Ba giải pháp quan trọng của ngành than
Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả, đẩy mạnh sản xuất và quản trị chặt chẽ chi phí, tiết kiệm tiêu dùng là một trong ba giải pháp quan trọng hàng đầu của Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong giai đoạn hiện nay.
Đẩy mạnh đầu tư các mỏ mới
TKV đã xác định chiến lược phát triển bền vững là: "Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh, thân thiện với môi trường, hài hòa với địa phương và cộng đồng; hài hòa với đối tác và bạn hàng; hài hòa trong nội bộ và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, viên chức và người lao động".
Tập đoàn đang tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông và khôi phục, cải thiện môi trường; khắc phục cho được sự bất cập giữa kết cấu hạ tầng và sự gia tăng sản lượng than; giữa ô nhiễm môi trường và sự gia tăng sản lượng than. Cùng với quá trình trên, thời gian qua Tập đoàn và các công ty thành viên đã và đang đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa nhằm nâng cao mức độ bảo đảm an toàn lao động và nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tất cả những giải pháp trên đều vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu than cho ngành điện và các ngành khác đang gia tăng từ nay đến 2020 theo Quy hoạch ngành đã được phê duyệt.
Đổi mới công nghệ trong khai thác hầm lò |
Theo đó, một số dự án đi vào sản xuất đang được Tập đoàn đẩy mạnh triển khai như: Dự án đầu tư khai thác phần lò giếng mỏ than Khe Tam - Công ty Than Dương Huy (công suất 2,5 triệu T/N); Dự án khai thác hầm lò phần mở rộng mỏ Suối Lại - giai đoạn I (công suất 0,7 triệu T/N); Dự án Đầu tư khai thác phần dưới -50 - Công ty Than Hà Lầm (2,4 triệu T/N); Dự án khai thác hầm lò xuống sâu dưới mức -35 khu Lộ Trí - Công ty Than Thống Nhất - TKV (công suất 2 triệu T/N); Dự án đầu tư mở rộng nâng công suất khu Tràng Khê, Hồng Thái (mỏ Tràng Bạch) - Công ty Than Uông Bí (công suất 1,2 triệu T/N); Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác phần lò giếng mức +0-:- -175 khu Vàng Danh - Mỏ than Vàng Danh (công suất thiết kế 1,5 triệu T/N)...
Ngoài ra, TKV đề nghị các đơn vị tiếp tục thi công đẩy nhanh các dự án đã khởi công như: Dự án đầu tư khai thác hầm lò Mỏ Khe Chàm II-IV (công suất 3,5 triệu T/N); Dự án đầu tư khai thác hầm lò xuống sâu dưới mức -150 - Công ty Than Mạo Khê (công suất 1,5 triệu T/N); Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo (công suất 2 triệu T/N); Dự án đầu tư XD CT Nhà máy sàng - tuyển than Khe Chàm...
Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (điều chỉnh), sẽ đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ (Cẩm Phả 4 dự án, Hòn Gai 4 dự án, Uông Bí 1 dự án); đầu tư xây mới 41 dự án mỏ (Cẩm Phả 17 dự án, Hòn Gai 7 dự án, Uông Bí 17 dự án). Bên cạnh đó, đầu tư cải tạo mở rộng các dự án mỏ lộ thiên hiện có theo hướng đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng bộ để gia tăng sản lượng khai thác; đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương. Với bể than sông Hồng, giai đoạn 2021-2030, đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò, làm căn cứ cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp và/hoặc triển khai thêm một số dự án thử nghiệm (nếu cần thiết) để lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác hợp lý.
Đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm
Theo Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, năm nay TKV sẽ tập trung tăng năng suất lao động và hiệu quả công việc; nhân rộng phong trào giành năng suất dẫn đầu Tập đoàn đối với tập thể tổ, đội, phân xưởng trong các nghề khai thác, chế biến than, khoáng sản.
Cùng với việc thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng các hạng mục công trình thuộc các dự án đầu tư phát triển mỏ; cơ giới hóa trong khai thác và xây dựng mỏ hầm lò, sửa chữa thiết bị quan trọng… trong chương trình mục tiêu nâng cao công suất mỏ, năng suất khai thác, chế biến than, khoáng sản cũng như các nhà máy luyện kim, cơ khí, sản xuất vật liệu nổ, nhà máy điện, Tập đoàn cũng đảm bảo tiến độ các công trình nhằm cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện ăn, ở, đi lại, sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe người lao động.
