Chuyện về ông Võ Chí Công qua lời của con gái nuôi
Từ một cô bé mồ côi và nghèo khó trở thành con gái nuôi của Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, với chị Đoàn Võ Kim Ánh (Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Giám đốc điều hành Bệnh viện Bình Dân Đà Nẵng) – đó là một câu chuyện đẹp, hạnh phúc và đầy kì diệu.
Chị đã trải qua những năm tháng tuổi thơ nhiều thiệt thòi, mất mát cho đến khi chị gặp ông. Chị nói, được làm con nuôi của ông, được ông yêu thương, dạy dỗ và chăm sóc như một đứa con ruột thịt là điều may mắn nhất đối với cuộc đời chị.
Cha và con gái….
Đã rất nhiều tờ báo đến gặp tôi để xin viết về câu chuyện của cuộc đời tôi: câu chuyện của một cô bé mồ côi được ông Võ Chí Công – nguyên Chủ tịch HĐNN nhận làm con nuôi, nhưng tôi đều từ chối. Bởi những lúc ấy, cả tôi và chồng tôi (Trung tướng Nguyễn Thành Đức – Chính ủy quân khu V) vẫn còn đang công tác.
Bao nhiêu năm nay, tôi luôn muốn được kể câu chuyện này ra, như một lời tri ân với cha nuôi tôi. Nhưng vì không muốn để nhiều người nghĩ rằng mình dùng những bài báo đó để “đánh bóng” cho bản thân mình, nên đến tận hôm nay, khi cả hai vợ chồng tôi đều đã nghỉ hưu, tôi mới sẵn lòng kể ra câu chuyện về cha tôi, câu chuyện về việc ông đã nhận nuôi tôi và cho tôi một mái ấm gia đình thực sự.
Tôi sinh năm 1953 tại Quảng Nam. Tên khai sinh của tôi là Đoàn Kim Anh. Cha ruột của tôi là ông Đoàn Sơ – một chiến sĩ cách mạng từng là Tỉnh ủy viên tỉnh Phú Yên. Ngày trước, gia đình ông nội tôi là nơi nuôi giấu toàn bộ những thành viên của Xứ ủy Trung Kỳ. Trong số những người trong Xứ ủy, có ông Võ Chí Công, cha nuôi của tôi bây giờ. Chính ông Võ Chí Công là người đã giác ngộ cách mạng cho cha ruột tôi.
Nhờ đó, ngay từ khi còn trẻ, cha ruột tôi đã bắt đầu tham gia cách mạng. Quãng thời gian hoạt động cách mạng, cha tôi đã từng bị địch bắt và bị giam chung với ông Võ Chí Công, ông Nguyễn Chí Thanh và nhiều chiến sĩ cách mạng khác ở một nhà tù tại Tây Nguyên. Chính vì đã cùng vào sinh ra tử trong những lúc khó khăn nhất nên cha ruột tôi và ông Võ Chí Công đã trở thành hai người đồng chí, hai người bạn thân.
Mẹ tôi kể rằng, vì nhiệm vụ cách mạng, nên cha tôi rất ít khi có điều kiện về thăm vợ con. Lần duy nhất cha tôi về khi tôi mới 3 tuổi, nên chẳng nhớ được mặt cha. Sau này cha tôi hi sinh, tôi vĩnh viễn không bao giờ còn cơ hội được nhìn thấy gương mặt người cha ruột thịt của mình.
Thời chống Mỹ, khi địch áp dụng mô hình ấp chiến lược, cuộc sống của những người dân Quảng Nam quê tôi rất khổ. Khổ nhất là những gia đình có người đi hoạt động cách mạng như mẹ tôi. Ngày ấy, để làm nhục những chiến sĩ cách mạng, địch thường giở trò sàm sỡ với vợ họ, nhằm bôi nhọ thanh danh những người cộng sản. Có không ít người phụ nữ dù có chồng theo cách mạng nhưng cuối cùng phải chấp nhận lấy những tên lính trong chính quyền Sài Gòn.
