Giang Trạch Dân sắp bị bắt?
Trả lời phỏng vấn The Initium, một trang web tin tức mới, có trụ sở tại Hồng Kông, ông Hứa Gia Đồn, 100 tuổi, cựu cán bộ ưu tú của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho rằng Giang Trạch Dân có thể sắp bị bắt. Từ một năm qua, Bắc Kinh đã tiến hành cuộc chiến tâm lý để chuẩn bị cho điều này.
Ông Giang Trạch Dân |
Theo ông Hứa Gia Đồn, Trung Quốc, sau 30 năm cải cách và mở cửa, đã bất ngờ đạt được một mức độ phát triển mà phương Tây chỉ có được sau 300 năm công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, Giang Trạch Dân và Lý Bằng đã đặt lợi ích của mình lên trên hết trong suốt triều đại của mình. Ông Giang, cựu chủ tịch Đảng, và ông Lý, cựu thủ tướng của Trung Quốc, đã “tạo ra bè phái, tham gia vào các hoạt động tham nhũng với con cái của mình, và nuôi dưỡng ‘hổ và bầy ruồi’ ở khắp mọi nơi ở Trung Quốc”.
Tập Cận Bình khi lên nắm quyền lãnh đạo đã đưa ra thuật ngữ “hổ và ruồi” lúc bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng của mình vào năm 2013, để nói đến các quan chức cấp cao và cấp thấp của ĐCSTQ, những người đã bị biến chất và ăn hối lộ.
Ông Hứa Gia Đồn chỉ trích Giang Trạch Dân và Lý Bằng, những người kế thừa và tuyên truyền về chủ nghĩa tư bản quan liêu của cựu lãnh đạo Đảng tối cao Đặng Tiểu Bình, (một thứ chủ nghĩa được hiểu là) sử dụng quyền lực chính trị cho lợi ích tài chính và cá nhân.
Ông Giang đã xây dựng một mạng lưới chính trị rộng khắp trong thời gian đương chức của mình, và tiếp tục gây ảnh hưởng lên đời sống chính trị Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, sau khi chuyển giao vị trí lãnh đạo ĐCSTQ. Ông Giang chỉ từ bỏ vị trí chủ tịch quân ủy trung ương 3 năm sau đó. Con trai lớn là Giang Miên Hằng đã lợi dụng uy tín của cha mình để xây dựng một đế chế viễn thông, trong khi con trai út là Giang Miên Khang đã kiểm soát ngành giao thông công chính ở Thượng Hải.
Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu Thủ tướng Lý Bằng, trong nhiều năm là một nhân vật có thế lực trong ngành điện nhà nước, và cho đến năm ngoái là Giám đốc điều hành của Công ty Quốc tế Điện lực Trung Quốc (China Power International) ở Hồng Kông, là một công ty con của một trong 5 công ty điện lớn nhất của Trung Quốc. Trong năm 2015, Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra đã tiết lộ rằng Lý Tiểu Lâm và chồng mình đã có một tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ với khoảng 2,5 triệu USD, và hồ sơ Panama cho thấy bà Lý sở hữu một công ty nước ngoài tại quần đảo Virgin của Anh; công ty nước ngoài thường được sử dụng như là nơi ẩn trú thuế của những người giàu có.
Ông Hứa Gia Đồn đánh giá tương tự đối với Tập Cận Bình. “Sau Đại hội lần thứ 18, sự lãnh đạo Đảng của Tập Cận Bình đã không chỉ làm sạch các tầng lớp quan chức, phục hồi đức hạnh dân tộc truyền thống của Trung Quốc, mà còn bắt hổ và ruồi. Những con hổ đã bị bắt bất kể vị trí hoặc quyền lực như Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, và Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn Sơn trong quân đội; họ đã bị trừng trị, bị khai trừ khỏi Đảng, và xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Hứa nói.
Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn Sơn tất cả đều đã chiếm vị trí quan trọng trong mạng lưới chính trị do Giang Trạch Dân tạo ra.
