Thời khắc giải phóng Điện Biên qua ký ức vị tướng già
“Đứng trên đồi D1, nhìn từng đoàn lính Pháp vẫy cờ trắng xin hàng giữa núi rừng Điện Biên nồng nặc mùi thuốc súng, tôi thấy lòng rạo rực", thiếu tướng Bùi Đức Tùng nhớ lại thời khắc không thể quên.
Bước sang tuổi 84, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, nét mặt cương nghị, thiếu tướng Bùi Đức Tùng hào hứng kể về những ngày tháng khoét núi, đào hầm ở Điện Biên Phủ.
Năm 1947, cùng với hàng nghìn thanh niên xứ Nghệ, Bùi Đức Tùng rời làng quê nghèo xã Thạch Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) lên đường ra Tây Bắc. Ông được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội 3, Tiểu đoàn 542 thuộc Sư đoàn chủ lực 312 tham gia các chiến dịch chống Pháp ở Tây Bắc.
Sau khi chiến dịch như Biên giới, Tây Bắc, Hòa Bình, Thượng Lào thành công, đơn vị của Bùi Đức Tùng được điều động về đánh cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, sau khi chuyển từ chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, quân ta tiến công trong 3 đợt với hàng chục mũi tiến công vào các vị trí trọng yếu của địch từ phân khu bắc (gồm các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo), phân khu trung tâm (gồm cứ điểm đồi A1, C1, D1) và cuối cùng là dãy cao điểm quan trọng phía đông.
Trung đội 3 được giao đảm nhận mũi tấn công chủ lực từ hướng đông nam để đánh đồi Độc Lập. Nằm cách trung tâm Mường Thanh 4 km, đồi Độc Lập là một trong hai cánh cửa thép bảo vệ tuyến phòng ngự phía bắc của trung tâm Mường Thanh. Địch trang bị vũ khí hiện đại cho một trung đoàn Bắc Phi tinh nhuệ, thiện chiến trấn giữ vị trí này và được bổ sung một đại đội lính Thái. Xung quanh ngọn đồi là chằng chịt dây thép gai, các loại mìn. Việc tiêu diệt đồi Độc Lập là nhiệm vụ bắt buộc được đưa ra trong đêm 14/3/1954.
“Trời mưa như trút, bùn đất nhão nhoét, pháo hỏa tiễn của Pháp bắn liên hồi. Ban đêm, địch thả pháo sáng như ban ngày nên mọi di biến của quân ta đều phải rất cẩn thận để tránh bị phát hiện”, thiếu tướng Tùng nhớ lại thời khắc chuẩn bị khai hỏa đánh đồi Độc Lập.
Khi mọi phương án tấn công đã sẵn sàng thì đơn vị cối chi viện chưa thể đến vì trời mưa, bùn lầy lội ở các chiến hào khiến cho việc hành quân gặp khó khăn. Địch đã phát hiện, chống trả quyết liệt. Giờ khai hỏa vì thế bị lùi lại.
Đến 3h sáng, lệnh nổ súng bắt đầu, quân ta tiến lên nhưng gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Pháo binh nhích từng mét để đến trận địa trong khi đó các mũi chủ lực bắn dồn dập về phía trận địa của địch để yểm trợ.
Sau gần một giờ đấu pháo, hai bên giành nhau từng đoạn chiến hào. Cuối cùng các khối bộc phá phát nổ, phá tan các chốt chặn của địch. Trên thế tấn công như vũ bão, từng đoàn quân chủ lực ào ạt tiến vào các cứ điểm trung tâm. Một mũi chủ lực của ta bắt được tù binh và ép chúng dẫn thẳng đến trận địa pháo cối, phá hủy 4 khẩu 120 ly của địch. Bị mất một số vị trí, trận địa quan trọng nhưng địch vẫn cố chống trả, muốn kéo dài cuộc giao tranh đến sáng để chờ chi viện.
"Đến 6h30 sáng 15/3, không thể cầm cự hơn nữa, địch bỏ trận địa, tháo chạy về trung tâm Mường Thanh. Cứ điểm đồi Độc Lập bị tiêu diệt, quân ta đã hạ gần 500 tên địch, bắt sống hơn 200 tên, xóa sổ tiểu đoàn 5 Bắc Phi, tịch thu toàn bộ vũ khí”, thiếu tướng Tùng nhớ lại.
Sau khi các đồi Độc Lập, Him Lam, A1 bị quân ta chiếm, địch co cụm ở trung tâm Mường Thanh. Toàn bộ lực lượng chủ lực của quân ta được huy động tiến về tiêu diệt cứ điểm Mường Thanh, giải phóng Điện Biên.