Người nào kháng cự, ở vậy chờ chồng sẽ bị chúng cưỡng hiếp. Mẹ tôi vì không muốn lấy lính Sài Gòn, cũng không muốn bị chúng xúc phạm nhân phẩm, nên đành phải gật đầu ưng thuận một người cùng quê, cũng tham gia hoạt động cách mạng cùng cha tôi.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công
Ngày tôi còn bé, cuộc sống của tôi vô cùng cực khổ. Mẹ tôi đi lấy chồng, sinh lần lượt mấy đứa con, nên không còn điều kiện quan tâm, chăm sóc tôi. Tuổi thơ của tôi chưa bao giờ có một mái ấm thực sự. Tôi hết ở với bà ngoại, lại sang ở với các dì, các cậu. Cũng có quãng thời gian tôi sống với mẹ và cha dượng, nhưng cái nghèo cùng với cảnh con chung, con riêng khiến cho cuộc sống của tôi rất ngột ngạt.
Tôi nhớ những năm tháng tuổi thơ của mình, tôi chưa bao giờ có một bộ quần áo lành lặn, chưa bao giờ biết thế nào là cảm giác có một gia đình thực sự, với đầy đủ mẹ cha, với đầy đủ sự ấm êm và hạnh phúc. Suốt những năm tháng đó tôi không hề có tin tức gì về cha mình. Ước mơ duy nhất của tôi ngày ấy là được gặp ông và đi theo ông.
Năm tôi 13 tuổi, đột nhiên có người ở Tỉnh ủy Quảng Nam về làng tôi, nói là đón tôi đi thoát ly. Vì nghĩ rằng đi đến đó có thể có cơ hội hỏi tin tức của cha, tôi đã đi. Sống trong căn cứ một thời gian thì tôi gặp ông cha nuôi tôi – ông Võ Chí Công.
Ngày đầu tiên gặp cha nuôi là ngày tôi vĩnh viễn không bao giờ có thể quên trong cuộc đời mình. Hôm đó có một người trong khu căn cứ đột nhiên đến gọi tôi, nói có một ông rất “to” đến căn cứ làm việc, ông ấy gọi tôi lên ăn cơm. Khi đó tôi không hiểu từ “to” ở đây là gì, chỉ nghĩ “to” có nghĩa là cao lớn. Các anh chị trong căn cứ cười: “Không, “to” ở đây nghĩa là chức to, là quan trọng đó”.
Từ trước đến giờ, người “to” nhất, nhiều uy quyền nhất mà tôi gặp ở căn cứ là chú Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khi đó. Nên khi bảo có một người còn “to” hơn cả chú Bí thư Tỉnh ủy gọi mình lên gặp thì tôi run vô cùng. Nhưng trái với suy nghĩ của tôi, lúc lên đến nơi, gặp ông Võ Chí Công, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một người đàn ông hiền lành, có nụ cười thân thiện, dễ mến. Vừa nhìn thấy tôi, ông đã nhìn tôi rất trìu mến và nở nụ cười hiền từ. Ông bảo tôi ngồi xuống mâm cơm đã dọn sẵn, nhìn tôi ăn rồi bảo: “Bác là bạn hoạt động cách mạng cùng cha con”. Lúc đó tôi vừa đưa miếng thức ăn lên miệng, thấy ông Võ Chí Công nói thế thì lập tức hỏi: “Bác là bạn của cha con, vậy bác có biết ba con giờ ở đâu không?”.
Ông nhìn tôi đăm đăm rồi trả lời: “Cha con hi sinh rồi”. Nghe xong câu nói đó thì tôi òa khóc, không sao ăn nổi miếng cơm nào nữa.
Trong buổi chiều ngày hôm đó, ông Võ Chí Công đã nhận tôi làm con nuôi. Khi đó ông đang là Bí thư Khu ủy. Ông kể: “Sau khi cha con hi sinh, biết con là giọt máu duy nhất của cha con, bác đã nhờ các đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Nam về tận quê tìm con, đưa con lên căn cứ. Giờ bác muốn nhận con làm con nuôi, trước là vì biết ơn gia đình ông nội con đã nuôi giấu cả Xứ ủy Trung Kỳ , trong đó có bác, trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng nhất, sau là vì tình đồng chí đồng đội, vì tình bạn gắn bó giữa bác và cha con. Cha con đã hi sinh, bác muốn thay cha con trở thành người che chở cho con suốt phần đời còn lại”.
Chuyện chọn chồng cho con của nguyên Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công
Kể từ khi được ông Võ Chí Công nhận làm con nuôi, tôi đã được sống những ngày thật hạnh phúc và bình yên. Khi cha tôi còn sống, tôi chưa bao giờ được gọi một tiếng “cha”, chưa bao giờ được ở gần cha, nên không hề biết cảm giác có một người cha và được cha yêu thương, chăm sóc lại ngọt ngào đến thế.
