Sửa đổi Thông tư 36: Liệu có dung hòa được lợi ích các bên?
Đánh giá về Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 trước đó với khá nhiều điều khoản “mở”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoERA) cho hay: “Thông tư thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của NHNN cho thị trường, cho các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) và đây là nhân tố tạo ra bước ngoặt của thị trường trong thời gian sắp tới”.
Trước đó, ngày 27/5, NHNN đã ban hành Thông tư 06, sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 36 theo hướng giảm hệ số rủi ro từ mức 250% xuống còn 200%, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 60% từ nay đến 31/12/2016, giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017 và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.
Ảnh minh họa. |
Về hệ số rủi ro giữ ở mức 200% thay vì 250% như dự kiến, ông Châu cho rằng: “Đây là sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN của NHNN”.
Ông Châu nói: “Hiện tín dụng cho lĩnh vực bất động sản phụ thuộc hai nguồn chính, vốn của người mua nhà góp vào dự án và vốn đi vay ngân hàng thương mại. Nếu nâng hệ số rủi ro đối với cho vay BĐS lên 250% - mức cao nhất trong bậc thang của thế giới ngay trong năm nay và năm sau sẽ khiến dòng vốn bị thắt cổ chai, nhiều DN sẽ chết đứng ngay bởi họ không thể vay được vốn do ngân hàng thương mại (NHTM) không giải ngân tiếp”.
Về hệ số rủi ro với BĐS, trước đó, tại trong dự thảo Thông tư 36 của NHNN, ban soạn thảo kiến nghị nâng hệ số rủi ro từ 150% (như hiện nay) lên 250% từ cuối năm 2016 và những năm tiếp theo. Đồng thời, hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% thay vì 60% như hiện để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia BĐS, hiệp hội đã lên tiếng phản bác, đồng thời kiến nghị chưa áp dụng thông tư, cần xem xét và sửa đổi vì hiện BĐS mới hồi phục trở lại, tổng dư nợ không lớn đến mức phải hạn chế.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: “Năm 2010, tổng dư nợ tín dụng vào ngành bất động sản đạt 360.000 tỷ đồng, đến năm 2015, tổng dư nợ đạt 390.000 tỷ, tăng 30.000 tỷ đồng, thực chất chỉ tăng chưa đến 10%. Con số đó lấy đâu ra nợ xấu, làm gì có tăng trưởng nóng? Trong khi DN, người dân chủ yếu nhờ vốn tín dụng để xây nhà, mua nhà nên họ cần được ngân hàng có chính sách đối xử lịch sự, khéo léo”.
Về quy định giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 60% từ nay đến 31/12/2016 và giảm dần các năm tiếp theo, nhiều ý kiến tán đồng bởi đây sẽ là phương pháp không gây sốc cho DN lại vừa đảm bảo an toàn ngành ngân hàng.
"Việc này giúp các DN có thời gian chuẩn bị nguồn vốn thực hiện các dự án dở dang; các ngân hàng cũng có thời gian chuyển đổi cơ cấu kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ, đồng thời tránh hiện tượng gây sốc do chính sách. Về lâu dài, quy định này sẽ giúp hệ thống ngân hàng trở về bản chất là một chủ thể hoạt động trên thị trường tiền tệ và phòng tránh nhiều rủi ro hệ thống tác động liên hoàn”, đại diện một DN BĐS nói rõ.
Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, dù sao thì hệ số rủi ro cho vay lĩnh vực BĐS 200% hiện nay vẫn cao và NHNN cần quy định sàng lọc dự án, tránh đánh đồng mọi DN bởi có những dự án triển khai tốt, giá tốt nhưng hệ số rủi ro cao quá sẽ vô hình chung làm khó DN.
Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: NHNN cần phân bất động sản thành 4 nhóm với các mức độ rủi ro khác nhau, như ít rủi ro hơn thì 160%, 170% chứ không phải tất cả đều 200%.
Nguyễn Tuyền