Chuyện ít biết về ngôi chùa ông Obama sẽ ghé thăm
Những ngày này rất nhiều người quan tâm đến chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải Tự) bởi đây là di tích duy nhất tại TP HCM được Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm vào chiều ngày 24/5.
Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong tác phẩm “Sài Gòn năm xưa” thì kể về chùa Tàu, tại Sài Gòn, đường Phạm Đăng Hưng (đất Hộ) (nay là đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) có một ngôi chùa cũng lạ lắm.
Cái lạ ở đây được nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển miêu tả tỉ mỉ: “Chùa tạo lập lối năm 1905, ăn lạc thành năm 1906 trông có vẻ cổ kính vô cùng, hoa viên và cách sắp đặt phía trong đáng được liệt kê vào hàng kỳ quan tại Sài Gòn này lắm. Ấy là chùa Ngọc Hoàng, chữ viết “Ngọc Hoàng Điện”.
Về lịch sử ngôi chùa thì nhà chơi cổ ngoạn bậc nhất Sài Gòn Vương Hồng Sển cho biết, ông Lưu Minh, người Tàu, ăn chay ròng, giữ đạo “Minh Sư”, lập chí quyết đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập, vừa để thờ phượng vừa để làm nơi hội kín.
Chùa Ngọc Hoàng ở đường Phạm Đăng Hưng (Đất Hộ) - nay là "Phước Hải Tự" tọa lạc ở số 73 đường Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, quận 1, TPHCM (ảnh tư liệu trong cuốn "Sài Gòn năm xưa" của Vương Hồng Sển, NXB TPHCM, 1997) |
Bên trong chánh điện thờ đức Ngọc Đế, tiền điện thờ đức Thích Ca. Gần đó nữa có bụi tre già, dưới gốc cũng nhang đèn nghi ngút, trên nhánh tre nào quạt, nào tóc rối, nào chỉ quấn nùi, quạt tượng trưng cho mát mẻ, có lẽ hoặc của hai người bạn, vừa hết giận nay làm thân, hoặc của đôi vợ chồng sum hiệp sau những ngày hờn dỗi. Còn tóc rối, chỉ nùi tượng trưng những rối rắm trường đời nay cởi bớt treo dây cho nhẹ.
"Trước miếu có gian phòng bày cảnh thập diện và cảnh thiên đàng chạm trên mây rất đẹp, bên tả điện có treo bức tranh “Đạt Ma Tổ sư quá hải”, tranh vẽ trên giấy nét bút thần tình. Kế bên có thang đưa lên tầng lầu, nơi đây có thờ Quan Đế và bài vị những người có công tạo lập cảnh chùa. Bước ít bước tới có sân lộ thiên, đứng đây dòm bao quát thấy đủ nóc bắt bông bắt chỉ bằng đồ gốm tinh xảo vô cùng, lại thấy sự thâm ý hạn chế ánh sáng làm cho trong chùa có vẻ âm u huyền bí theo ý nhà kiến trúc sư tinh thông thuật tâm lý", nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển miêu tả.
Vị trí chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải Tự) ngày nay (ảnh: T. Thanh) |
Trải qua chiều dài lịch sử cả trăm năm, hiện nay chùa Ngọc Hoàng có tổng cộng trên 300 tượng thờ, được phân bố trong ba gian thờ. Gian ở giữa liền với cổng vào, là gian thờ các bậc thiên tướng và Ngọc Hoàng, theo thứ tự từ ngoài vào trong.
Thổ địa (bên trái cửa vào), Môn Quan (bên phải cửa vào). Phật Dược Sư, tượng phật duy nhất bằng gỗ trầm đặt trong lồng kính, ở giữa chánh điện. Thanh Long đại tướng (bên phải) và Phục Hổ đại tướng (bên trái).
Cung thờ Ngọc Hoàng ở giữa chính điện, cung thờ Chuẩn Đề Quan Âm bên phải và cung thờ Bắc Đế, tức Huyền Võ hay Trấn Võ bên trái.
Ở gian thờ Ngọc Hoàng có sáu pho tượng chính: bên phải gồm ba vị, với giữa là Quan Phu Tử (chủ về việc võ) và hai bên là Thiên Tướng và Thiên Thần. Ngoài ra, còn có các tượng thờ khác như: Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà tiên sư, Tề Thiên đại thánh, Quan Thánh đế quân, thần Nhật, thần Nguyệt, Long Mẫu nương nương, Tứ Đại kim quang, Thái ất chân nhân, Hòa thượng Đạo Minh, Khuyến thiện đại sư, hai quan văn, hai quan võ, hai đồng tử, Ông bà Thiên Lôi cùng bảy thiên tướng...
Đặc biệt chùa Ngọc Hoàng có gian thờ 12 bà mụ được dân gian cho là rất thiêng (dân gian còn gọi là Chùa Cầu Con). Theo lời kể của một số người bị vô sinh - hiếm muộn, có nhiều người đến đây kiên trì cầu cúng, sau có con và họ trở lại cúng tạ ơn 12 bà mụ. Trên thực tế nhiều ngôi chùa của người Việt hay chùa của người Hoa đều có thờ 12 bà mụ, như chùa Biên Hoà, chùa Phước Tường Thủ Đức, chùa Minh Hương Gia Thạnh Chợ Lớn…
Gian thờ 12 bà mụ sanh tại chùa Ngọc Hoàng |
Bộ tượng Bà Mẹ Sanh tại chùa Ngọc Hoàng, gồm 12 tượng bằng gốm men màu (Quảng Đông Diêu) do lò gốm Cây Mai sản xuất.
Từ lâu chùa Ngọc Hoàng là một trong những cơ sở tín ngưỡng dân gian thu hút đông đảo khách hành hương chiêm bái. Vào những ngày rằm, mùng một âm lịch, nhất là vào các ngày rằm lớn trong năm (15/1 âm lịch, 15/7 âm lịch, 15/10 âm lịch) khách đến lễ chùa đông đến hàng vạn người. Tuy nhiên, dịp lễ hội thu hút khách đông nhất là dịp lễ vía Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào dịp này, tối ngày mùng 8, vị hòa thượng trụ trì tổ chức tụng kinh cầu an. Cả ngày mùng 9 dành cho hàng chục vạn khách đến chiêm bái, có cả người Hoa và người Việt. Khói hương mù mịt khắp trong ngoài...
Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản điện thờ. Sau điện thờ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, Điện Ngọc Hoàng đổi tên là "Phước Hải Tự".
Ngày 15/10/1994, Phước Hải Tự được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia” và càng trở nên nổi tiếng, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến thăm quan hằng ngày.
Việc Tổng thống Barack Obama chọn Phước Hải Tự (Điện Ngọc Hoàng) là điểm tham quan trong hành trình công du tại TPHCM càng chứng tỏ giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của ngôi chùa trên 100 tuổi ở TP này.
Thiên Thanh