Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 3)
(PetroTimes) - Trong khi đó, Lệ Xuân đi vận động vợ con mấy tay chính khách chờ thời và giới trí thức để những bà này lập thành lực lượng ủng hộ Diệm. Lệ Xuân cũng đi vay tiền bạc làm chi phí cho cuộc đón tiếp này được trọng thể...
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 2) |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 1) |
Vợ chồng Nhu lén lên ở Đà Lạt
Trở lại Ngô Đình Nhu, được tin vợ ở Đà Lạt, Nhu lên đó ngay. Diệm cũng lên ở với Nhu để dò đường ra nước ngoài tìm hậu thuẫn chính trị qua người Mỹ, vì Pháp đang ủng hộ Bảo Đại.
Trong thời buổi nhiễu nhương, Nhu sống với Lệ Xuân ở Đà Lạt trong cảnh thất nghiệp, mọi chuyện do một tay Lệ Xuân quán xuyến. Vốn tiểu thư giàu có quen sống xa hoa, kẻ hầu người hạ, nay phải “nuôi” ông chồng già lừng khừng, mê sách vở, thất nghiệp, cô gái 19 - 20 tuổi Lệ Xuân thường hay cáu gắt với ông chồng học giả trùm chăn của mình. Theo một số gia nhân thân tín của gia đình Nhu kể lại, thì trong thời gian ở Đà Lạt, Lệ Xuân lo toan tất cả cho chồng, từ bao thuốc Job xanh mỗi ngày cho đến tiền chợ.
Tình trạng ông chồng già “ăn bám” cô vợ trẻ đã gây nên tình hình xào xáo, to tiếng với nhau, Lệ Xuân dọa uống thuốc ngủ. Sợ cô vợ trẻ làm liều nên nhu phải im tiếng để cho Lệ Xuân muốn nói gì thì nói. Từ đó, thừa thắng xông lên, Lệ Xuân cứ áp chế Nhu. Đến nỗi thời gian ở Đà Lạt, Nhu chỉ nằm nhà đọc sách, không ra ngoài.
Nếu sáng nào có bạn bè đến mời ra phố ăn sáng thì Nhu mới đi ra khỏi nhà. Biết Nhu không có tiền nên họ mua từng bao thuốc Bastos xanh cánh chuồn, dúi vào túi Nhu để về nhà hút dần. Cứ thế, hết người bạn này tới người bạn khác tìm cách giúp Nhu qua cảnh thất nghiệp buồn chán.
Đến năm 1952, gia đình Nhu kiệt quệ tài chính, đến nỗi hàng ngày Lệ Xuân phải đi xe đạp ra chợ mua từng bó rau, từng lạng thịt về ăn mỗi bữa. Theo lời gia nhân của Lệ Xuân kể lại, bà ta đành phải tháo chiếc vòng vàng đeo ở cổ từ ngày cưới bán lấy tiền độ nhật; Nhu thì còn độc nhất bộ quần áo sơ-mi cộc tay, và quần gabardin.
Đã gặp cảnh thất nghiệp, kiệt quệ nhưng bạn bè lại thường hay kéo đến nhà Nhu bàn chuyện “chính trị”, đưa ra lý thuyết này, chủ nghĩa kia… Nhu đã cùng bọn họ làm tờ báo lấy tên Xã Hội để tuyên truyền học thuyết Nhân Vị của mình.
Biệt điện Trần Lệ Xuân ở Đà Lạt |
Năm 1950, ở Roma có hội nghị các giám mục trên thế giới, Ngô Đình Thục được mời đi dự. Nhân dịp này, Diệm xin đi theo. Trên đường đi, Thục và Diệm ghé lại Nhật Bản gặp một số chính khách Nhật và Việt xem họ có giúp gì được không. Sau đó, tại Roma, Diệm được Thục giới thiệu với Hồng y Giáo chủ Spellman là giáo chủ của Mỹ để xin giúp đỡ cho Diệm. Spellman đồng ý.
Năm 1951, Diệm bay sang Mỹ và được Hồng y Spellman đỡ đầu cho vào ở trong tu viện Marynoll tại Lakewool thuộc bang New Jersey. Diệm ở đây 2 năm.
