Quốc gia nào đứng đầu hồ sơ Panama?
Ngày 9/5 vừa qua, Liên minh Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) lại tiếp tục công khai Hồ sơ Panama với danh sách liên quan 21.000 cá nhân và công ty, trong đó ba nơi đứng đầu về số đối tượng trong Hồ sơ là Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông và Đài Loan. Hiện vẫn còn một phần danh sách liên quan đến 150.000 đối tượng trong Hồ sơ Panama chưa công khai.
Ảnh minh họa. |
Tờ Tin sáng Nam Hoa đưa tin ngày 11/5, theo thông tin mới nhất, có 366.000 cá nhân và tổ chức trên toàn cầu có trong hồ sơ của công ty luật Mossack Fonseca, nhưng hiện mới công bố được 214.000 trường hợp. Trong danh sách đã công khai, Trung Quốc Đại Lục có 33.300 trường hợp, Hồng Kông có 26.000 trường hợp, Đài Loan là 19.600 trường hợp. Trong số cá nhân và tổ chức nằm trong danh sách Hồ sơ Panama, Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông chiếm 1/4 số trường hợp.
Trước đó có thông tin chỉ ra, số công ty nước ngoài của người Trung Quốc Đại Lục nằm trong Hồ sơ Panama là 4.188 công ty. Qua phân tích thời gian thành lập những công ty này cho thấy, thời đỉnh cao thành lập vào năm 2006 và 2007, lần lượt là 706 và 610 công ty. Trong cơ sở dữ liệu cho thấy rất nhiều nhân vật nổi tiếng đứng chung tên với các quan to cấp cao của chính quyền Trung Quốc.
Khoảng 2 giờ chiều ngày 9/5, trang mạng của Liên minh Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) lại tiếp tục công khai Hồ sơ Panama với danh sách 20.000 công ty liên quan số người thuộc hơn 200 quốc gia và khu vực. Kho số liệu này hoàn toàn khớp với tài liệu mà công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị đánh cắp và thông tin ICIJ điều tra về tình trạng trốn thuế trước đó. Danh sách 200.000 công ty này liên quan đến 21 thiên đường trốn thuế “từ Hồng Kông đến Nevada ở Mỹ”. Tuy nhiên ICIJ từ chối cung cấp mọi thông tin cụ thể trong Hồ sơ, như tài sản của người liên quan và chi tiết hợp đồng.
Trước đây, giới truyền thông đã 3 lần đưa tin về Hồ sơ Panama (ngày 3/4, 6/4 và 3/5), trong đó liên quan đến nhiều người thân của các quan chức cấp cao Trung Quốc: con rể Lý Bác Đàm và cháu ngoại Lý Tố Đan của ông cựu Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc Giả Khánh Lâm; em trai Tăng Khánh Hoài của ông Tăng Khánh Hồng; con gái Trương Hiểu Yên của ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay là Trương Cao Lệ; con dâu Giả Lập Thanh của ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn… Những quan chức này đều thuộc phái Giang.
Ngày 8/4, thành viên Olay Shan của ICIJ, người phụ trách bộ phận Trung Quốc trong Hồ sơ Panama đã trả lời VOA rằng, cô hy vọng kho dữ liệu này sẽ có tác dụng hỗ trợ quan trọng trong công tác thống tham nhũng ở Trung Quốc Đại Lục hiện nay.
Sau đó vào ngày 15/4, nhiều học giả đã lên tiếng chia sẻ trên VOA rằng, đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử, hé mở nhiều bí mật của thời đại. Chính quyền Trung Quốc chịu một cú đánh chí mạng.
Lúc đầu, Hồ sơ Panama chỉ thu hút sự quan tâm của khoảng 370 phóng viên thuộc hơn 100 cơ quan truyền thông đến từ 80 quốc gia. Họ đã phát hiện trong danh sách có quá nhiều nhân vật tai to mặt lớn sở hữu công ty ở nước ngoài, trong đó có 140 chính trị gia với 12 lãnh đạo cao nhất (đương nhiệm và mãn nhiệm) cùng các tỷ phú, ngôi sao thể thao, buôn lậu ma túy và thành viên mafia. Có ít nhất 33 cá nhân và công ty nằm trong danh sách đen của chính phủ Mỹ vì liên quan giới trùm ma túy Mexico hoặc quốc gia hiếu chiến như Iran và Bắc Triều Tiên.
Hồ sơ Panama tiết lộ tài sản ngầm của giới tai to mặt lớn tại nhiều nước đã gây chấn động thế giới, đã khiến Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và Bộ trưởng Công nghiệp, Năng lượng và Du lịch Tây Ban Nha Jose Manuel Soria phải từ chức. Thủ tướng Anh David Cameron cũng buộc phải trả lời chất vấn về một quỹ ủy thác do người cha của ông thành lập ở nước ngoài.
Tinh Vệ