Đẩy mạnh quản trị và tiết giảm chi phí
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, ngày càng có thêm nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Để bài toán sản xuất kinh doanh cho đáp án hiệu quả thì vấn đề khoán, quản trị và tiết giảm chi phí là yếu tố hết sức cần thiết đang được các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai tốt trong thời gian qua.
“Chìa khóa vàng” của nhiều đơn vị
Đối với Công ty Than Núi Béo, khoảng 10 năm trở lại đây công tác khoán, quản trị chi phí được xem như chiếc “chìa khóa vàng” giúp Than Núi Béo nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động khi mà bối cảnh kinh tế ngày càng gặp nhiều khó khăn. Do có sự quan tâm đặc biệt đến công tác này nên hiện nay Than Núi Béo đang là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn có riêng một phòng chuyên môn - Phòng Quản lý chi phí để đảm trách các việc liên quan đến khoán quản chi phí nội bộ toàn công ty. Việc này cũng cho thấy sự quan tâm cũng như chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Than Núi Béo với công tác này.
Được thành lập từ năm 2003, đến nay sau hơn 10 năm, Phòng Quản lý chi phí hoạt động rất hiệu quả. Những năm gần đây, Than Núi Béo gặp nhiều khó khăn do điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, diện khai thác và lòng moong chứa nước bị thu hẹp do đổ bãi thải trong, sản lượng than giảm… Do đó, một trong những giải pháp hàng đầu mà lãnh đạo công ty đặt ra chính là phải tăng cường và quyết liệt trong khoán quản trị chi phí; coi đây là mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm triển khai trong cả năm.
Cùng với việc tiết kiệm tối đa các yếu tố đầu vào, công ty tiếp tục duy trì khoán sản phẩm, chi phí sản xuất, khoán quản trị công nghệ, cho các công trường, phân xưởng, phòng, ban. Các đơn vị đã xây dựng chương trình hành động tiết giảm chi phí; thực hiện quản lý chi phí sản xuất hằng ngày và được toàn thể người lao động tham gia. Đối với chi phí nhiên liệu là một chi phí chiếm tỷ trọng cao, để chống thất thoát, công ty lắp đặt và khai thác có hiệu quả hệ thống cảm biến nhiên liệu, chương trình quản lý nhiên liệu trên mạng Internet để kiểm soát tiêu hao nhiên liệu đến từng đầu xe máy.
Đồng thời, công ty rà soát ban hành lại định mức kinh tế kỹ thuật theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật; cải tiến tổ chức quản lý để tiết giảm tiêu hao vật tư nhiên liệu. Một trong những biện pháp cốt lõi khác mà Than Núi Béo tập trung triển khai chính là bám sát để có những điều hành sản xuất linh hoạt, phù hợp; triệt để áp dụng các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, rà soát kỹ lưỡng từng thiết bị góp phần tăng năng suất, hiệu quả của thiết bị trong từng ca; chú trọng chăm sóc tốt thiết bị.
Mặt khác, công ty cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư trước khi nhập kho; nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tư vấn giá vật tư công ty; tập trung quản lý dòng tiền, tối ưu hóa các hoạt động tài chính để giảm chi phí lãi vay, đảm bảo hệ số nợ không được cao hơn hạn mức… Từng thành viên trong phòng tùy theo năng lực sẽ được phân công những nhiệm vụ cụ thể.
Với việc tham khảo phương pháp làm việc của các đơn vị bạn, nghiên cứu thực tế của công ty, các cán bộ của phòng đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xây dựng phương pháp hoạt động riêng cho Than Núi Béo: Áp dụng mô hình gắn kết quả quản lý chi phí với mức thưởng phạt một cách xứng đáng nhằm khích lệ công nhân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định quản lý ở công trường, phân xưởng, qua đó tuyên truyền và hướng dẫn đến người lao động.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phòng còn quan tâm phát huy sáng kiến, cải tiến trong quản trị chi phí, ứng dụng công nghệ tin học, tự thiết lập các phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công việc và hướng dẫn các đơn vị sản xuất áp dụng. Hằng năm, phòng duy trì có 2 sáng kiến trở lên hoặc giải pháp cải tiến nhằm tăng cường quản lý và làm lợi hàng chục triệu đồng.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Than Hồng Thái cũng đã thành lập tổ khoán, quản trị chi phí. Theo ban lãnh đạo công ty, việc thành lập tổ nhằm tạo sự phối hợp thường xuyên giữa các bộ phận và đưa ra một cơ chế khoán quản cụ thể. Các thành viên trong tổ phải có trách nhiệm tham mưu giúp giám đốc nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy chế khoán giá thành sản xuất.