Thời gian này ở Đông Dương, Pháp đang bị Việt Minh đánh tơi tả. Pháp cầu cứu Mỹ giúp khí giới, nhưng Mỹ lừng khừng vì thâm ý của Mỹ là muốn cho Pháp bại trận, để sau đó nhảy vào chia phần. Vì vậy, Mỹ đã cho Diệm sang Pháp xem tình thế ra sao.
Diệm rời Mỹ vào tháng 3.1953, ở Paris ít lâu rồi sang Bỉ trú tại tu viện Bénédictine cũng do Hồng y Giáo chủ Spellman gởi gắm. Một năm sau, Diệm lại trở về Paris để nghe ngóng tình hình Đông Dương.
Các con bài Nguyễn Văn Tâm rồi hoàng thân Bửu Lộc do Bảo Đại chỉ định làm Thủ tướng theo chỉ thị của Pháp không tạo được hiệu quả nào, trong khi đó sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ chỉ còn là vấn đề thời gian. Đến lúc này Mỹ thực sự nhảy vào cuộc, đề nghị Pháp không dùng lá bài Ngô Đình Diệm. Nhưng Bảo Đại không chấp thuận Diệm hay Bửu Lộc vì Bảo Đại hãy còn căm hận Diệm đã bỏ Bảo Đại để rút về vườn. Thêm một lý do nữa là vì lúc ấy Bảo Đại đang chịu sự chi phối của Bình Xuyên do Bảy Viễn cầm đầu về vấn đề tài chính.
Một mặt Mỹ ép Pháp thay đổi chính phủ tại Việt Nam bằng cách dùng con bài Ngô Đình Diệm do Mỹ đưa ra; mặt khác, Ngô Đình Thục tích cực vận động giới Công giáo La Mã, Pháp và nhất là Mỹ phải đưa Ngô Đình Diệm ra gấp thì mới hy vọng cứu Việt Nam khỏi bị Việt Minh thống trị (!). Đồng thời, Ngô Đình Luyện cũng gặp Bảo Đại để dàn xếp cho Diệm về nước lập chính phủ vì từ lâu Luyện rất thân thiết với gia đình Bảo Đại.
Còn Lệ Xuân, khi ở Đà Lạt đã nhiều lần viếng thăm riêng Nam Phương Hoàng hậu và hai vợ chồng Lệ Xuân cũng được Bảo Đại mời dự những cuộc tiếp tân có mặt các công sứ, toàn quyền Tây. Trong những dịp này, Trần Lệ Xuân dựa vào quan hệ họ hàng ve vãn hứa hẹn với bà Nam Phương và Bảo Đại là trong tương lai, khi nào Bảo Đại cần người lèo lái chính phủ quốc gia thì anh em nhà Ngô sẽ sẵn sàng đảm nhận trọng trách.
Như ta đã biết, giữa gia đình bên ngoại Lệ Xuân và Bảo Đại có họ hàng xa (Thân Trọng Huề, ông ngoại Lệ Xuân, lấy con Kiến Thái Vương), còn chị của Lệ Xuân là Lệ Chi là vợ của luật sư Nguyễn Hữu Châu quê ở Gò Công, con của nhà tỷ phú có họ hàng với Nguyễn Hữu Hào (cha của Nam Phương Hoàng hậu). Vì thế, Lệ Xuân đối với bà Nam Phương vừa có họ hàng, vừa đồng đạo (Thiên Chúa), đồng môn (trường Couvent des Oiseaux). Cho nên những gì Lệ Xuân đã đề nghị đều được bà Nam Phương chấp thuận, hứa có dịp thuận tiện sẽ thuyết phục Bảo Đại cho Diệm làm Thủ tướng.
Từ những áp lực đó, Bảo Đại đã cho Diệm về nước thành lập chính phủ thay Bửu Lộc xem tình hình có khá hơn không. Đầu tháng 6.1954, Diệm tới lâu đài Thorenc ở Cannes (Pháp) để nhận sự ủy nhiệm của Quốc trưởng Bảo Đại trở về Việt Nam.
Vợ chồng Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân cùng con gái |
Diệm gặp Bảo Đại, vợ chồng Nhu thúc đẩy Diệm hạ bệ Bảo Đại
Ngày 8.5.1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến công vũ bão. Trong khi đó, tại Genève đang diễn ra hội đàm về Đông Dương. Còn ở miền Nam, người ta đang xôn xao về nguồn tin Ngô Đình Diệm sắp về nước lập chính phủ thay hoàng thân Bửu Lộc.