Những ngày ở cùng cha nuôi, tôi hay được ông kể cho nghe về ông nội và cha ruột tôi, về những ngày ông và cha ruột tôi cùng sát cánh bên nhau. Tất cả những gì tôi biết về cha ruột cho đến giờ phút này, hầu hết đều do cha nuôi tôi kể lại. Tên mẹ tôi đặt cho tôi là Kim Anh. Nhưng sau này cha nuôi gọi tôi là Kim Ánh, vì ông bảo cái tên Kim Anh nghe như tên con trai. Tôi lấy cái tên Kim Ánh cho đến tận bây giờ.
Nhiều người nói tôi may mắn và hạnh phúc khi được một ông “to” nhận làm con nuôi. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng điều lớn lao nhất mà cha nuôi dành cho tôi chính là tình yêu thương thực sự. Ngày bé vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cực khổ, tôi phải bỏ học giữa chừng.
Sau này khi vào căn cứ và gặp ông, tôi được ông cho đi học lại, bởi ông bảo phải có tri thức, có trí tuệ thì mới làm được việc lớn, mới giúp ích được cho đời. Tôi được ông đưa về Hà Nội ở cùng mẹ và các anh, rồi cho đi học.
Vì nhiệm vụ, ông vắng nhà triền miên, ít khi có mặt ở nhà, các anh đi học cũng ít về, chỉ có tôi và mẹ ở cùng nhau. Tôi không phải con do mẹ mang nặng đẻ đau, nhưng mẹ vẫn yêu thương tôi như ruột thịt. Mẹ dạy cho tôi cách nấu từng món ăn, dạy cách đưa từng đường kim mũi chỉ, dạy tôi cách ứng xử cho đúng đạo làm người. Còn cha dành cho tôi sự ân cần, che chở.
Tuy tôi chỉ là con nuôi của cha, nhưng cha con tôi rất gần gũi nhau. Khi ông ở Hà Nội, cha tôi rất thích tôi đọc sách cho ông nghe và thường yêu cầu tôi đọc đi đọc lại những cuốn sách mà ông đặc biệt yêu thích. Ông có một trí nhớ kỳ lạ.
Ông có thể nhớ nội dung từng trang sách mà ông đã nghe qua. Có lần tôi đang đọc một cuốn sách, ông đột ngột ngắt lời tôi, yêu cầu tôi đọc lại cho ông nghe đoạn này, ở trang này, rồi cùng tôi say sưa bình luận về trang sách đó. Những lúc có thời gian rảnh rỗi, tôi thường cùng cha đi dạo, đi tập thể dục dọc con phố Phan Đình Phùng nơi cả gia đình tôi sinh sống.
Khi tôi đến tuổi cập kê, nguyện vọng lớn nhất của cha mẹ nuôi tôi là tìm cho tôi một người đàn ông có thể là chỗ dựa cho tôi sau này. Ngày ấy mẹ tôi nhắm cho tôi mấy đám, đều là con cái của những gia đình cách mạng có uy tín. Nhưng cha tôi lại không muốn thế. Người thanh niên mà ông chọn cho tôi là một người lính quân y, tên là Nguyễn Thành Đức, cùng quê Quảng Nam. Đó chính là chồng tôi bây giờ – Trung tướng Nguyễn Thành Đức.
Anh Nguyễn Thành Đức hơn tôi 2 tuổi. Cha tôi gặp anh Nguyễn Thành Đức ở một khu căn cứ trên dãy Trường Sơn. Ngày đó anh Nguyễn Thành Đức là y sĩ trong một trung đoàn thông tin. Bữa đó cha tôi có việc đi ngang qua đó công tác và tình cờ gặp anh Đức. Giữa hàng trăm người lính của trung đoàn, không hiểu sao cha tôi lại đặc biệt chú ý đến anh.
Mãi sau này ông mới kể cho tôi rằng, lý do khiến ông chú ý đến anh Đức ngay từ lần gặp mặt đầu tiên là bởi gương mặt anh có một thần thái gì đó rất đặc biệt, khiến ông tin rằng người thanh niên này sau này sẽ nhất định làm nên việc lớn. Hơn nữa, anh Đức lại trạc tuổi con trai ông. Nên khi nhìn thấy anh Đức, ông lập tức thấy xúc động và yên mến người lính trẻ này.
