Ngành than được xuất khẩu 2 triệu tấn than/ năm:
Khai thông ở nhiều mặt
Với sự đồng ý của Chính phủ, năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc sẽ được xuất khẩu 2,05 triệu tấn than/năm (trong giai đoạn 2016-2020). Việc xuất khẩu loại than chất lượng cao không những giảm thiểu sự lãng phí trong nước mà còn đem lại nhiều lợi thế cho TKV.
Xuất khẩu chủng loại đang dư thừa
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu 2,05 triệu tấn than có chất lượng cao mỗi năm, trong giai đoạn 2016-2020, trong số này có 2 triệu tấn thuộc về TKV và 50.000 tấn thuộc về Tổng Công ty Đông Bắc. Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cho điện, tính toán theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, cũng có sự tăng mạnh.
Như vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân bằng cung - cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước, với nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho điện trước, còn lại cân đối cho các hộ khác ngoài điện cũng cho ra kết quả, lượng than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sẽ dao động quanh mức 2,1 triệu tấn mỗi năm, từ nay tới năm 2030.
Sàng tuyển than tại Quảng Ninh |
Theo Bộ Công Thương, nếu sử dụng các loại than có chất lượng cao cho nhà máy nhiệt điện sẽ không tăng được giá trị gia tăng của các loại than này, dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả tài nguyên than. Trong khi đó, 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao có giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 đến 2 triệu tấn than cám cho sản xuất điện.
Các chuyên gia cũng cho biết, đặc thù của ngành khai thác mỏ không thể gia tăng đột biến sản lượng khai thác và thời gian đầu tư mỏ thường kéo dài 6-8 năm mới có thể khai thác được than. Vì vậy, để huy động tối đa sản lượng than đáp ứng cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu than cho điện tăng nhanh từ sau năm 2015, ngành than đã và đang đẩy mạnh công tác thăm dò, cải tạo mở rộng và nâng công suất các mỏ hiện có, xây dựng một số mỏ mới để chuẩn bị đủ diện tích khai thác, nhằm gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các hộ tiêu thụ trong nước.
Mang lại nhiều ưu đãi
Theo TKV, trong năm 2015, nhận thấy nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng cao, Chính phủ đã chỉ đạo dừng xuất khẩu nhiều loại than, trong đó có than cám, nhằm dự trữ nhiên liệu cho các nhà máy điện trong nước. Hiện nay, Việt Nam vẫn nhập than để phục vụ sản xuất điện và có xu hướng nhập nhiều hơn trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng Giám đốc TKV cho biết, sản xuất than phục vụ nhu cầu trong nước, đặc biệt cho điện là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TKV. Trong quá trình sản xuất, sàng tuyển than sẽ tạo ra những loại than chất lượng khác nhau. Trong đó, ngoài những chủng loại than phục vụ nhu cầu trong nước (đặc biệt cho phát điện) thì có những chủng loại than cục và than cám chất lượng cao tồn tại đồng hành trong cơ cấu sản phẩm sau sàng tuyển, chế biến.
“Hiện nay, trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết những loại than chất lượng này; nếu đem pha trộn để tạo những chủng loại than chất lượng thấp hơn cho nhu cầu trong nước thì sẽ lãng phí, không sử dụng hiệu quả tài nguyên than. Hơn nữa, nếu để lâu than tốt sẽ bị phong hóa, giảm chất lượng và giá trị. Trong khi đó, nếu xuất khẩu thì 1 tấn than chất lượng cao có thể mua được khoảng 2 tấn than cung cấp cho sản xuất điện”, ông Biên nói.
Phó tổng giám đốc TKV giải thích thêm, thực tế các nhà máy nhiệt điện trong nước chủ yếu sử dụng than anthraxit của Việt Nam có chất lượng thấp (nhiệt năng 4.800-5.600kcal/kg - các loại cám 5, 6, trong khi các loại than cục, than cám chất lượng cao (từ than cám 3 trở lên - có nhiệt năng từ 7200kcal/kg) cung cấp cho các ngành luyện kim có giá trị kinh tế cao lại dư thừa. Giá bán các loại than này cao hơn khoảng 2 lần so với than bán cho điện.
“Như vậy, xét về khía cạnh kinh tế, việc xuất khẩu các chủng loại than chất lượng cao sẽ mang lại giá trị cao”, ông Biên khẳng định.
Cũng theo Tập đoàn, những loại than chất lượng cao mà trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết như than cục 4, 5 và than cám 1, 2, 3 đang là những chủng loại phù hợp cho các ngành sản xuất hoá chất, sản xuất thép không gỉ tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cả hai nước trên đang có nhu cầu cao nhập khẩu các loại than tốt. Việc Việt Nam cho phép xuất khẩu than cục, than cám chất lượng sang Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn đã tạo điều kiện để Chính phủ Nhật Bản xem xét cấp tín dụng cho ngành than mà không cần bảo lãnh với lãi suất ưu đãi, thời hạn dài.
Ngoài ra, việc cho phép xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao sang Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn được Bộ Công Thương nhận định, sẽ là điều kiện để Chính phủ Nhật Bản tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, với lãi suất ưu đãi và thời hạn kéo dài khoảng 5 năm, cũng như Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Đó là chưa kể tới hàng loạt hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn Dầu mỏ khí đốt và Khoáng sản quốc gia Nhật Bản, đang trợ giúp thực hiện Dự án đào tạo nhân lực chuyển giao kỹ thuật khai thác và đảm bảo an toàn mỏ than, hiện đã bước sang năm thứ 14, với số tiền lũy kế là 85 triệu USD; hay Dự án Đào tạo nhân lực cho Trung tâm Quản lý khí mỏ, với kinh phí tương đương 100 triệu USD của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… chỉ để đảm bảo mua được than chất lượng cao của Việt Nam.
Trong khối lượng than xuất khẩu có điểm đến là Hàn Quốc với 1 triệu tấn/năm, theo Bộ Công Thương, điều này sẽ giúp ngành than có điều kiện khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài có bảo hiểm tín dụng Hàn Quốc.
Minh Châu