Bấy giờ vợ chồng Ngô Đình Nhu đang ở nhà Ngô Đình Luyện trên đường Armand Rousseau (gần Ngã Sáu Sài Gòn). Hàng ngày, tại ngôi nhà nhỏ này có những khuôn mặt quen thuộc lui tới tấp nập: Hoàng Bá Vinh, Cao Xuân Cẩm, Cao Xuân Vỹ, Đỗ La Lam, Hà Đức Minh, Trần Kin Tuyến, Phạm Văn Nhu… Họ chuẩn bị kế hoạch đón tiếp Ngô Đình Diệm trở về nay mai để chấp chính.
Trong khi đó, Lệ Xuân đi vận động vợ con mấy tay chính khách chờ thời và giới trí thức để những bà này lập thành lực lượng ủng hộ Diệm. Lệ Xuân cũng đi vay tiền bạc làm chi phí cho cuộc đón tiếp này được trọng thể.
Bấy giờ, Đỗ La Lam và Trần Kim Tuyến tung ra những bài viết trên báo chí để quảng cáo tên tuổi Diệm, đồng thời tổ chức công tác an ninh để Diệm không bị các phe phái như Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo… làm hại. Công tác an ninh này do Trần Kim Tuyến đảm nhiệm, Hoàng Văn Phúc (em vợ của Tuyến) đã kể cho tôi nghe:
“Đa số những cận vệ này được tuyển từ các sĩ quan đi lính cho Pháp người Bắc gốc Phát Diệm, Thanh Hóa, Bùi Chu, Nghệ An và một số người Bắc gốc Nùng do trung tá Vòng A Sáng cung cấp”.
Hà Đức Minh móc nối với những cán bộ cựu kháng chiến nay muốn rời hàng ngũ kháng chiến để ở lại miền Nam. Số này cũng khá đông, được Hà Đức Minh đặt cho một cái tên là “Liên đoàn cựu kháng chiến”, thực ra “Liên đoàn cựu kháng chiến” là do Ngô Đình Nhu đã khai sinh từ mấy năm trước làm hậu thuẫn cho Diệm. Lúc bấy giờ, tạp chí Phổ Thông do Nguyễn Vỹ chủ trương ở Đà Lạt cũng được Hà Đức Minh móc nối, chi tiền viết bài ca tụng “vị lãnh tụ Ngô Đình Diệm anh minh” sắp về nước. Sau khi tờ Phổ Thông chết, Nguyễn Vỹ về chạy cờ cho tờ Bông Lúa. Năm đó, Nguyễn Vỹ đã cho in chân dung Ngô Đình Nhu với màu sắc thật đẹp, chiếm nguyên cả tờ bìa 1 khổ lớn với hàng chữ chú thích ở dưới là “Tổng bí thư Đảng Cần Lao Việt Nam: Ngô Đình Nhu”.
Ngày 25.6.1954, Ngô Đình Diệm về tới Sài Gòn, được một số tay chân thân cận và các cán bộ của Ngô Đình Nhu ra đón.
Trên đường về dinh Gia Long từ phi trường Tân Sơn Nhất qua đường De Gaulle (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lệ Xuân đã điều động vợ con thân nhân các binh lính, sĩ quan hay viên chức trong chính phủ cộng với một số học sinh các trường sắp hàng hai bên đường hoan hô Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Về đến dinh Gia Long, Diệm được nhiều người thân cận và các đảng viên của Nhu đón tiếp, ra mắt. Tối hôm đó, tại đây có cuộc họp mặt gia đình họ Ngô: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Luyện, vợ chồng Ngô Đình Nhu. Diệm đã cảm ơn người anh cả mà Diệm coi như “quyền huynh thế phụ” đã vận động giới Công giáo ủng hộ và đón tiếp Diệm. Diệm cũng không quên cảm ơn vợ chồng Nhu đã sắp đặt chương trình ngày về của Diệm được tốt đẹp, Diệm cũng cảm ơn riêng Ngô Đình Luyện đã sang Paris vận động với Bảo Đại…
(Còn tiếp)
Lý Nhân