Giang Trạch Dân đã có ý định cho cựu lãnh đạo Trùng Khánh Bạc Hy Lai thay thế Chu Vĩnh Khang như là trùm an ninh – và duy trì sự kiểm soát của mình – tại một hội nghị chính trị quan trọng trong năm 2012. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị thất bại khi cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đã tiết lộ cho người Mỹ âm mưu của Bạc và Chu nhằm cuối cùng thay thế Tập Cận Bình cho vị trí lãnh đạo Đảng, khi ông Vương đã cố gắng đào ngũ tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.
Khi gỡ bỏ bè phái của Giang trong quân đội, các nhà điều tra chống tham nhũng đã phải mang theo nhiều xe tải để chở đi những tài sản bất chính được tích lũy bởi Từ Tài Hậu , nguyên nhân vật quyền lực số 2 trong quân đội Trung Quốc (Nguyên phó chủ tịch quân ủy Trung ương) và Cốc Tuấn Sơn, nguyên Tổng cục trưởng tổng cục hậu cần.
Ông Hứa Gia Đồn nói chiến dịch chống tham nhũng còn chưa kết thúc. “Bây giờ, người ta đang thực hiện các bước để bắt những con hổ lớn hơn”, ông Hứa cho biết.
Trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đã được thực hiện với qui mô rất rộng lớn cho đến nay, chỉ còn lại một số “con hổ lớn hơn” sẵn sàng bị thanh trừng. Có lẽ, những nhân vật duy nhất phù hợp với mô tả này là Giang Trạch Dân và tay sai chính của ông ta, cựu phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng.
Năm ngoái, cơ quan ngôn luận nhà nước, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài xã luận, kêu gọi những đảng viên lớn tuổi hãy ngừng ngay việc can thiệp vào những vấn đề chính trị hiện nay. Sự việc trên đã được các nhà quan sát giải thích như lời cảnh báo công khai đối với Giang và Tăng. Một phiến đá lớn, mang thư pháp của Giang Trạch Dân, cũng đã bị chuyển đi không câu nệ ghi thức, ra khỏi lối vào Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh. Khi công chúng tham gia vào một cuộc suy đoán sôi nổi rằng đó là một đòn đánh vào Giang Trạch Dân, các cán bộ của trường Đảng đã nói rằng phiến đá đã được di chuyển vào bên trong khuôn viên nhà trường, mặc dù không rõ việc đó có đúng thực sự đã diễn ra hay không.
Các cử chỉ đe dọa tiếp tục diễn ra trong năm nay. Trong những bài phát biểu được công bố trong một cuốn sách và trên một phương tiện truyền thông nhà nước, Tập Cận Bình đã xác định Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Tướng Từ Tài Hậu, và hai người khác được Giang đỡ đầu, là có tội “đã thực hiện những âm mưu chính trị để phá hoại và chia rẽ Đảng”, và buộc tội một số đảng viên lớn tuổi là đang chơi “trò Thái Thượng Hoàng” phía sau “ngai vàng”.
Phương tiện truyền thông Trung Quốc trong năm nay đã tràn ngập với các báo cáo điều tra của các thanh tra kỷ luật nội bộ của Đảng, đối với các ban ngành và những công ty có liên quan đối với các con trai của Giang ở Thượng Hải. Các thanh tra chống tham nhũng mới đây cũng đã điều tra hơn 24 cơ quan chính phủ ở thành phố Thượng Hải, thành trì của nhóm Giang Trạch Dân trong một thời gian dài.
Hứa Gia Đồn là một người thận trọng trong việc phát ngôn. Từ cuối những năm 1970 đến những năm 1980, ông Hứa đã nắm giữ những vị trí nổi bật trong chế độ Trung Quốc: ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, chủ tịch tỉnh Giang Tô, và là người đứng đầu của cơ quan ngôn luận của Đảng – Tân Hoa Xã ở Hồng Kông, một sự hiện diện không chính thức của ĐCSTQ tại một thuộc địa cũ của Anh. Ông Hứa đã phải đến sống lưu vong tại Mỹ vào năm 1990 vì ông đã phản đối vụ thảm sát Thiên An Môn, và bị khai trừ khỏi Đảng vào năm 1991, sau khi Giang Trạch Dân, lãnh đạo vào thời kỳ đó, đã nghe phong phanh về sự ly khai đảng của ông Hứa. |
H.Phan