Các “ông lớn” FDI ở Việt Nam không nộp thuế: Lời giải từ hồ sơ Panama
Có những công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam hàng chục năm nhưng không nộp một đồng tiền thuế nào cho Nhà nước. Có những gia đình giàu có tuồn tài sản ra nước ngoài mà Chính phủ không thống kê được. “Bản thân số tiền không phạm pháp, chỉ có nguồn gốc số tiền mới có thể”.
Thiên đường thuế được nhiều cá nhân/tổ chức sử dụng để tối thiểu hóa số thuế phải nộp cho nước sở tại. |
Vén màn thủ thuật của các công ty đa quốc gia
Liên quan đến việc 189 người Việt và 19 công ty bị "điểm danh" tại hồ sơ Panama, chuyên gia tài chính Peter Pham (người đã có 15 năm kinh nghiệm tham gia thị trường vốn trong vai trò nhà đầu tư và giám đốc quản lý quỹ, nhà tư vấn thị trường vốn có uy tín trên bình diện toàn cầu) cho biết, thực tế việc các công ty đa quốc gia thành lập các công ty offshore ở các thiên đường thuế như quần đảo British Virgin, quần đảo Caymans hay Panama… đã có từ những năm 1970.
Theo phân tích của ông Peter Pham, một công ty đa quốc gia thường sẽ thành lập chi nhánh ở các nước để hoạt động. Những chi nhánh hoạt động hiệu quả sẽ chuyển lợi nhuận của mình về công ty mẹ. Như vậy phần thu nhập tạo ra sẽ bị đánh thuế bởi các chính phủ hoặc là ở công ty mẹ hoặc là ở chi nhánh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để tối thiểu hóa phần thuế phát sinh từ các thị trường nước ngoài, một công ty đa quốc gia sẽ thành lập thêm một công ty con trung gian ở các quốc gia thiên đường thuế.
Các công ty con này thường không thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể. Do đó, nó không cần quan tâm đến việc mua máy móc hay nhập hàng tồn kho. Các công ty này thường sẽ chỉ là một cái tên được đăng ký để hợp thức hóa hay tiến hành các thủ thuật kế toán để lách thuế phát sinh từ các quốc gia khác mà thôi.
Công ty mẹ sẽ chuyển một số tài sản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế hoặc phát minh cho công ty con ở thiên đường thuế. Công ty con này sẽ khai thác các bằng sáng chế/phát minh để hút phần lớn doanh thu tạo ra tại các công ty con ở các quốc gia khác thông qua hợp đồng sử dụng bản quyền với mức phí cao. Mức phí bản quyền cao dẫn đến kéo giảm lợi nhuận của các công ty con khác, do đó, giảm số tiền đóng thuế tại quốc gia nó đang hoạt động.
“Đó là lý do tại sao Coca Cola hoạt động ở Việt Nam suốt 20 năm nhưng vẫn không đóng một đồng thuế cho chính phủ Việt Nam” – chuyên gia Peter Pham nói.
Ông cho biết, việc cấu trúc này có hợp pháp hay không sẽ dựa trên liệu hợp đồng mua bán giữa các công ty con với nhau có phải là hoạt động chuyển giá để tránh thuế tại các quốc gia sở tại hay không.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, đối với các ngành nghề được mô tả ở trên, việc xác định có chuyển giá hay không rất khó vì chúng ta không thể dễ dàng lượng hóa được giá trị hợp lý của các hợp đồng liên quan đến sản phẩm sở hữu trí tuệ này.
Các công ty đa quốc gia có thể sẽ cấu trúc mô hình phức tạp hơn với sự tham gia luân chuyển dòng vốn qua nhiều quốc gia hơn. Bằng cách đó, nguồn lợi nhuận từ hoạt động quốc tế sẽ được giữ ở các thiên đường thuế mà không cần chuyển về công ty mẹ.
Như vậy vấn đề không phải là cấu trúc hoạt động của các công ty offshore (công ty ở hải ngoại) có hợp pháp hay không mà vấn đề là những hoạt động mà cấu trúc đó thực hiện có hợp pháp hay không.
Đằng sau hồ sơ Panama cho thấy nhiều vấn đề trong hệ thống quản lý thuế |
Ngoài ra, chuyên gia Peter Pham cũng khẳng định: Hoàn toàn hợp pháp cho các gia đình chuyển tài sản từ nước sở tại ra nước ngoài, miễn là họ có thể chứng minh được tính hợp pháp của nguồn gốc số tiền.
Theo đó, các gia đình hoàn toàn có thể mở tài khoản đầu tư ở các thiên đường thuế để giảm mức thuế từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành phi pháp khi các cấu trúc này nhằm vào hoạt động trốn thuế hoặc rửa tiền, thông qua việc chuyển những khoản tiền bất chính ở quốc gia sở tại của họ ra nước ngoài thông qua các kênh phi chính thức.
Chuyên gia này lưu ý rằng, có một số liệu mà dư luận cần quan tâm là cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam phản ánh tình hình thu chi ngoại tệ của quốc gia, xuất hiện những khoản “lỗi và sai sót” có giá trị âm rất lớn.
Lỗi và sai sót phản ánh những dòng tiền vào hoặc ra mà nhà nước không thể thống kê được. Điều này ngầm ý có một lượng tiền rất lớn từ Việt Nam chảy ra nước ngoài thông qua những con đường không chính thức.
Chỉ trong quý IV/2015, giá trị của khoản mục này đã là -5 tỷ USD. Số tiền là rất lớn so với mức dự trữ ngoại hối hiện tại vào khoảng 34 tỷ USD của Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa rồi.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc. Trước làn sóng giới nhà giàu Trung Quốc đang chuyển tài sản ồ ạt ra nước ngoài những năm gần đây, con số trên đối với Trung Quốc trong năm 2014 là đến 140 tỷ USD, so với mức dự trữ ngoại hối hiện tại là 3.220 tỷ USD. Đây có thể chính là những dấu vết để lại của các hoạt động chuyển tiền phi pháp, không rõ nguồn gốc ra nước ngoài.
“Chính do tính bảo mật của hoạt động ở các thiên đường thuế này rất cao, nên chúng ta rất khó có thể kiểm tra được liệu số tiền trong các tài khoản ở thiên đường thuế có đúng như những gì họ đã khai báo với cơ quan thuế ở nước sở tại hay không. Bản thân số tiền không phạm pháp, chỉ có nguồn gốc số tiền mới có thể” – chuyên gia Peter Pham đánh giá.
Do đó, sẽ có rất nhiều cá nhân và tổ chức trong đó có thể đang phạm pháp nhưng cũng có thể cũng nhiều cá nhân và tổ chức chỉ đơn thuần là tận dụng một cách hợp pháp những kẽ hở trong cấu trúc thuế toàn cầu để tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp và gia đình, vị chuyên gia kết luận.
Bích Diệp