Bác Hồ với sự nghiệp thể dục thể thao nước nhà
Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vai trò sức khỏe con người, sức khỏe nhân dân...
Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn luôn dành thời gian thăm hỏi, tiếp xúc và thường xuyên xem xét các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) trong nước và quốc tế. Tự bản thân Người cũng luyện tập TDTT hàng ngày, bằng nhiều phương pháp sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe, điều kiện thời tiết, địa hình nơi ở và làm việc, động viên mọi người xung quanh cùng tập luyện.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục thể thao ngay sau khi ký Sắc lệnh thành lập Nha TDTT trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục,” ông Tạ Quang Chiến, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, người được chứng kiến khoảnh khắc đó kể lại. “Tôi khâm phục Người vì Người đã nói là phải làm bằng được, làm cho thật tốt để trở thành tấm gương cho toàn dân, toàn quân noi theo.”
Ngay trong những ngày đầu dành Độc lập, một trong những việc Người chú tâm và thực hiện đầu tiên chính là ký sắc lệnh thành lập Nha Thể dục thể thao (27/03/1946). Đây là cơ quan đặc trách công tác thể dục thể thao chính thống đầu tiên vì lợi ích toàn nhân dân và đất nước. Điều này chưa từng có trong lịch sử 4000 năm dân tộc Việt Nam.
"Mỗi một người dân yếu ớt là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe…” (Trích lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh) |
Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, ý tưởng cao đẹp đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân. Từ các công trường, xí nghiệp, nhà máy đến trường học, nơi đâu cũng hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. “Việc đó không khó khăn, tốn kém gì. Vì thế gái trai, già trẻ ai cũng nên làm, ai cũng làm được. Mỗi người khi ngủ dậy luyện tập thể thao, mỗi ngày một ít thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe”, Người căn dặn rất nhiều thế hệ người dân.
Cùng với thời điểm công bố Sắc lệnh, Hồ Chủ tịch viết bài “Sức khỏe và thể dục” trên báo “Cứu quốc”- Cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh – số 119 ra ngày 27/03/1946. Đây chính là lời hô hào đồng bào tập thể dục của Hồ Chủ Tịch. Bài viết thể hiện một hệ tư tưởng thống nhất của Hồ Chủ tịch đối với Thể dục thể thao.
Muốn có sức khỏe, phải tập luyện thể dục. Tất cả mọi người, già trẻ, gái trai ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Đó là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Phương pháp tập là thường xuyên hàng ngày và không khó khăn gì.
Như vậy, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về thể dục (tức TDTT ngày nay) là phát triển TDTT và sức khỏe của nòi giống, vì sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc, vì vinh dự và vinh quang của dân tộc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chủ tịch còn dành một lượng thời gian lớn, theo dõi, chỉ đạo, chăm sóc ngành TDTT. Trong năm 1946, Người nhiều lần đến thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên Trường cán bộ thể dục Việt Nam, lớp thể dục quân sự phổ thông Hà Nội. Trước khi sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau (tháng 10/1946), Người còn kịp gặp mặt cán bộ Nha thể dục và đại biểu các tỉnh để căn dặn: “Quần chúng không những phải tập luyện thể dục mà còn phải biết võ nghệ để bảo vệ đất nước!”
Tháng 11/1946, Người tới dự Lễ bế giảng khóa bổ túc của các cựu HLV Trường Cao đẳng Thể dục Phan Thiết và Đà Lạt. Nhiều lần, Người đến các địa điểm tập luyện ở Nha Đảo xảo (Cung văn hóa Hữu nghị hiện nay), Quảng trường Nhà hát Lớn, SVĐ SEPPO (Sân Hàng Đẫy hiện nay)… từ sáng sớm để động viên các lớp huấn luyện thể thao-quân sự phổ thông. Ngày 8/3/1946, Bác chính là người đá quả bóng danh dự, mở màn trận đấu giữa đội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu và Đội Vệ quốc Đoàn.
Trong thời kỳ sau 1954, Hồ Chủ tịch tiếp tục dành thêm thời gian cho những sự kiện TDTT quan trọng, đặt dấu mốc quan trọng cho toàn ngành như: dự khán các trận giao hữu giữa Thanh niên Hà Nội và Khmer trên SVĐ Hàng Đẫy (6/1957); ĐT Phnom Penh (Campuchia) và Hà Nội (24/8/1958); hay tham dự Lễ khai mạc ĐH Bơi lội thiếu niên miền Bắc lần I (1958, bể bơi Ba Đình), dự lễ bế mạc Đại hội TDTT Thủ đô lần I (1961); rồi tổ chức đón tiếp trọng thể các đoàn thể thao quốc tế, đặt mối quan hệ giữa ngành TDTT Việt Nam với các nước…
Ngày 19/12/1966, khi tiếp các đoàn VĐV đoàn TTVN tham dự GANEFO châu Á thắng lợi trở về (có các xạ thủ Trần Oanh, tay chạy Trần Hữu Chỉ, kình ngư Vũ Thị Sen…), Người nói: “Đánh giặc Mỹ gian khổ khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta có quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đặt thành tích, cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những VĐV của dân tộc Việt Nam anh hùng.”
Lê Hữu Tùng