Thế giới trong mắt Donald Trump và Hillary Clinton
Qua tuyên ngôn tranh cử và các lần tranh luận trực tiếp và gián tiếp, hai ứng viên sáng giá nhất trên đường đua vào Nhà Trắng của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đã bộc lộ những quan điểm khác nhau về vai trò của Mỹ trên thế giới. Dưới đây là những điểm tương phản trong cách nhìn của họ về một số vấn đề lớn của nước Mỹ và toàn cầu.
Trung Quốc và Biển Đông
Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump thường xuyên đề cập đến Trung Quốc trong các bài phát biểu của mình. Vị tỷ phú 69 tuổi lúc thì mô tả cường quốc Á châu này như là một đồng minh của Mỹ, lúc lại gọi tên Bắc Kinh như là một trong những đối thủ hàng đầu của Washington, đặc biệt là khi nói đến chính sách kinh tế.
Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump - hai ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2017 - 2021 |
Ông Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ để giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước này trên thị trường toàn cầu. Nhà tài phiệt Mỹ cũng từng khẳng định Trung Quốc đang “giết chết” thương mại Mỹ, thậm chí còn so sánh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc không khác gì hành động cưỡng bức. Trump còn tuyên bố sẽ siết chặt nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc với mức thuế đến 45%, nếu trúng cử Tổng thống Mỹ.
Đối với vấn đề Biển Đông - một vấn đề đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, người gần như đã chắc suất là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa hứa hẹn sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông như một vật cản đối với các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc với các đảo nhân tạo ở đó.
Trong khi đó, ứng viên Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton lại liên tục chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Bà Clinton đã gọi mối quan hệ Mỹ - Trung hiện tại là “một trong những mối quan hệ khó khăn nhất của nước Mỹ”, dù vẫn khẳng định hai nước chia sẻ một “mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện”.
Về thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, bà Clinton cho biết bà đã rất nỗ lực để Trung Quốc đồng ý với tiêu chuẩn khí thải khí nhà kính mới. Với tư cách là người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ, bà cũng đã đưa ra một bài phát biểu năm 2010, trong đó tập trung vào vấn đề tự do internet và chỉ trích Trung Quốc, Tunisia và Uzbekistan về sự kiểm duyệt của họ trên Internet. Bài phát biểu này đã nhắc tới Trung Quốc 10 lần.
Bà Clinton phản đối Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), mặc dù trước đó, khi là Ngoại trưởng Mỹ, bà đã ủng hộ các cuộc đàm phán về thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử và là điểm mấu chốt trong chính sách ngoại giao của chính quyền Obama. Chính bà Clinton là một trong những quan chức Mỹ đã phát động một cuộc họp thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc, tập trung vào các vấn đề chiến lược và kinh tế vào năm 2009.
Nga
Trump khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và tin rằng, việc cải thiện quan hệ với Nga sẽ có lợi cho Mỹ.
Trái với Trump, bà Clinton không có nhiều thiện cảm với ông Putin và đã mô tả mối quan hệ giữa Mỹ và Nga là phức tạp. Khi được hỏi liệu bà có sẵn sàng ấn nút “tái khởi động” mối quan hệ Nga-Mỹ như cách bà làm 7 năm trước, bà Clinton khẳng định “quan trọng là tôi sẽ thu được gì”.
Châu Âu
Ông Trump đã chỉ trích gay gắt các nhà lãnh đạo châu Âu không làm nhiều hơn để chống lại những kẻ khủng bố trà trộn trong dòng người di cư Hồi giáo vào nước họ. Theo Trump, việc hạn chế về quyền sở hữu súng ở các nước châu Âu đã ngăn chặn người dân vô tội quyền tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công khủng bố.
Trump ủng hộ Anh nên rời khỏi Liên minh châu Âu. Thêm vào đó, Trump cho rằng, Đức và các nước khác hoặc nên trả nhiều tiền hơn cho Mỹ để được bảo vệ về quân sự, hoặc có nguy cơ mất sự hỗ trợ từ Mỹ.
