Không bị ăn đòn mới là lạ!
Việc hai phóng viên đã dũng cảm đi điều tra ở cơ sở là đáng khen, nhưng đi điều tra mà lại không có phương án bảo vệ thì quả thật khi bị lộ, nếu không bị ăn đòn mới là chuyện lạ.
Dư luận lại một lần nữa tập trung sự chú ý vào hai phóng viên Trịnh Lưu Tuấn (37 tuổi) và Phùng Văn Định (32 tuổi), là phóng viên của Trung tâm tin tức VTV24 - Đài truyền hình Việt Nam đã bị đánh, bị chém khi đột nhập vào một nơi sản xuất trà và dùng camera quay lén cảnh sản xuất ở đây. Việc hai phóng viên này bị đánh, đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề mà chúng ta nên suy nghĩ bàn luận một cách thấu đáo.
(Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, phóng viên khi đi tác nghiệp ở một địa điểm nào đó, gặp gỡ ai mà không có giấy giới thiệu, không xuất trình thẻ nhà báo, không nêu mục đích chuyến làm việc của mình thì bất luận thế nào cũng không được coi là hợp pháp. Việc phóng viên tổ chức điều tra bí mật là thể hiện sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm của phóng viên đối với nghề nghiệp. Nhưng về cơ bản, pháp luật không cho phép những cách tác nghiệp kiểu này, và nếu có xảy ra rủi ro thì phóng viên phải chịu. Bởi khi anh đã lọt vào nhà người ta, anh quay phim trộm, ghi âm trộm, thì bất luận lý do gì cũng đều không phải hợp pháp.
Thứ hai, việc phóng viên đi thực hiện cuộc điều tra và áp dụng biện pháp quay phim trộm, ghi âm trộm cần phải được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan báo chí đó. Hay nói một cách cụ thể, trước khi làm việc này phải xây dựng kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ và phải có sự bảo vệ. Việc bảo vệ này được tiến hành như thế nào là do tùy tính chất của việc điều tra.
Nhân chuyện này, tôi xin kể lại việc cách đây 16 năm, khi tôi được Tổng biên tập báo An ninh thế giới Hữu Ước giao cho đi viết phóng sự “Con nhà giàu phạm tội”. Để có được tài liệu về sự ăn chơi của đám con nhà giàu, tôi phải tìm cách lọt được vào một ổ, uống thuốc lắc và nhảy nhót. Nhưng để làm được việc này, ông Hữu Ước đã phải trao đổi chỉ huy Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Hà Nội. Phòng CSHS đã lập một kế hoạch hết sức chi tiết, đồng thời xây dựng phương án bảo vệ tôi nếu trong trường hợp bị lộ - là phóng viên vào thâm nhập thực tế. Kế hoạch đó được ông Nguyễn Đức Bình - khi ấy là Trưởng phòng CSHS báo cáo lên Giám đốc CA TP Phạm Chuyên và đã được phê duyệt. Người dẫn tôi đi và thâm nhập vào ổ đấy là trinh sát hình sự Đào Thanh Hải, đồng thời còn có một số trinh sát khác đi theo để bảo vệ…
Một việc nhỏ như vậy mà còn phải cẩn thận vô cùng, huống chi là phóng viên “đột nhập” vào một nơi sản xuất trà, mà nghi có dấu hiệu làm ăn không đàng hoàng.
Việc hai phóng viên đã dũng cảm đi điều tra ở cơ sở sản xuất trà này là đáng khen, nhưng đi điều tra mà lại không có phương án bảo vệ thì quả thật khi bị lộ, nếu không bị ăn đòn mới là chuyện lạ.
Trong bối cảnh xã hội ta hiện nay, tình hình an ninh trật tự luôn có nhiều phức tạp. Thế nên, các phóng viên đi viết điều tra chống tiêu cực, trước hết cần nắm vững quy định của pháp luật, cho phép người phóng viên được làm những gì. Còn khi anh đã định “vượt rào”, thì bản thân người phóng viên và tòa soạn phải có cách tự bảo vệ.
Phóng viên đài truyền hình bị chém trọng thương khi tác nghiệp Ngày 10/5, Công an huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang tạm giữ Nguyễn Duy Tùng (26 tuổi, ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) về hành vi cố ý gây thương tích. |
Lại có thêm phóng viên bị hành hung Phóng viên Quang Tới (công tác tại báo Bảo vệ Pháp luật) đã bị một nhóm người hành hung tại tỉnh Bắc Ninh. |
Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII diễn ra tại Nhà Quốc hội mới đang thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước. |
Nguyễn Như Phong