Ngoài ra, TKV cũng sẽ thực hiện các chuyên đề như cơ giới hóa trong khai thác; xây dựng mỏ hầm lò, thực hiện công nghệ đào lò chống bằng vì neo, an toàn lao động và bảo vệ môi trường, an toàn trong ngành sản xuất điện, ngành sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, quản trị và tiết kiệm chi phí và phong trào văn hóa, thể thao tại cơ sở và khu dân cư mỏ. Có thể nói, tất cả các sản phẩm do TKV sản xuất hiện đang có nhu cầu cao trên thị trường trong nước và thế giới, vì vậy đẩy mạnh sản xuất không chỉ có vai trò cùng cả nước kiềm chế lạm phát mà còn là cơ hội kinh doanh tốt cần phải được vận dụng.
Ðảng ủy, HÐQT và Tổng giám đốc Tập đoàn đã quán triệt kỹ các chủ trương và giải pháp đẩy mạnh sản xuất với lãnh đạo các công ty thành viên và công nhân, viên chức để mọi người cùng cố gắng không những chỉ hoàn thành mà phải hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh đã đề ra, cung ứng đủ hàng hóa, nhất là than cho thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Một điều kiện quan trọng được đặt ra cho việc tăng sản lượng là phải bảo đảm các chỉ tiêu công nghệ, an toàn lao động và an toàn môi trường.
Giải pháp mạnh nhất mà Tập đoàn và các công ty thành viên áp dụng trong năm nay là hợp lý hóa tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, đồng thời với việc tạo ra động lực mạnh thúc đẩy công nhân, cán bộ tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Tiết kiệm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh luôn là một trong các giải pháp hàng đầu của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay khi giá cả biến động với biên độ lớn có lúc khó lường thì sự tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, nhân công càng trở nên cấp thiết. TKV đã xây dựng phương pháp và phần mềm quản trị chi phí theo cách tính chi phí theo công đoạn sản xuất thay cho cách tính chi phí theo bảy yếu tố hình thành.
Khoán chi phí đến tổ sản xuất
Vài năm trở lại đây, TKV đã tổ chức khá hiệu quả công tác khoán chi phí cho các tổ, đội sản xuất và Tập đoàn khoán chi phí cho các công ty thành viên trên cơ sở các chỉ tiêu công nghệ và định mức kỹ thuật - kinh tế tiên tiến. Cơ chế khoán - quản chi phí này đã tạo ra sân chơi công bằng cho các công ty thành viên và cho phép mỗi công ty con và công ty mẹ chủ động quản trị chi phí, quản trị doanh thu và lãi của mình. Công ty nào thực hiện chi phí thấp hơn mức khoán thì giám đốc và tập thể người lao động được thưởng, ngược lại phải giảm trừ lương và giám đốc có thể bị thay thế mà không phải chờ đến khi xuất hiện lỗ.
Tập đoàn đã đưa thẳng vào kế hoạch khoán chi phí cho các công ty thành viên việc giảm chi phí do áp dụng kết quả nghiên cứu sử dụng máy biến tần và khởi động mềm để tiết kiệm điện và sử dụng các phụ gia để tiết kiệm nhiên liệu. Chỉ riêng việc sử dụng máy biến tần và khởi động mềm có thể tiết kiệm 5-10% suất tiêu hao điện tính trên một tấn than. Tương tự nơi nào có thể sử dụng phụ gia na-nô, nơi ấy có thể tiết kiệm 3% nhiên liệu.
Các công ty trong Tập đoàn cũng sắp xếp, tổ chức sản xuất hợp lý sao cho tránh sử dụng nhiều điện trong giờ cao điểm; các mỏ than thường tập trung bơm nước vào ban đêm để góp phần bình ổn lưới điện và được hưởng giá điện thấp. Như vậy, việc tiết kiệm chi phí trong ngành than - khoáng sản được thực hiện chủ yếu bằng các giải pháp công nghệ và tổ chức sản xuất, đồng thời cần có những cơ chế - chế tài rõ ràng cho để việc tiết kiệm chi phí tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa trong những năm tới.
Nguyễn Kiên