Bên cạnh đó, các thành viên còn có trách nhiệm tổng hợp, theo dõi các định mức chi phí, giám sát chặt chẽ các yếu tố chi phí, tính đúng, tính đủ cho các đơn vị sản xuất trong quá trình nhận khoán. Công tác khoán quản trị chi phí thì không chỉ dừng lại ở mức độ giao khoán mà quan trọng nhất là công tác “quản”. Quản ở đây là công tác kiểm tra, kiểm soát và điều hành chi phí còn yếu, tạo ra động lực tiết kiệm chi phí. Và để làm tốt điều này thì tất cả đều phải cố gắng và ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong mọi hành động của mình. Một đơn vị thực hiện khá hiệu quả công tác khoán chi phí nữa là Công ty Cổ phần Than Hà Lầm. Theo đó, năm 2015 công tác khoán của Hà Lầm đã tiết kiệm được trển 3,2 tỉ đồng, sau khi bù trừ các yếu tố, đã tiết kiệm được hơn 1,1 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Trịnh, Chủ tịch HĐQT công ty, để công tác khoán, quản trị chi phí tiếp tục phát huy hiệu quả, hiện nay công ty đang tích cực triển khai công tác này, trong đó tập trung vào các giải pháp chính như: tăng năng suất lao động, làm than chất lượng, đổi mới cơ cấu tổ chức điều hành sản xuất hợp lý khoa học, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...
Khoán đi đôi với quản
Không thể phủ nhận những hiệu quả từ công tác khoán, quản trị chi phí trong những năm qua. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại nhất là việc triển khai khoán quản ở các đơn vị sản xuất. Đó là, ở một số công ty, hệ thống khoán quản trị nội bộ chưa được thiết lập một cách đồng bộ; sự phối hợp giữa các bộ phận chưa thường xuyên; quy chế khoán còn chưa rõ ràng về mức thưởng trên giá trị tiết kiệm, thường là cao hơn mức Tập đoàn quy định. Có nhiều đơn vị mới chỉ dừng lại ở việc giao “khoán” mà chưa chú trọng đến công tác “quản”. “Quản” ở đây, tức là công tác kiểm tra, kiểm soát và điều hành chi phí còn yếu, chưa tạo ra động lực tiết kiệm chi phí.
Thời gian tới, nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Do đó, theo chỉ đạo chung của ban lãnh đạo Tập đoàn, công tác khoán quản trị chi phí cần phải được kiện toàn thêm nữa. Cụ thể là: tập trung nâng chất lượng phẩm cấp than, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang đầu tư và tăng cường cải thiện điều kiện làm việc cho thợ mỏ… phấn đấu tiết giảm chi phí tối đa, duy trì sản xuất ổn định, từng bước vượt qua khó khăn, tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ đầu năm, Tập đoàn đã cân đối và giao kế hoạch tiết giảm chi phí cho các đơn vị sản xuất than. Cụ thể, so với định mức, các đơn vị phải quyết liệt triển khai tiết kiệm điện năng 10%; tiết giảm định mức chi phí quản lý, chi phí chung 8%, nhiên liệu 5%, tăng năng suất lao động 5%... Tuy nhiên, trước những khó khăn đã hiện hữu, Tập đoàn chỉ đạo cần tiếp tục tiết giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận đầu tư cho phát triển. Theo đó, từ quý II, TKV tiếp tục đẩy mạnh tiết giảm chi phí. Cùng với chỉ đạo này, Tập đoàn cũng chỉ đạo, các đơn vị mua tập trung các vật tư chiến lược, quản lý sử dụng vật tư theo đúng quy định; ưu tiên sử dụng sản phẩm nội bộ trong Tập đoàn; tăng cường huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các phương thức đầu tư và kinh doanh thông qua các giải pháp vay, trái phiếu... để huy động vốn xã hội cho sản xuất mà Tập đoàn vẫn đảm bảo chủ động quản lý một cách thống nhất, hiệu quả.
Minh Châu