Trái ngược với Trump, bà Clinton thường xuyên nói về việc hỗ trợ đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Nhưng bà cũng nói châu Âu nên làm nhiều hơn để theo dõi dòng chảy của chiến binh nước ngoài trở lại châu Âu từ Iraq và Syria, vì điều đó gây ra mối đe dọa khủng bố. Bà Clinton đã cảnh báo chống lại việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, kêu gọi châu Âu cần phải duy trì đoàn kết và Vương quốc Anh là một phần thiết yếu của EU.
Iraq
Trump chỉ trích quyết định xâm lược Iraq hồi năm 2003 của Tổng thống George W. Bush, nói rằng chiến dịch quân sự này đã tạo nên làn sóng bất ổn ở Trung Đông và đến nay vẫn khiến khu vực này chìm trong hỗn loạn. Ông Trump đã nói, ông phản đối cuộc xâm lược vào thời điểm đó, mặc dù những người chỉ trích nói, lập trường của ông về vấn đề này là không rõ ràng.
Trong khi đó, hồi năm 2002, khi là Thượng nghị sỹ bang New York, bà Clinton đã ủng hộ cuộc chiến tại Iraq. Nhưng sau đó, bà dần “tránh xa” khỏi những cuộc tranh luận về cuộc chiến này cũng như lên tiếng yêu cầu rút binh sĩ Mỹ khỏi Iraq. Bà đã đến thăm Iraq một lần duy nhất khi là Ngoại trưởng vào tháng 4 năm 2009. Bà đã chỉ trích quân đội Iraq đã không làm nhiều hơn để bảo vệ đất nước và ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời ca ngợi các lực lượng chiến đấu của người Kurd ở phía bắc Iraq.
Syria và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)
Trump nói rằng, ông sẽ không đưa ra một kế hoạch đầy đủ chi tiết để đánh bại các chiến binh IS vì điều đó sẽ làm mất đi yếu tố bất ngờ. Mặc dù xem Tổng thống Syria Bashar al-Assad là “nhà độc tài”, nhưng ứng viên Đảng Cộng hòa kêu gọi Mỹ không nên cố lật đổ ông này, bởi nước Mỹ đã có bài học từ cuộc chiến Iraq. Để đối phó với những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố, Trump đề xuất thay đổi quy tắc quốc tế, cấm quân đội sử dụng hình thức tra tấn. Ông cũng đề nghị sát hại thành viên gia đình của những kẻ khủng bố để “răn đe”.
Bà Clinton cho rằng, các lực lượng Hồi giáo Sunni và người Kurd nên đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống IS, đồng thời kêu gọi mở rộng các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria để đánh bại các mạng lưới khủng bố. Khác với Tổng thống Obama, bà Clinton ủng hộ lập vùng cấm bay ở Syria - một động thái có khả năng sẽ đưa Mỹ vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Triều Tiên
Trump nói ông ta sẽ gây sức ép đối với Trung Quốc - người ủng hộ duy nhất đối với Bình Nhưỡng về mặt ngoại giao và kinh tế, để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trump khẳng định rằng, ông sẵn sàng gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để thuyết phục Bình Nhưỡng ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân của nước này,
Trong khi đó, bà Clinton đã đề xuất biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên để buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, bằng cách sử dụng thỏa thuận Iran gần đây như là một mô hình.
Ông Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ để giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước này trên thị trường toàn cầu. Nhà tài phiệt Mỹ cũng từng khẳng định Trung Quốc đang “giết chết” thương mại Mỹ, thậm chí còn so sánh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc không khác gì hành động cưỡng bức. Trump còn tuyên bố sẽ siết chặt nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc với mức thuế đến 45%, nếu trúng cử Tổng thống Mỹ. |
Nguyễn Thủy