Thông tin về việc:
Việt Nam đến Mỹ tìm hiểu máy bay săn tàu ngầm
Mạng tin Navy.mil của Hải quân Mỹ ngày 19/4 đưa tin một phái đoàn sĩ quan cao cấp của Hải quân Việt Nam đã đến Hawaii để quan sát và nghe thuyết trình về máy bay tuần tra biển và săn tàu ngầm P-3C Orion.
Máy bay săn tầu ngầm P-3C của Mỹ |
Theo Navy.mil, phái đoàn của Việt Nam gồm 6 sĩ quan Hải quân cấp cao và một nhân viên dân sự đã đến căn cứ Kaneohe Bay của Mỹ tại Hawaii vào ngày 13/4/2016. Tại đây, họ đã được quan sát và nghe thuyết trình về chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion của Mỹ.
Tyler Willsey, một nhân viên phi hành đoàn của phi đội tuần tra biển có tên là Ðội tuần tra Kiếm sĩ vàng 47 (VP-47) đóng tại Kaneohe Bay, kể lại với Navy.mil là “sau chuyến thăm, họ biết rõ hơn về chiếc máy bay đã được điều khiển như thế nào và chúng tôi làm những gì trong nhiệm vụ của một nhân viên phi hành hải quân”.
“Cuộc thăm viếng diễn ra tốt đẹp. Phi hành đoàn làm tốt công việc giới thiệu máy bay với khách”- Trung tá Jeremy Lyon, phi đội trưởng phi đội VP-47 nói với Navy.mil. Trước khi rời căn cứ, phái đoàn khách cảm ơn và bày tỏ hy vọng máy bay P-3C Orion sẽ được đưa đến thăm Việt Nam nhằm nâng cao mối quan hệ giữa hai nước.
Các sĩ quan Việt Nam chụp hình chung với phi hành đoàn P-3C Orion sau chuyến bay thử |
Ngày 17/11/2015, Nhà Trắng thông báo gỡ bỏ thêm một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Thông báo này đề cập hai chuyện. Thứ nhất, giúp Việt Nam tăng cường năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, chỉ huy và kiểm soát cho các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật trên biển. Thứ hai, gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương trên biển cho Việt Nam.
Theo báo chí Mỹ, với thông báo trên, Việt Nam hiện đã có thể mua một số máy bay tuần tra biển, săn tàu ngầm đã qua sử dụng P-3 Orion.
Hồi tháng 4/2013, một viên chức hãng Lockheed Martin được tạp chí quốc phòng IHS Jane's trích dẫn lời tiết lộ rằng Việt Nam muốn mua sáu chiếc P-3 Orion, và yêu cầu này dường như đang nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ.
Con số máy bay P-3 Orion Mỹ sẽ có thể bán cho Việt Nam với những trang bị gì hiện cũng vẫn là những dấu hỏi. Mỗi máy bay chỉ hoạt động lẻ loi trong một phi vụ, nhưng với sự phối hợp trao đổi dữ kiện thu nhận được giữa hải quân các quốc gia có liên hệ trong khu vực, P-3 Orion sẽ đóng vai trò trọng yếu cho nền an ninh và sự ổn định tại khu vực Biển Đông. Năm ngoái, có tin Washington có thể bán cho Việt Nam máy bay P-3 mà không có vũ khí sát thương đi kèm. Nay với bản thông cáo báo chí, có vẻ như bao gồm cả vũ khí, nhưng Mỹ có chấp thuận bán cho Việt Nam cả máy bay kèm theo vũ khí hay không, cũng là điều còn chưa rõ.
Các loại vũ khí chống tàu mặt nước và tàu ngầm của một chiếc P-3C Orion của Hải quân Mỹ |
P-3 Orion là máy bay tuần tra, giám sát hàng hải và săn tàu ngầm bán phản lực với bốn động cơ cánh quạt do công ty Lockeed Martin sản xuất. Máy bay này dài 35.6 m, sải cánh 30.4 m với tải trọng cất cánh tối đa đạt 64,400 kg. Phi hành đoàn của P-3 Orion gồm 11 người, giúp vận hành máy bay, các thiết bị săn tàu ngầm, và giám sát.
Vận tốc tối đa của P-3 Orion lên tới 750 km/h trong khi tốc độ hành trình duy trì ở mức 610 km/h.
Phạm vi hoạt động tối đa của máy bay là 8.950 km trong khi cao độ tối đa là 8.600 m. P-3 có khả năng hoạt động liên tục trong 16 giờ nhằm tăng cường tối đa khả năng tuần tra hàng hải và săn tàu ngầm.
P-3 Orion có 10 giá treo dưới các cánh, cho phép máy bay gắn các thiết bị tuần tra, giám sát hoặc vũ khí. Các giá treo có thể mang tên lửa chống chiến hạm, ngư lôi, thủy lôi và các loại bom bao gồm cả bom hạt nhân nổ dưới nước Mk 101 Lulu và bom hạt nhân B57 của Mỹ. Tuy nhiên, cả hai loại bom hạt nhân này đều đã bị loại khỏi hoạt động của Mỹ.
Với mục tiêu săn tàu ngầm và tuần tra hàng hải nên P-3 Orion được trang bị hệ thống radar và thiết bị dò sonar cực mạnh, giúp phát giác tàu ngầm, tàu chiến địch. Phần đuôi máy bay gắn thiết bị dò từ tính MAD, giúp khám phá tàu ngầm di chuyển sâu dưới mặt biển. Thiết bị này dễ bị nhiễu động nên nó được đặt ở phần đuôi máy bay, cách xa các thiết bị khác.
Một trong những vũ khí đặc biệt của P-3 Orion là các phao sonar giúp tăng cường khả năng định vị tàu ngầm. Sau khi rời máy bay, một phần phao sonar sẽ chìm xuống biển và bung ăng ten để nghe ngóng tín hiệu từ tàu địch. Hai phao chủ động và thụ động giúp xác định chính xác vị trí tàu ngầm đối phương.
Ngoài ra, P-3 Orion còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử AN/ALQ-78, giúp phát hiện, đánh chặn và định vị tín hiệu của đối phương. Máy bay cũng có khả năng phân tích nguồn năng lượng bức xạ điện từ phát ra từ radar kiểm soát hỏa lực của địch để xác định nguy hiểm.
Hiện có 435 chiếc Orion P-3 do Lockheed Martin sản xuất đang phục vụ trên thế giới, thuộc 21 chính phủ. Hải Quân Mỹ đang thay thế P-3 bằng máy bay tuần tra biển hiện đại hơn là P-8 Poseidon do Boeing sản xuất. Cũng vì vậy mà người ta thấy hàng đoàn P-3 Orion xếp hàng phơi nắng phơi sương giữa sa mạc tại Arizona.
Hiện nay do điều kiện tiết giảm ngân sách và hoàn cảnh chiến lược khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, số phi đội tuần thám biển của Hải quân Mỹ giảm từ 24 xuống còn 12. Đồng thời khu vực hoạt động chính của các máy bay này là cận duyên chứ không phải viễn duyên. Nói cách khác P-3C Orion trở thành loại máy bay có nhiệm vụ chiến thuật hơn là chiến lược vì để kiểm soát đại dương đã có những phương tiện khác như là vệ tinh. Với tất cả những trang bị cổ điển cũng như hiện đại để phát hiện và tấn công chiến hạm địch, P-3C Orion rất hữu hiệu cho sự phòng thủ ở những vùng biển hẹp như Biển Đông.
H.Phan