Hãy tự trách mình, trước khi trách Formosa
Trước khi ngồi bàn cách xử lý kẻ gây ô nhiễm, Bộ TNMT và chính quyền Hà Tĩnh nên “đốt đuốc tự soi lấy chân mình”.
Lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi. |
Lâu nay, nhà nước ta vẫn tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ăn với cơ chế khá ưu đãi về: Thuế, giá thuê đất, thủ tục hành chính… Tạm gọi là “trải thảm đỏ”.
Pháp luật của ta cũng quy định khá chặt chẽ về bảo vệ môi trường và có rất nhiều cấp đứng ra để bảo vệ môi trường từ thôn xóm xã phường đến huyện tỉnh, trung ương.
Chỉ có điều, luật thì có, cơ quan kiểm soát thì nhiều nhưng… không ai thực hiện.
Ví dụ ở trường hợp Formosa – doanh nghiệp đang bị đổ dồn mọi nghi ngờ là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường ở nhiều tỉnh miền Trung.
Nếu quả thực có chuyện Formosa xả thải tàn phá môi trường, thì là điều đáng lên án. Nhưng chúng ta hiểu rằng, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài thì mục tiêu cao nhất của họ là lợi nhuận.
Họ sẽ không dại gì mà bỏ ra một số tiền khổng lồ xây dựng hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường cho đất nước khác – nơi mà họ chỉ làm ăn một thời gian rồi… cuốn gói.
Với cơ chế lỏng lẻo như của chúng ta hiện nay, các nhà máy không lén xả thải ra môi trường mới là… chuyện lạ!
Trước vụ này là vụ Vedan đầu độc sông Thị Vải, rồi ở các khu công nghiệp khác trong cả nước, vẫn luôn tồn tại những vấn đề liên quan đến xả thải và môi trường. Và họ sẽ còn xả, xả nữa nếu cơ chế kiểm soát của chúng ta cứ lỏng lẻo như thế này!
Đừng bao giờ tin tưởng hoàn toàn vào lời hứa của các nhà tư bản mà phải dùng cơ chế giám sát họ thực hiện cam kết.
Đặt các nhà đầu tư công nghiệp và cơ quan kiểm soát môi trường trong mối quan hệ phản biện lẫn nhau (kiểu quan hệ địch – ta) - nếu chỉ kêu gọi suông - thì chẳng khác nào “cầu xin địch rủ lòng thương”.
Vậy nên, khi đẻ ra đủ các loại quy định nhưng không ai thực hiện, không có cơ chế giám sát thì chẳng thể trách ai ngoài việc trách chính bản thân mình!
Trong trường hợp này, lỗi lớn nhất phải thuộc về Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh. Từ việc bỏ lọt “hồ sơ đen phá hoại môi trường” của Formosa cho đến việc cho doanh nghiệp này xây ống thải ngầm rồi cả chuyện kiểm soát xả thải không chặt chẽ.
Nên trước khi ngồi bàn cách xử lý Formosa, các cơ quan trên phải “đốt đuốc tự soi lấy chân mình”.
Thật bất ngờ: Biển đã sạch! Môi trường không còn ô nhiễm! Thật bất ngờ là ngay trong khi người dân đang kêu cứu, cộng đồng đang đấu tranh để cứu vùng biển miền Trung khỏi một thảm họa môi trường thì Báo Hà Tĩnh, cơ quan ngôn luận của chính quyền tỉnh này lại có một bài báo "ngược dòng". |
Lưu Thủy