Chiến sĩ Bùi Đức Tùng cùng đơn vị được lệnh đào hầm, công sự tiến về sân bay Mường Thanh. “Toàn bộ cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng được bảo vệ bởi hệ thống đồn bốt dày đặc, một số cứ điểm trên đồi cao chưa bị tiêu diệt sẵn sàng chống trả. Bộ đội ta được lệnh phải bí mật đào hầm, giao thông hào từ từ tiến về Mường Thanh. Ban ngày nằm trong hầm phía bìa rừng, đến 18h chiều, các mũi đào giao thông hào được ngụy trang kỹ bắt đầu lên đường, vừa đào vừa ngụy trang, che mắt địch”, ông Tùng nhớ lại.
Trong điều kiện gian khổ, hiểm nguy, nhưng các chiến sĩ Điện Biên như ông Tùng vẫn đào hầm liên tục từ 14 đến 18 giờ mỗi ngày. Nhiều chiến sĩ hai bàn tay phồng rát, mọng nước rồi dần dần chai sần. Lưỡi xẻng ngày đầu mới được phát sáng loáng, tròn trĩnh, sắc lẹm mà đến ngày đào xong chiến hào tiếp cận địch, đã mòn vẹt, chỉ còn trơ lại một mảnh sắt nhỏ, cong queo.
Những hôm mưa gió, việc đào giao thông hào rất cực. Hào đào đến đâu, bùn non lấp đến đó khiến cho việc di chuyển trong các hào trục rất khó khăn. Nhiều đoạn vừa phải đào hào, vừa bốc bùn non, vừa ngụy trang, che mắt địch và lấy sức bằng những vắt cơm đùm, cơm nắm trộn lẫn bùn.
Phát hiện nguy cơ từ những chiếc thòng lọng giao thông hào mà quân ta đang ngày đêm siết chặt, chia cắt cứ điểm Mường Thanh, pháo binh và không quân địch bắn phá suốt ngày đêm. Địch cũng nổ súng và gài mìn khắp ngả.
“Ban đêm đào hầm, chiến sĩ Điện Biên dù rất mệt, nhiều khi đói lả nhưng vẫn rất yêu đời. Những chiếc dù đen, trắng như chiếc nấm khổng lồ trên bầu trời thật đẹp. Nhiều chiến sĩ vừa đào giao thông hào vừa tịch thu dù địch để cải thiện vừa làm thơ: “Giặc thả dù trắng dù hoa/Bay cao, bay thấp, bay vào trận địa của choa”, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa kể lại.
Sau những ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, hàng trăm giao thông hào được hoàn thành như những chiếc thòng lọng sẵn sàng tiêu diệt toàn bộ cứ điểm của địch. Ngày 7/5, quân ta giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ.
“Đứng trên đồi D1 nhìn xuống, từng đoàn lính Pháp, lính Phi lủi thủi vẫy cờ trắng giữa khung cảnh núi rừng Điện Biên hùng vĩ, những khóm hoa ban rừng nở rộ cùng với mùi thuốc súng, thuốc pháo khét lẹt mà lòng thấy rạo rực, vui phơi phới cứ như trẻ con được quà. Mọi mệt nhọc đều tan biến đâu hết”, vị tướng già nhớ lại.
Sau khi giải phóng Điện Biên, chiến sĩ Bùi Đức Tùng lên đường vào chiến trường miền Nam. Ông gia nhập binh đoàn chủ lực quân khu 5, trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn như Đường 9 – Nam Lào, Mậu Thân 1968, Đông Dương, Sa Huỳnh, Ba Gia, Vạn Tường… và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp giải phóng Đà Nẵng, Quảng Nam.
Đất nước thống nhất, ông Bùi Đức Tùng tiếp tục tham gia công tác tại Quân khu 5, Quân khu 4 rồi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An. Năm 1983, ông được phong hàm thiếu tướng.
“18 tuổi vào lính rồi trở thành đảng viên, trực tiếp tham gia hầu hết chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, niềm vui lớn nhất của tôi là được chứng kiến những thời khắc huy hoàng, vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc, nhất là chiến dịch Điện Biên”, thiếu tướng Bùi Đức Tùng tự hào về quãng đời binh nghiệp của mình.
Sư đoàn 312, còn gọi là Sư đoàn Chiến Thắng, thuộc Quân đoàn 1 Quyết Thắng, là một trong những sư đoàn bộ đội chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, các đơn vị của Sư đoàn đã tham gia và giành thắng lợi ở rất nhiều chiến dịch như Biên Giới, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị của Sư đoàn đã tiêu diệt cứ điểm Him Lam, Độc Lập để mở màn và bắt sống bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm ngày 7/5/1954. |