Anh Nguyễn Thành Đức – chồng tôi sinh ra trong một gia đình rất cách mạng. Cha anh đã hi sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mẹ và 2 anh trai của anh cũng hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau này bà cụ còn được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Biết hoàn cảnh gia đình anh Đức, cha tôi rất xúc động. Ông đã đề nghị anh Đức theo ông, làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho ông. Nhưng chỉ chăm sóc sức khỏe cho cha tôi một thời gian, anh Đức đã được ông cho đi học để rèn luyện thêm kiến thức, hỗ trợ cho công việc cũng như con đường sự nghiệp sau này.
Ngày đó, tôi ít nhiều cũng là một cô gái có nhan sắc, lại là con nuôi của ông Võ Chí Công, nên việc tìm được một người chồng môn đăng hộ đối không phải là chuyện khó. Tôi cũng được nhiều người yêu thương, đặt vấn đề. Mẹ cũng ướm cho tôi vài người có xuất thân trong gia đình danh giá, trí thức. Nhưng cha tôi trước sau chỉ ủng hộ anh Đức. Có lần anh Đức được đơn vị cho đi nghỉ dưỡng ở Đồ Sơn.
Khi biết tin đó, cha tôi lập tức đưa cả gia đình tôi xuống Đồ Sơn nghỉ mát. Nhưng nghỉ mát chỉ là chuyện phụ. Mục đích chính của cha tôi là để tôi và anh Đức gặp nhau. Lúc đó anh Đức mới là chuẩn úy. Xét về cả điều kiện gia đình cũng như xét về địa vị xã hội lúc đó, anh Đức đều thua kém những người mà mẹ tôi có ý định mai mối cho tôi. Chính vì vậy mẹ tôi phản đối ra mặt. Bà bảo, anh Đức mồ côi, gia đình lại nghèo, không môn đăng hộ đối. Bà sợ tôi sẽ khổ nếu lấy anh Đức. Nhưng cha tôi thì không nghĩ thế.
Ông nói với tôi: “Nếu con chọn người đàn ông khác, ba ưng 3%. Còn nếu con chọn Đức, ba ưng 100%”. Ông bảo, sở dĩ ông chọn anh Đức cho tôi là vì thấy hoàn cảnh của chúng tôi rất giống nhau: cả hai chúng tôi đều đã mất cả cha lẫn mẹ trong chiến tranh, đều đã trải qua đủ đau thương và thiệt thòi khi thiếu thốn tình cảm gia đình nên có thể thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ với nhau.
Khi đó, tôi chưa có nhiều ấn tượng với anh Đức ngoài vẻ ngoài đẹp trai, cao ráo. Nhưng vì rất tin tưởng và tôn thờ cha, nên tôi cũng tin rằng nếu đó là người đàn ông mà cha đã chọn cho mình và đã dành cho những lời khen ngợi như thế, thì nhất định phải là một người đàn ông xứng đáng. Sau lần gặp đó, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu nhau.
Việc tôi và anh Đức yêu nhau, mẹ tôi vô cùng phản đối. Trước sau bà đều cho rằng tôi sẽ khổ nếu lấy anh Đức là kiên quyết phản đối tình yêu này. Cha mẹ tôi cũng vì chuyện này mà nhiều lần giận nhau. Nhưng cha tôi vẫn động viên tôi kiên trì và giữ vững tình yêu này.
Để tránh làm mẹ giận, mỗi lần tôi và anh Đức gặp nhau là mỗi lần cha tôi phải dặn anh Đức đến một nơi khác, rồi sau đó đích thân ông đưa tôi đến đó. Sự vun đắp của cha tôi đã giúp tình yêu của tôi và anh Đức ngày càng gắn bó. Sau 1 năm tìm hiểu, chúng tôi nên vợ nên chồng.
Trong lễ cưới của chúng tôi, cha tôi là người đứng ra làm chủ hôn, đại diện cho cả gia đình. Đến bây giờ vợ chồng tôi đều đã trở thành những người thành đạt, ít nhiều có địa vị trong xã hội, chúng tôi có 3 đứa con gái, đã lên chức ông bà ngoại, nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn bảo nhau phải luôn ghi nhớ công ơn và tình cảm của cha.
Vì nếu không có ông, hẳn chúng tôi không bao giờ được ăn học đầy đủ, cũng không bao giờ được gặp nhau và nên vợ nên chồng, để cùng nhau có được hạnh phúc hôm nay. Nói cách khác, cha tôi chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của cả hai vợ chồng tôi, là người đã se duyên cho chúng tôi và cho chúng tôi có được cuộc sống hạnh phúc và bình yên ngày hôm nay.
