Trốn thuế, rửa tiền ở các thiên đường thuế
Hồ sơ Panama đang thu hút sự chú ý của mọi phương tiện truyền thông thế giới, sau khi hé lộ hoạt động “lách luật” nhằm trốn thuế và rửa tiền tại các “thiên đường thuế” của hàng trăm ngàn người, từ chính trị gia cho đến các doanh nhân, nghệ sĩ tiếng tăm trên thế giới. Vậy, làm thế nào để những người này có thể lợi dụng kẽ hở luật pháp ở các “thiên đường thuế” nước ngoài?
Điểm mặt các thiên đường thuế
Trước hết, cần phải hiểu về các “thiên đường thuế” và các “công ty bình phong”.
“Thiên đường thuế” là những quốc gia hay những lãnh thổ có thuế suất thấp hơn đáng kể so với các nước khác hoặc không đánh thuế đối với các công ty, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, những nơi đó phải duy trì được ổn định về chính trị, luật pháp, bảo đảm bí mật khách hàng.
Nghĩa là người ta có thể cho phép một đối tượng mở một tài khoản mà không cần biết đối tượng đó là ai và ở những nơi đó, thủ tục thành lập công ty rất dễ dàng, chi phí duy trì doanh nghiệp thấp, bảo mật được danh tính cổ đông và quyền tự chủ trong việc thiết lập mô hình doanh nghiệp.
Sau khi đăng ký thành lập và nộp lệ phí, doanh nghiệp gần như có một vỏ ốc an toàn mà không ai “dòm ngó” đến tình hình hoạt động kinh doanh lãi lỗ của mình.
Các thiên đường thuế - nơi che giấu hàng ngàn tỉ USD của giới siêu giàu và quyền lực quốc tế |
Trên thế giới có hàng chục nơi như vậy, phần lớn tập trung tại vùng Carribe, một số bang của Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương. Nổi tiếng nhất có thể kể đến các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Anh như quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman ở vùng Carribe, quần đảo Bermuda ở Bắc Đại Tây Dương, hay các nước Panama, Singapore…
Các thiên đường thuế từ bỏ quyền đánh thuế của mình. Vậy bù lại, họ được lợi ích gì? Lợi ích họ thu được chính là từ những khoản tiền gửi. Số tiền hiện đang nằm trong các thiên đường thuế ước tính lên đến hàng ngàn tỉ USD.
Lượng tiền này được gửi vào các ngân hàng tại thiên đường thuế, các ngân hàng tất nhiên không để khoản tiền này “chết” tại quỹ mà sẽ đem đi đầu tư khắp thế giới, từ đó thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Ngoài ra, phí dịch vụ mà họ nhận được từ các dịch vụ tài chính cũng không phải là nhỏ. Ví dụ, ngân hàng các dịch vụ tài chính bí mật chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của Liechtenstein. Lĩnh vực này giải quyết việc làm cho 14,3% lực lượng lao động và đóng góp 30% vào GDP trị giá 2,7 tỉ euro. Công quốc này có cả thảy 15 ngân hàng và hơn 300 người được ủy thác (thường là luật sư) điều hành hàng ngàn quỹ đầu tư.
Có thể nói, trên bản đồ thế giới, các thiên đường thuế chỉ là những dấu chấm nhỏ cả về diện tích lẫn dân số nhưng mỗi năm, hàng tỉ USD được luân chuyển vào hệ thống ngân hàng trên thế giới từ những địa danh này.
Về công ty bình phong
Khi đề cập đến thiên đường thuế, không thể nào không nhắc đến các “công ty bình phong” (offshore), hay còn gọi là “công ty vỏ sò” (shell company).
Offshore, như tên gọi, đăng ký hoạt động ở ngoài lãnh thổ của cá nhân hay doanh nghiệp đang cư trú, kinh doanh. Đặc điểm quan trọng của công ty bình phong là không có hoạt động kinh doanh thật sự, nhân sự hầu như không có, người đại diện thường được thuê, hoặc ủy thác và đăng ký kinh doanh ở các thiên đường thuế.
Mục đích phổ biến nhất của các công ty bình phong là tận dụng thuế suất rất thấp, thậm chí không có thuế ở các thiên đường thuế để trốn thuế, cũng như sự bảo mật thông tin ở những chỗ này. Bên cạnh đó, cũng có một số mục đích khác như rửa tiền, thực hiện các giao dịch tài chính phi pháp.
Một số lý do được cho là chính đáng hơn như: các doanh nhân dùng để bảo toàn tài sản của mình ở những nước mà họ dễ dàng bị trở thành “con mồi ”, qua việc mua các tài sản có nhiều giá trị như bất động sản, du thuyền, hay các tác phẩm nghệ thuật giá trị; lách chính sách kiểm soát ngoại tệ gắt gao; hoặc thu xếp tài sản thừa kế.
