâm được coi là báu vật của thiên nhiên ban tặng cho vùng rừng núi của Quảng Nam và Kon Tum. Từ xa xưa người dân bản địa coi sâm Ngọc Linh là loại thuốc chữa bách bệnh. Và loại thuốc này chỉ được truyền lại cho đời sau khi người lớn tuổi nhất ở buôn làng về với tổ tiên.
Huyền bí Ngọc Linh
Nếu Fansipan, đỉnh núi cao nhất Việt Nam và cao nhất Ðông Dương (3.143m), được ví là “nóc nhà Đông Dương”, thì Ngọc Linh là ngọn núi cao thứ hai ở Việt Nam được ví như “mái nhà của Tây Nguyên”. Đỉnh Ngọc Linh cao gần 2.600m, nơi giáp ranh của 3 huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Tu Mơ Rông và Đắk Glei (Kon Tum) quanh năm mây phủ.
Ngọc Linh có tên gọi khác là Ngọc Linh Liên Sơn, nghĩa là liên hoàn núi non. Bao đời nay chưa có ai lên được đỉnh này, kể cả người dân bản địa, bởi thế Ngọc Linh vẫn lung linh những điều huyền bí.
Có dạo ồn lên câu chuyện có người lên được đỉnh Ngọc Linh. Thực hư chưa biết, nhưng tôi có lần cùng đi với mấy anh em thuộc một đơn vị quân đội thi công cung đường trong tuyến đường Hồ Chí Minh ở khu vực này đã từng tổ chức leo lên đỉnh Ngọc Linh, nhưng không thành. Dù rằng có người dân bản địa dẫn đường, có thiết bị để xác định phương hướng và thông tin liên lạc khi đi rừng, nhưng kế hoạch bị vỡ vì vào đến chân núi là la bàn và điện thoại di động đều không hoạt động được.
Người già ở đây bảo: “Không đến được đỉnh Ngọc Linh đâu, Giàng không cho lên thì đừng có cố”. Những câu chuyện như truyền thuyết đầy ắp huyền bí chốn rừng thiêng. Với người bản xứ, những truyền thuyết ấy như một điều cấm kỵ, với người phương xa đến nghe rồi chỉ để hình dung và những thâm u trong truyền thuyết mãi mãi là huyền bí chốn rừng xanh, núi thẳm.
Làng Long Năng Mới (thuộc xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) nằm ở dưới chân núi Ngọc Linh. Gọi là Long Lăng Mới để phân biệt với làng Long Năng cũ. Làng cũ trước đây ở sâu trong núi, nhưng luôn bị ngập lụt, bị vùi lấp vì sạt núi, cho nên khi chuyển ra vị trí mới với có tên gọi như vậy. Muốn lên núi Ngọc Linh đều phải đi từ làng này. Tục lệ, dân làng trước khi lên núi phải soạn một mâm lễ cúng thần rừng để cầu xin trời không mưa gió (không mưa thì thần sét không về) và người đi lên núi không gặp tai họa, không bị lạc rừng…
Cầu xin thì như vậy, nhưng vào đến cửa rừng gặp trời mưa là phải quay về ngay, nếu không sẽ bị thần sét trừng phạt. Rồi đi rừng tuyệt đối không được gọi tên nhau, thần rừng nghe thấy tiếng gọi là bị bắt, bị lạc không biết lối về. Và một điều trở thành quy định bất thành văn, người vào rừng cấm không được leo lên đỉnh Ngọc Linh. Có tìm thuốc, săn thú chỉ được phép tìm ở xung quanh chân núi.
TSKH Nguyễn Thới Nhâm báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quá trình nghiên cứu sâm Ngọc Linh (ảnh tư liệu) |
Người dân ở đây tin rằng có một lời nguyền nào đó từ thuở hồng hoang, ai làm trái lời nguyền sẽ trừng phạt. Theo truyền miệng, cách đây lâu lắm rồi, có một thợ săn giỏi tên là A Xang, người đã bị thần rừng trừng phạt vì dám bước qua lời nguyền lên núi Ngọc Linh. A Xang bị phạt đi lạc trong rừng tới ba năm, khi trở về nhà thì thành “ma rừng”, rồi sau đó chết rất thương tâm. Gần đây nhất là ông A Uôm, già làng Long Năng (làng Long Năng Mới bây giờ), là người duy nhất từng vượt qua khoảng 1km khu vực thung lũng Ngọc Rơi để lên núi Ngọc Linh. May cho ông, chuyến đi ấy ông chỉ bị lạc mất năm ngày trong rừng, chứ chưa đến mức biến thành “ma rừng” như A Xang. Từ đó, già làng A Uôm bỏ hẳn ý định lên núi.