Người cha giản dị trong mắt con gái
Cha tôi tuy từng là Chủ tịch HĐNN (tương đương với Chủ tịch nước hiện nay), nhưng nếu bạn tìm các thông tin về ông trên sách báo và internet thì sẽ thấy rất ít ỏi. Nguyên nhân chính là bởi cha tôi là người rất ít nói về mình. Ông là típ người hành động, chỉ biết làm chứ không biết kể về những việc mình làm.
Thời còn là Chủ tịch HĐNN, cha tôi giữ lối sống rất giản dị, cần kiệm. Ông có vài bộ comple để mặc khi đi hội nghị, đi tiếp khách. Còn khi ở nhà, trang phục của ông rất đơn giản. Ông chỉ có 2 – 3 bộ quần áo mặc thay đi thay lại và mặc cho đến khi áo sờn rách hết ra. Có những lần áo rách, con cái đòi mua cho ông bộ quần áo mới, ông gạt đi.
Ông bảo quần áo này vẫn còn tốt, vẫn còn mặc được. Tiền mua áo mới nên để dành cho dân nghèo. Họ cần tấm áo đó, họ cần số tiền đó hơn mình. Đã không ít lần cha bắt tôi ngồi mạng lại những chỗ rách trên quần áo ông, để sau đó ông lại mặc bộ đồ đó như những bộ đồ khác.
Giờ đây khi về hưu, cha tôi thường mặc bộ đồ lụa ở nhà. Mỗi lần vào Sài Gòn thăm cha, tôi đều mua cho cha vài bộ đồ mới may bằng vải tơ tằm để cha mặc cho mát.
Nhưng lần nào cũng như lần nào, hễ thấy quần áo mới tôi mua là ông lại nói: “Con hãy cầm những bộ quần áo này về quê Quảng Nam, tặng bộ quần áo đó cho dân mình. Dân Quảng Nam mình còn nghèo lắm”. Tôi nhớ mỗi lần tôi gặp cha tôi, câu đầu tiên và cũng là câu mà ông hỏi nhiều nhất là: “Dân mình sống có khá không con? Dân mình còn nghèo không con?”.
Cả đời ông, lúc nào ông cũng chỉ đau đáu nỗi lo lắng cho dân nghèo. Những năm miền Trung có bão lụt, bao giờ cha tôi cũng dặn tôi phải về tận quê để giúp đỡ những gia đình nghèo khó vượt qua cơn sóng gió.
Suốt từ khi còn đương nhiệm cho đến giờ, cha tôi sống rất thanh bạch, liêm khiết. Dù là Chủ tịch HĐNN, nhưng đến khi nghỉ hưu về già, ông cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Ông sống trong một căn nhà giản dị, cùng với con cái. Cha tôi luôn muốn con cái tự đi lên bằng sức lực của mình.
Có lần cháu tôi đi thi bị trượt. Lúc đó chỉ cần cha tôi nói một tiếng, cháu tôi sẽ qua, nhưng cha tôi không bao giờ làm thế. Với con cái, ông chưa bao giờ quan tâm xem con cái mình làm gì, chức tước, địa vị ra sao. Lần nào gặp tôi cha cũng hỏi: “Kim Ánh bây giờ làm gì hả con”.
Tiếng là con của ông Võ Chí Công, nhưng các anh trai tôi chưa bao giờ được cha hỗ trợ bất cứ điều gì trong sự nghiệp, đều phải tự thân vận động và phấn đấu. Nên dù có cha là người có quyền chức, các anh tôi cũng phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp. Bản thân tôi, từ khi còn làm trong Bệnh viện quận Hải Châu, cho đến khi trở thành Phó Giám đốc Sở Y tế rồi trở thành quyền Giám đốc Sở Y tế, cha tôi cũng không bao giờ để ý.
Có lần tôi bảo với ông: “Ba ơi, con giờ đã là Phó Giám đốc Sở Y tế rồi đó”. Ông tỏ ra vô cùng ngạc nhiên nhưng vẫn cười rất tươi: “Ủa, giỏi thế vậy ta? Chức đó chắc to lắm con nhỉ?”. Dẫu không được “nhờ cậy” cha như nhiều người khác, nhưng chúng tôi vẫn vô cùng tự hào và yêu thương cha mình. Những việc ông làm mãi mãi là tấm gương cho con cái noi theo.