Trong những năm gần đây, những bí mật về ngành dịch vụ “công ty bình phong” được đưa ra ánh sáng ngày càng nhiều. Tiêu biểu là các vụ WikiLeaks (2010), Offshore Secrets (2013), Luxembourg (2014), Swissleaks (2015) và gần đây nhất là Hồ sơ Panama (2016).
Xét về quy mô, nếu như hồ sơ HSBC Thụy Sĩ bị rò rỉ với 3,3Gb dữ liệu thì Hồ sơ Panama lên đến 3.250Gb. Theo Hồ sơ Panama, có hơn 200 ngàn công ty bình phong đăng ký ở các thiên đường thuế, trong số đó được yêu thích nhất theo thứ tự là quần đảo British Virgin, Panama và Bahamas.
Họ đã trốn thuế, rửa tiền ra sao?
Nếu không có thiên đường thuế, khi có nguồn thu nhập, các tổ chức, cá nhân bắt buộc phải khai báo nguồn gốc của thu nhập.
Đồng thời, nếu thu nhập này lớn thì khoản thuế thu nhập phải đóng rất cao. Khi có thiên đường thuế, họ mở một tài khoản mới tại đây mà không cần phải khai báo thông tin. Việc không minh bạch về thông tin này thường được các đối tượng xấu lợi dụng triệt để để che giấu thu nhập bất chính và rửa tiền.
Bởi rõ ràng, tiền từ các tài khoản được lập ra mà không ai biết nguồn gốc hay chủ nhân thực sự của nó hoàn toàn có thể lại được đem đi đầu tư vào các hoạt động kinh doanh chính đáng khác.
Bên cạnh đó, các thiên đường thuế chính là mảnh đất màu mỡ để thực hiện hành vi chuyển giá - một thủ đoạn chính mà các tập đoàn/công ty đa quốc gia áp dụng để trốn thuế. Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia không theo giá thị trường, nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu.
Bản chất của hoạt động chuyển giá là việc lựa chọn nơi ưu đãi nhất để nộp thuế của một doanh nghiệp mà không làm trái các quy định pháp luật hiện hành. Nhờ vậy, giá cả có thể được doanh nghiệp điều chỉnh nhằm chuyển lợi nhuận đến các quốc gia đánh thuế thấp, còn chi phí được chuyển sang các nước đánh thuế cao.
Để đơn giản hóa, có thể hình dung mô hình “trốn thuế” theo phương thức chuyển giá như sau: Giả sử một tập đoàn đa quốc gia có công ty mẹ (A) đặt tại chính quốc, cung cấp nguyên liệu cho các công ty con (B) tại các nước đang phát triển. Ngoài ra, tập đoàn này còn lập ra một công ty bình phong (C) tại một thiên đường thuế nào đó để tối thiểu hóa số thuế phải nộp và tối đa hóa lợi nhuận.
Công ty C sẽ mua nguyên liệu từ công ty A với giá rẻ rồi bán cho công ty B với giá cao. Rõ ràng, hàng hóa nguyên liệu sẽ được vận chuyển trực tiếp từ A đến B, nhưng phần lớn lợi nhuận lại thuộc về C. Ở chính quốc, công ty A sẽ đóng thuế thấp do lợi nhuận thấp vì bán nguyên liệu giá rẻ cho C, còn ở các nước đang phát triển - phần thuế phải nộp cũng thấp, có khi chẳng tốn xu nào vì B kinh doanh không có lãi do nhập khẩu nguyên liệu từ C với giá cao.
Đó là chưa kể có khi công ty B còn được hưởng chính sách trợ thuế hấp dẫn từ các nước đang phát triển - vốn cần nguồn vốn đầu tư FDI.
Cần lưu ý là hàng hóa, nguyên liệu đó có thể không phải ở dạng vật chất hữu hình mà có khi chỉ là bản quyền sử dụng các phần mềm; bản quyền sử dụng nhãn hiệu, giấy phép; hay cả những thứ rất chung chung như là dịch vụ quản lý, dịch vụ tư vấn, thiết kế các giao dịch thương mại…
Về mặt này, các công ty công nghệ - vốn có vô vàn bản quyền trí tuệ để thuyên chuyển lòng vòng, chính là những bậc thầy của “nghệ thuật” chuyển giá. “Gã khổng lồ” tìm kiếm Google là một ví dụ.
Hồi năm 2012, Hãng tin Bloomberg từng “bóc mẽ” thủ đoạn trốn thuế của Google. Căn cứ vào một báo cáo của chi nhánh Google tại Hà Lan, Bloomberg cho biết, bằng cách chuyển trái phép gần 10 tỉ USD lợi nhuận từ các chi nhánh nước ngoài tới Bermuda - nơi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0, Google đã tránh khoản thuế 2 tỉ USD vào năm 2011.
Các nước đã đối phó ra sao?
