Chuyên gia quốc tế nói gì về chuyến thăm Việt Nam của ông Obama?
Tổng thống Barack Obama ngày 25/5 đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định chuyến thăm này cho thấy một bước tiến lớn trong mối quan hệ Việt-Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch |
Giáo sư Jonathan London của Đại học Hồng Kông, một chuyên gia về Việt Nam, nói rằng: “Mọi người đều biết là mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội đang cải thiện, nhưng việc ông Obama đến đó vào thời điểm rất quan trọng này và với một hiệp định được công bố cho toàn thể thế giới biết đã có một ý nghĩa lớn cho mối quan hệ không những của 2 nước mà còn cho cả khu vực”.
Theo ông London, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trước tiên mang tính biểu tượng, bên cạnh những yếu tố trên thực tế phát sinh từ những hành động hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm khẳng định những yêu sách chủ quyền của họ.
“Sự nồng ấm hơn trong mối quan hệ Việt-Mỹ mở ra một cơ hội cho Việt Nam có khả năng tự vệ và độc lập trước Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ có khả năng cụ thể để phát triển những hệ thống và công nghệ mà họ có thể tiếp cận”.
Chuyên gia Jonathan London cho rằng trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, xã hội Việt Nam đang có một sự tiến triển, trở nên một xã hội đa nguyên, năng động hơn.
Ông London nhận định rằng, 41 năm sau khi các lực lượng Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam, hai nước cựu thù nay chia sẻ các lợi ích chiến lược cốt lõi lâu dài. Nhà phân tích về Việt Nam trích dẫn một khảo sát gần đây của tổ chức nghiên cứu Pew cho thấy đa số người Việt Nam có một cái nhìn tích cực đối với Mỹ, trái ngược hẳn với thái độ của họ đối với Trung Quốc.
Về phần mình, giáo sư Marvin Ott, một trong những nhà nghiên cứu Đông Á hàng đầu thế giới, thì cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama đã rất thành công. Ông Obama đã nỗ lực tạo ra những nền tảng cơ bản nhất để thúc đẩy tối đa quan hệ hợp tác an ninh chiến lược ngày càng gắn bó hơn giữa Việt Nam và Mỹ, tập trung không chỉ vào Biển Đông mà còn nhiều vấn đề khác. Mục tiêu đó đã đạt được và hai bên có nhiều lợi ích chung. Chuyến thăm của ông Obama đã làm rõ và củng cố nhận thức chung về các lợi ích chiến lược giữa hai nước.
Liên quan tới việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, ông Ott nói: “Tôi chỉ ngạc nhiên là ngay trước chuyến thăm thì cơ hội dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí vẫn còn là 50-50. Một số người cho rằng sẽ dỡ bỏ trong chuyến thăm còn một số khác có ý kiến ngược lại. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận cho thấy rằng mối quan tâm an ninh chiến lược của Mỹ đối với Biển Đông và vai trò tiềm tàng của Việt Nam tại đây đã trở thành một ưu tiên và ngày càng quan trọng”.
Người dân Việt Nam chào đón Tổng thống Obama |
Giáo sư Ott cho hay ông thực sự ngạc nhiên trước sự chào đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam đối với Tổng thống Obama. Theo ông, người dân Việt Nam sẽ không quá quan tâm đến chuyến đi này vì ông Obama là Tổng thống Mỹ thứ ba sang thăm Việt Nam nhưng trên thực tế thì sự tiếp đón là quá nhiều cảm xúc và quá ấn tượng, vượt khỏi sự hình dung của ông.
Ngoài việc coi trọng quan hệ với Mỹ hiện nay thì đây cũng là vấn đề mang tính cảm xúc. Sau khi trải qua một cuộc chiến tranh với những hệ lụy đau thương thì người dân Mỹ và Việt Nam đã nhận ra rằng họ có những điểm tương đồng cơ bản để rồi tìm được sự đồng cảm và quý mến nhau mà một minh chứng là sự thành công của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Thành công này một phần là do họ rất hòa đồng, đóng góp nhiều cho cộng đồng và giành được tình cảm cũng như sự tôn trọng của người Mỹ.
Liên quan tới bài phát biểu đầy ấn tượng và xúc động tại Hà Nội của Tổng thống Obama, giáo sư Ott nhận định, 40 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc, hai nước đã dần vượt qua quá khứ chiến tranh và mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương. Bài phát biểu của Tổng thống Obama được xem là sự tổng hợp toàn bộ tiến trình này, theo đó nỗi ám ảnh chiến tranh đã kết thúc và hai bên có đầy đủ điều kiện để hướng tới tương lai.
Việc ông Obama nhấn mạnh rằng nước lớn không được chèn ép nước nhỏ đã gợi cho giáo sư Ott nhớ lại Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội vào năm 2010, tại đó Ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ”. Phát biểu của Tổng thống Obama chính là lời đáp trả cho tuyên bố trên.
Trong một thế giới mà các quốc gia đều có chủ quyền, đều là thành viên của LHQ, quốc kỳ các nước đều được đặt ngang bằng nhau trong các hội nghị quốc tế, và các nước đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế thì ý tưởng nước lớn nghiễm nhiên có quyền chèn ép nước nhỏ đi ngược lại những quy định cơ bản của hệ thống quốc tế hiện nay.
Th.Long