Những ai cố tình tìm cách lên đỉnh Ngọc Linh thì đều bị thần rừng trừng phạt, nặng thì như A Xang, nhẹ hơn thì bị lạc đường, bị ốm đau… Dù không có cơ sở khoa học, nhưng đồng bào Xê Đăng sống quanh đây vẫn tin rằng Ngọc Linh luôn huyền bí và đỉnh núi thiêng này không phải để cho người ngoài đặt chân tới.
Báu vật rừng xanh
Cho đến nay các làng đồng bào dân tộc xa xôi ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Tu Mơ Rông và Đắk Glei (Kon Tum), nơi mà những ngôi nhà neo vào vách núi như những chiếc tổ chim khổng lồ, việc khám, chữa bệnh còn biết bao khó khăn, người đau ốm đưa đến cơ sở điều trị phải mất mấy ngày đường bằng khiêng, cáng…
Bởi vậy, mỗi khi trong làng có người ốm đau, lũ thanh niên đi săn bị thú rừng tấn công; người già suy kiệt, phụ nữ sinh con, trẻ em bị bệnh… đều được chữa bằng loại thuốc “đặc biệt” lấy từ rừng xanh. Loại thuốc ấy, dân bản địa gọi là “thuốc giấu”, do người lớn tuổi và uy tín nhất trong làng nắm giữ, chỉ được truyền lại cho đời sau khi cha mẹ sắp đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Chẳng ai biết được cây “thuốc giấu” này có từ khi nào, ai là người phát hiện ra chúng, chỉ biết rằng cây thuốc này là báu vật của rừng xanh ban cho dân làng để chống chọi với bệnh tật, duy trì nòi giống. Nghe nói, ngày xưa người Pháp khi nghe tin về loại thuốc này đã từng tổ chức thám hiểm Ngọc Linh, nhưng không tìm ra dấu tích của cây “thuốc giấu”.
Người ta suy tôn “cha đẻ” của sâm Ngọc Linh - cây “thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng ở vùng rừng núi Ngọc Linh là Dược sĩ Đào Kim Long, nguyên cán bộ Ban Y tế Trung Trung Bộ. Nhưng trước đó, từ năm 1968 trong chuyến công tác ở vùng núi Ngọc Linh, trong đoàn công tác của kỹ sư thực vật Vũ Đức Minh người sốt rét, người thì bị thương… Ông đã lặn lội vào rừng tìm thuốc và đã phát hiện một loại dược liệu khá đặc biệt, đó là một loại củ vừa chữa lành vết thương, vừa có tác dụng nâng sức đề kháng rất hiệu quả. Nghĩ đây là một loại thuốc quý, ông đã báo cáo lên Ban Quân y Khu 5. Tháng 6-1972, Khu ủy Khu 5 đóng tại Trà My quyết định thành lập đoàn điều tra thuộc Ban Y tế Trung Trung Bộ và từ tháng 10 năm ấy việc điều tra loại dược liệu này được tiến hành.
Mới đây vào Quảng Nam công tác, tôi tình cờ được tiếp xúc với tài liệu cuộc Hội thảo cấp quốc gia về nhân sâm Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam. Theo tài liệu của Dược sĩ Đào Kim Long, khi ông cùng các cộng sự nhận nhiệm vụ điều tra, đoàn công tác của ông đã phát hiện quần thể giống sâm này tại vùng rừng núi Ngọc Linh ở độ cao trên 1.800m. Ngay từ khi phát hiện, Khu ủy 5 chỉ đạo khoanh vùng bảo vệ, khai thác làm thuốc chữa bệnh, trị thương cho cán bộ, chiến sĩ.