Không chỉ làm rối loạn nền kinh tế thế giới, việc các cá nhân, tổ chức sử dụng những công ty bình phong và lợi dụng chính sách thuế vô cùng thuận lợi của những nơi được coi là thiên đường thuế còn khiến bất công xã hội ngày càng lớn. Những người nghèo phải trả cả phần thuế của những người giàu, thậm chí là giàu nhất trong xã hội.
Các thiên đường thuế rõ ràng chỉ làm lợi cho nhiều cá nhân giàu có và công ty đa quốc gia, các đối tượng muốn che giấu thu nhập bất chính từ tham nhũng, buôn bán vũ khí, ma túy... trong khi làm giảm khả năng thu hồi thuế của nhà nước, đặc biệt các nước nghèo phải chịu thiệt hại lớn nhất.
Có thể nói, giới nhà giàu và quyền lực - bằng cách giấu tài sản ở nước ngoài, đã chiếm đoạt của các quốc gia những khoản thuế cần thiết để phục vụ đầu tư cho các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Đó là cách làm lợi bất hợp lý từ sự mất mát của người khác.
Một nghiên cứu của tổ chức quốc tế Oxfam cho thấy, ước tính hằng năm, các nước châu Phi thất thoát nguồn thu thuế khoảng 14 tỉ USD Mỹ. Số tiền này đủ để chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, có thể cứu sống khoảng 4 triệu trẻ em một năm và đủ trả lương cho giáo viên để tất cả trẻ em ở các nước châu Phi được đi học.
Oxfam tạm tính rằng, nguồn thu thuế bị mất từ số tiền của một số cá nhân người Malawi, hiện đang giữ tại các tài khoản ngân hàng HSBC ở Geneva, bị tiết lộ trong vụ bê bối Swissleaks (vụ Ngân hàng HSBC ở Thụy Sĩ giúp hơn 100.000 người trốn thuế năm 2015), có thể trả lương cho khoảng 800 y tá trong một năm.
Trong khi đó, một nửa trong tổng số 16 triệu dân Malawi đang sống trong nghèo khổ. Hệ thống y tế còn không có đủ nhân viên và nguồn dược phẩm thiết yếu, trung bình chỉ khoảng 3 y tá cho mỗi 10.000 người dân.
Các quốc gia trên thế giới đã nhận thức được vấn đề bức xúc này từ lâu và trong những năm gần đây cũng đã có những biện pháp giám sát các công ty bình phong chặt chẽ hơn, chủ yếu tập trung vào yêu cầu minh bạch.
Chẳng hạn luật về thuế đối với tài khoản ở nước ngoài của Mỹ (FATCA-2010) với số lượng thỏa thuận liên quốc gia ngày càng tăng. Theo đạo luật này, công dân Mỹ khi mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài thì phải khai báo.
Hay như trong bộ luật thuế của Pháp có quy định: Nếu muốn trả chi phí cho một công ty đặt ở một thiên đường thuế, thì doanh nghiệp phải chứng minh chi phí họ trả là có thật và hợp lý. Trách nhiệm chứng minh là của doanh nghiệp chứ không phải của cơ quan thuế. Ngoài ra, nếu một công ty ở Pháp nắm trên 50% số vốn của một công ty ở thiên đường thuế, thì lợi nhuận của của công ty ở thiên đường thuế phải đóng thuế ở Pháp.
Bên cạnh đó, các nước G20 đồng ý vào năm 2017 hoặc 2018, những trao đổi thông tin giữa các cơ quan thuế sẽ hoàn toàn tự động. Công dân một nước mở tài khoản hay đầu tư ở một nước khác thì thông tin này sẽ được trao đổi.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, biện pháp triệt để nhất để giải quyết vấn đề vẫn là xóa sổ các thiên đường thuế. Đồng thời, các quốc gia phải cải cách hệ thống pháp luật theo hướng bắt buộc các công ty phải báo cáo công khai các hoạt động chịu thuế ở tất cả các quốc gia họ đang sản xuất và kinh doanh, cũng như đảm bảo tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ cần công khai thông tin về người chủ thực sự của các công ty và quỹ đầu tư
Theo số liệu về hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 tháng đầu năm 2016, có khá nhiều “thiên đường thuế” đang đầu tư ở Việt Nam. Trong số này, nhiều nhất phải kể tới là: Singapore với 1.600 dự án; Hongkong (1.018); quần đảo British Virgin (644); Quần đảo Cayman (70)… Ngoài ra còn có Luxembourg; New Zealand; Bermuda... Chẳng hạn, tính đến tháng 4-2016, các công ty đặt trụ sở tại quần đảo British Virgin đã đầu tư 19,7 tỉ USD với 644 dự án trên cả nước, ở nhiều lĩnh vực khác nhau (riêng tháng 4-2016, có 11 dự án đầu tư cấp mới với số vốn 34,6 tỉ USD). |
Linh Phương