‘Hồ’ - Vẻ đẹp của niềm hư ảo
“Hồ” - tác phẩm của nhà văn Kawabata Yasunari, chủ nhân Nobel năm 1968, bắt đầu ở khoảng thời gian lơ lửng giữa những hiện hữu của hiện thực và mơ mộng, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Hình ảnh chàng trai phiêu dạt Gimpei vừa rõ ràng, lại vừa như được phong kín bằng những hoang tưởng. Cứ như vậy, từng câu chữ trong Hồ dần được gợi mở ra, khiến độc giả lần bước vào mênh mông hư vô.
Câu chuyện của Hồ nếu muốn kể lại quả thực rất đơn giản. Chàng trai có ký ức buồn bã với đôi bàn chân xấu xí luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh của các cô gái trẻ đẹp. Gimpei luôn đi theo những người con gái ấy như một kẻ mộng du, cho đến khi bị họ phát hiện, gã mới chợt tỉnh.
Bước vào "Hồ" là theo chân Gimpei đi qua các ngõ phố, theo đuổi một vài người con gái xinh đẹp, gặp gỡ như ảo ảnh của giấc ngủ nhiều hoài tưởng. Sự hoài tưởng về một vẻ đẹp hoàn hảo, vẻ đẹp của khoảnh khắc giữa mê mụ. Chỉ một khoảnh khắc khi cái đẹp bừng sáng, khiến tâm trí gã mềm mại như cỏ, hư vô như sương, sầu muộn đau đớn trong mê vọng khao khát. Nhưng rõ ràng cái mê vọng ấy đem lại khoái cảm cho gã, khiến gã hưng phấn ngây ngất tận hưởng cái đẹp cứ dần xa khuất mình trong đeo đuổi.
"Hồ" - tác phẩm mới nhất của nhà văn Kawabata Yasunari tại Việt Nam |
Nhưng cuối cùng, giữa ngây ngất mơ hồ của ảo ảnh đẹp đẽ, gã lại rơi vào một cuộc gặp gỡ với một người đàn bà thô kệch xấu xí, khiến gã buộc phải đối diện với vẻ bề ngoài thảm hại của mình. Đó là cuộc gặp gỡ nhiều xót xa, cay đắng, và nó khiến "Hồ" kết thúc trong một hoang tàn hiện thực. Dầu vậy, Hồ vẫn là sự hiện diện của những âm vang đẹp đẽ nhất.
Suốt những đeo đuổi của gã, từng lớp kí ức hiện về như những thước phim quay chậm, chồng lấp lên nhau, bủa vây gã, dày vò gã, khiến gã chìm lịm đi trong kí ức, rồi dần dần rơi vào một vùng không gian vượt thoát khỏi những ranh giới thường tình. Chỉ cái đẹp còn đọng lại, thành những ngụm sương, lung linh trong tâm trí.
Hồ mênh mang hư ảo. Mỗi nhân vật xuất hiện một chút trong Hồ, như những mảnh khăn trắng cứ lơ lửng giữa bầu trời đêm, như thơ thẩn, như ngây ngất, vừa khiến ta nhói lên sợ hãi, vừa gợi về nỗi buồn thảm diệu vợi của những đời người. Cái đời người đẹp đẽ mà đau xót, mỏng mảnh. Cái đời người vướng bận si mê mà chẳng còn gì ngoài bẽ bàng ảo não.
Bản thân tôi bị Hồ cuốn về đáy sâu bên dưới lớp băng của mặt hồ mùa đông, cuộn mình trong lạnh lẽo cô độc, của khao khát trong miền trở về như một mặt hồ hư ảo - đầy sương giăng, gió đêm, và đầy những linh hồn vẫn còn vướng vất xung quanh đó. Hồ ở đây là mặt hồ ấy, giữa thế giới thực tại, hay chỉ là hình ảnh ẩn dụ cho những mơ màng của tâm trí con người. Hồ là sợi dây nối kết hay là cái buông tay rất nhẹ của con người với xã hội? Tôi không thể lý giải được điều ấy.
So với Xứ tuyết hay Tiếng rền của núi, Hồ u buồn, huyễn hoặc, kì quái, não nề hơn nhiều. Hồ khiến tôi mất hoàn toàn khả năng tự bứt ra khỏi - tức là chỉ có thể chấp nhận gieo mình vào hồ, mà chết đuối trong đó, mà ngạt thở, mà nằm lặng lẽ nhắm mắt mặc cho những ảnh hình trắng trắng hư vô cứ đuổi nhau ở Hồ.
Vùng hồ ấy chứa chất bao mảnh kí ức - những kí ức, những bí mật mà cả đời chẳng thể một lần giãi bày cùng ai. Một miềm cô độc diệu vợi, con người chỉ có thể gieo mình trong ấy, như một cõi vĩnh hằng đắm đuối mà tận hưởng sự vô biên của cái đẹp.
Hồ vẫn là một màn sương ở đấy. Bao người chìm trong ấy, như trong mộng ảo, như trong khát khao.
Kawabata đã tạo nên một vùng không gian đầy huyễn tưởng ở giữa hư vô và thực tại, vượt thoát khỏi những vùng không gian chân thực thông thường, là hiện thực hay tưởng tượng - những ngôn từ ấy đã được xóa bỏ hoàn toàn, chỉ để lại những mơ màng hư ảo - ấy là vùng mơ của tâm trí, chỉ tâm trí mới đủ mãnh liệt để thấu cảm những thanh âm huyễn ảo của tâm trí mà thôi.
Kawabata luôn luôn là bậc thầy trong việc tuyển chọn ngôn từ trong các tác phẩm của mình. Những tiểu thuyết của ông vốn ngắn gọn, chặt chẽ, nhưng vẫn luôn có nhiều khoảng trống để người đọc bước vào đầy trang nhã mà đồng cảm, mà kiếm tìm cái mong manh của những nỗi đẹp đẽ muộn sầu.
Phong Linh