Tin mới nhất về dự thảo Thông tư 36 siết tín dụng BĐS
Hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản sẽ được điều chỉnh từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự thảo Thông tư 36 trước đây.
Ảnh minh họa. |
Thời gian qua, những thông tin xoay quanh dự thảo Thông tư 36 luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, là tâm điểm tranh luận của giới chuyên gia, các nhà phân tích cũng như đại diện các Hội, Hiệp hội tại nhiều Hội thảo, diễn đàn. Vấn đề nên siết hay không nên siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và nếu siết thì siết như thế nào đã được đặt ra.
Ở chiều hướng thứ nhất, phản đối việc sửa đổi Thông tư 36 thì cho rằng việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40%, nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản từ mức 150% hiện nay lên mức 250% sẽ tác động tiêu cực đến đà phục hồi của thị trường.
Tuy nhiên, ở chiều hướng thứ hai, có ý kiến lại cho rằng là cần thiết bởi nếu tăng trưởng là tăng trưởng ở thị trường thứ cấp mua đi bán lại thì lại nguy. Bài học của những năm 2011-2012 vẫn còn nguyên giá trị. Cảnh người người, nhà nhà đi buôn bất động sản, tìm mọi cách huy động vốn, cả vốn ngân hàng lẫn vốn ngân hàng đổ vào bất động sản đã tạo lên hiện tượng đầu cơ, sốt ảo cần phải được nhìn nhận.
Và sau nhiều tranh luận, chiều 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, một trong những điểm “nóng” mức độ siết tín dụng vào kinh doanh bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh ở mức độ nhẹ hơn, thay vì nâng hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%, Thông tư 06 chỉ điều chỉnh tăng lên 200%.
Về cách xác định và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những biến động tiêu cực của thị trường, Thông tư 06 đặt lộ trình:
Từ ngày Thông tư 06 có hiệu lực đến 31/12/2016, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của: Ngân hàng thương mại là 60%; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 60%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 100%; ngân hàng Hợp tác xã là 60%.
Từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017, ngân hàng thương mại là 50%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 50%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%; ngân hàng Hợp tác xã là 50%.
Từ ngày 1/1/2018, ngân hàng thương mại là 40%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 80% và ngân hàng Hợp tác xã là 40%.
Trước đây, khi trao đổi với báo chí về dự thảo Thông tư 36, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 36 là để cảnh báo, phòng ngừa, kiểm soát tốt hơn các rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng có hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản hoạt động và phát triển hiệu quả, bền vững.
Hà Lê