Quy hoạch chung Hà Nội: Cần công khai toàn bộ quá trình triển khai quy hoạch
Từ 1/8, người dân có thể tự do xem đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, điều mong mỏi nhất của người dân là sự công khai trong đồ án Quy hoạch chung này không chỉ dừng lại ở việc công bố mà trong toàn bộ quá trình triển khai Quy hoạch...
Trả lời PV, ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, số phận của các dự án "nằm thở” chờ Quy hoạch Thủ đô thông qua vẫn chưa được định đoạt. Bởi, thời điểm thống kê hơn 750 dự án trình Thủ tướng là trước khi Quy hoạch Thủ đô được thông qua. Đến thời điểm này, đã hai lần tiến hành rà soát, nhưng Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến chính thức về số phận của các dự án này. Chính vì vậy, dự án nào bị đình hoãn, dự án nào buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch chung vẫn đang chờ kiểm tra làm rõ.
Ông Định cũng khẳng định rằng, số phận của các dự án ra sao hiện thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội. Theo phân công nhiệm vụ của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, việc thực hiện quy hoạch phân khu hiện thuộc trách nhiệm của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
Trước đó. bên lề lễ công bố Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng chiều 29/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng khẳng định, Bộ Xây dựng không vẽ đồ án Quy hoạch chung Thủ đô trên một tờ giấy trắng mà vẽ trên hiện thực đang có, đã tính đến sự tồn tại của hơn 750 dự án. "Thực chất các dự án đó đều được nghiên cứu để xây dựng ý tưởng cho đồ án quy hoạch. Một trong những cơ sở của đồ án quy hoạch chung này là đã có nghiên cứu từ các dự án đó, chứ không phải không để ý đến chúng và làm quy hoạch trên tờ giấy trắng. Vì thế sắp tới có những dự án sẽ phải được cập nhật, theo đồ án quy hoạch chung, tức là có những dự án phải điều chỉnh vì liên quan tới hệ thống giao thông rồi cốt nền khác nhau… Những dự án đã được duyệt cũng phải điều chỉnh quy mô, mật độ cho phù hợp trên cơ sở mô phỏng cho phù hợp quy hoạch chung. Sau giai đoạn này, việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu cụ thể mới có thể xác định rõ”, ông Toàn nói.
Số phận những dự án trong vành đai xanh, theo ông Toàn, đối với vành đai xanh sông Nhuệ, Thủ tướng đã có thông báo phân ra làm 3 loại rõ ràng: làng xóm, trường học, trạm xá của dân cư hiện hữu; các dự án đã và đang triển khai ở mức độ gần hoàn thiện và các dự án chưa triển khai. Đặc biệt với dự án chưa triển khai thì phân định rõ giữa cái nào đã đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện thuế, thu nhập tài chính và cái nào chưa làm gì. Cách ứng xử sẽ phải khác nhau.
Việc triển khai các dự án trong vành đai sông Nhuệ sẽ phụ thuộc vào việc triển khai các quy hoạch phân khu mà thành phố Hà Nội sau này làm, Bộ Xây dựng phối hợp. Các chủ đầu tư dự án đang phối hợp với thành phố để lập quy hoạch phân khu cho phù hợp, tất nhiên không được thay đổi các định hướng lớn của quy hoạch chung.
Trường hợp nhà dân mà xây trong hành lang xanh sẽ còn tùy thuộc việc nằm trong làng hay ở tuyến phố… Việc này đã giao cho các quận huyện quản lý vành đai xanh gồm Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức.
"Tôi cũng muốn khẳng định thêm là các dự án trong hành lang xanh rất ít, việc điều chỉnh thành phố sẽ phối hợp với chủ đầu tư. Với dự án làm đô thị sinh thái thì có thể chấp nhận được khi nằm trong hành lang xanh vì hành lang xanh không có nghĩa là không được xây dựng, chỉ có điều cần hạn chế tối đa xây nhà cao tầng”, ông Toàn nói.
Nhưng, vấn đề là cơ quan quản lý có công bố công khai các dự án nằm trong, nằm sát hoặc phải điều chỉnh quy hoạch hay không? Sau khi rà soát đợt 1, đợt 2 các dự án nằm trong quy hoạch hoặc có liên quan đến thủ đô, tính đến thời điểm này Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Quy hoạch kiến trúc vẫn chưa công khai danh sách của những dự án này. Chính vì vậy, đã có rất nhiều người bị lừa khi mua vào các dự án đang chuẩn bị đầu tư dọc vành đai xanh.
Theo nhìn nhận của KTS Trần Huy Ánh, chính sự thiếu công khai trong việc công bố các dự án đã khiến Hà Nội xuất hiện nhiều dạng nhà kỳ quái, nhà hoang, nhà xiên, nhà vát.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng phải thừa nhận việc đô thị thiếu thốn về hạ tầng là do không công khai toàn bộ về dự án để người dân nắm được.
Khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, mọi thứ mới chỉ bắt đầu vì theo đúng quy trình, Quy hoạch chung chỉ là khung chung để duyệt các Quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/2000.
Theo Vnmedia