Nếu như Dược sĩ Đào Kim Long là người phát hiện ra cây sâm Ngọc Linh, thì TS Nguyễn Thới Nhâm là người có công “khai sinh” tên sâm K5 có tên chính thức là sâm Việt Nam (danh pháp đầy đủ và đúng nhất của sâm Ngọc Linh được ngành thực vật học thế giới công nhận là: Panax vietnamensis Ha & Grushv).
Theo lời kể của TS Nhâm, ông “bén duyên” với cây sâm Ngọc Linh hết sức tình cờ. Đầu năm 1974, bác sĩ Võ Tố - Vụ trưởng Vụ miền Nam, Bộ Y tế gọi ông lên giao nhiệm vụ (lúc ấy ông là Xưởng trưởng Xưởng Dược Trung Trung Bộ và Xưởng Thủy tinh Liên Khu 5 đang điều trị bệnh ở miền Bắc) nghiên cứu cây sâm “đốt trúc” ở khu 5 do Dược sĩ Đào Kim Long và đồng nghiệp phát hiện ở vùng núi Ngọc Linh vào tháng 10-1973.
Ông Nhâm bảo: Có lẽ sâm Ngọc Linh có các đốt giống đốt của cây trúc, nên người tìm ra nó đặt tên vậy chăng. Trở lại chiến trường ông bắt tay vào nghiên cứu cây sâm này. Tháng 4-1974 ông mang toàn bộ công trình nghiên cứu đến Viện Dược liệu (Bộ Y tế). Tại đây nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, một kết quả không ngờ được kết luận căn cứ vào các luận cứ khoa học cho thấy, các thành phần của loại sâm này tương đương với sâm Triều Tiên và sâm Mỹ.
Từ kết quả ấy, ông báo cáo với Bộ Y tế, Khu ủy 5 và đề nghị khoanh vùng bảo vệ ngay. Đồng thời để tránh việc khai thác bừa bãi, ông kiến nghị không gọi là “sâm”, mà gọi chệch đi là loại cây có đốt, có tác dụng làm thuốc ngủ. Và chỉ Xưởng Dược Trung Trung Bộ của ông là nơi duy nhất thực hiện việc khai thác và chế biến. Từ đấy, bằng sự hiểu biết của mình, một loại thuốc được sản xuất từ sâm Ngọc Linh ngay tại chiến trường đã góp phần không nhỏ vào việc điều trị cứu chữa cho thương bệnh binh.
Bảo tồn cây thuốc “giấu”
Kể từ khi bí mật của cây “thuốc giấu” được công khai, diện tích cây sâm Ngọc Linh ở hai địa phương Kon Tum và Quảng Nam bị khai thác một cách vô tội vạ. Những năm 90 của thế kỷ trước, 1kg sâm Ngọc Linh đã được bán với giá cả “chục triệu” đồng.
Người ta không ngán gì rừng thiêng nước độc, không ngán gì những lời nguyền huyền bí, một “chiến dịch” tận thu diễn ra trên diện rộng. Sâm già, sâm non đều bị tận diệt. Hám lợi, bọn “sâm tặc” còn ngang nhiên làm sâm Ngọc linh giả bằng những loại củ rừng có hoạt tính độc hại. Theo Thạc sĩ Lê Thanh Sơn, hiện nay trên thị trường nhan nhản sâm Ngọc Linh giả. Có loại được làm giả bằng một số loài thuộc họ Araceae (họ Ráy) để đánh lừa khách hàng, biến chúng thành loại sâm giả tồi tệ nhất, nguy hiểm nhất. Không ít người khi đi mua đã nhấm thử và sau một thời gian, môi, miệng bị phồng rộp. Nếu mua phải loại sâm này về ngâm rượu uống chưa biết tác hại của nó sẽ như thế nào!
Từ 108 vùng sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, nay còn chưa đến 10 vùng, trong đó duy nhất vùng sâm ở Nước Nhét, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là còn tương đối nguyên vẹn. Nguy cơ tuyệt chủng một giống sâm quý hiển hiện ngay trước mắt.
Rất may trước nguy cơ ấy, những người tâm huyết đã âm thầm bảo tồn loại sâm quý hiếm này. Người đầu tiên thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh bằng hạt thành công, thành công ở việc bảo tồn và thành công cả về chất lượng là TS Nguyễn Thới Nhâm. Theo tài liệu mà ông lưu trữ, sau 6 năm từ 1978 đến 1984 ông trồng thử nghiệm dưới tán rừng ở độ cao 1.800m và 1.100m, ông thu được củ sâm từ 1 đến 5 tuổi đầu tiên. Sau khi gửi đi kiểm tra hàm lượng saponin tại Nhật Bản và một số nước trên thế giới, sâm Ngọc Linh trồng hoàn toàn giống như sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên.
Gần đây nhà khoa học, Thượng tọa Thích Huệ Đăng, một vị chân tu ở chùa Thanh Quang (Đà Lạt), đã di thực và nhân giống vô tính thành công sâm Ngọc Linh, mở ra trang mới trong việc bảo tồn loại sâm quý, công trình này được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học Công nghệ trao bằng “Độc quyền sáng chế” (Báo Năng Lượng Mới đã có loạt bài về ông).
Rồi đề tài nghiên cứu khoa học về nhân giống sâm vô tính, và những cây sâm vô tính được PGS-TS Dương Tấn Nhựt, Phó viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên đưa ra trồng ở núi Ngọc Linh (Kon Tum) đã có các thành phần hợp chất saponin chủ yếu của sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên, được đánh giá là “thành công mang tầm vóc quốc tế”.
Kon Tum và Quảng Nam trong những năm vừa qua đã xây dựng các trại sâm để tổ chức lại vùng trồng theo hướng trồng sâm bán hoang dại dưới tán rừng tự nhiên, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Đã có hàng trăm nghìn cây sâm con được ươm trồng và đang phát triển ở độ tuổi từ một đến vài năm. Ở vùng rừng núi Nam Trà My đã xuất hiện những tỷ phú nông dân trồng sâm Ngọc Linh.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển cây sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030, ngày 11-12-2015, Hội đồng Nhân dân Tỉnh Quảng Nam ra Nghị quyết về quy hoạch, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 sâm Ngọc Linh rồi đây phải trở thành cây kinh tế chủ lực, thành sản phẩm thương hiệu quốc gia. Theo quy hoạch, đến năm 2030 Quảng Nam trở thành “trung tâm” sản xuất sâm Ngọc Linh, với diện tích lên đến 30.000ha và sản lượng khai thác hằng năm từ 150-200 tấn.
Để sâm Việt Nam trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Ngay từ bây giờ phải tính đến việc quảng bá thương hiệu; phải xây dựng chiến lược cấp quốc gia; phải huy động nguồn lực của cả xã hội để xây dựng những vùng nguyên liệu… Thiên nhiên ưu đãi và ban tặng cho loại dược liệu quý hơn vàng. Hãy bảo vệ và nhân giống đừng để “vàng” tuột khỏi tay.
Sâm Ngọc Linh - nguồn gốc xuất xứ Sâm Ngọc Linh - loài sâm quý của Việt Nam và thế giới và cũng là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, chỉ mọc ở nơi có độ cao từ 1.200m trở lên, được phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum). Đây là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40-100cm, thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc, có màu lục hoặc hơi tím, đường kính thân 4-8mm. Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu 5 (sâm K5), sâm Trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), đồng bào dân tộc gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu. Tác dụng của sâm Ngọc Linh Những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm Sâm Ngọc Linh đã chứng minh Sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Những nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: các bệnh nhân được thử nghiệm sử dụng sâm Ngọc Linh để hỗ trợ điều trị bệnh của mình đều ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp người bị huyết áp thấp. Ngoài những tác dụng nói trên, theo Dược sĩ Đào Kim Long - người phát hiện ra sâm Ngọc Linh vào năm 1973 - sâm Ngọc Linh có những tác dụng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường, kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Thới Nhâm - người có công thẩm định thành công giá trị của Sâm Ngọc Linh vào năm 1976 tại Ba Lan và giới thiệu sâm trong các hội nghị tại Nhật, Mỹ, Canada - thì sâm Ngọc Linh có những tác dụng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có như kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu (stress), chống ôxy hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường. |
Đặng Trung Hội