Họp báo vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin chào
Trong buổi họp báo về vụ 'Bị truy tố vì bán cà phê trước cổng công an', Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM nhận định: 'Việc xử lý hơi cứng nhắc, vội vàng, nhưng có cơ sở pháp lý'.
9h40: Các phóng viên có mặt tại buổi họp báo cùng nêu thắc mắc: Việc công an không lập đoàn kiểm tra liên ngành mà tự đi rồi khi lập biên bản lại ghi là đoàn liên ngành, như vậy công an có lạm quyền không?
Thiếu tướng Phan Anh Minh trả lời: "Việc kiểm tra quán ông Tấn thuộc thẩm quyền của công an. Đoàn liên ngành có cũng được, không có cũng được. Công an có quyền kiểm tra quán ông Tấn mà không cần lập đoàn liên ngành. Chỉ khi nào cần các cơ quan chuyên môn thì mới lập.
Công an khởi tố vì ông Tấn thuộc diện tái phạm và cố ý tái phạm khi ông nhận thức được. Bây giờ buộc tội ông Tấn tôi nghĩ chưa thông. Cỡ Nguyễn Hải Dương gây thảm án ở Bình Phước mà giờ còn có nhiều người làm đơn xin giảm án. Nên làm án để hài lòng tất cả thì không được.
Thiếu tướng Minh: "Cỡ như Nguyễn Hải Dương gây thảm án mà còn có nhiều người làm đơn xin giảm án..." (!)
Tôi sẽ làm việc với Công an Bình Chánh sau khi có phán quyết. Tôi thừa nhận có cứng nhắc, thiếu thuyết phục nhưng nói Công an Bình Chánh thiếu chứng cứ là không được. Hộ kinh doanh này có vi phạm và có tái phạm.
Tôi tin rằng kết thúc có hậu của vụ việc này là có thể, nhưng không thuộc riêng thẩm quyền của công an. Cá nhân tôi sẽ tham vấn cho Viện Kiểm sát TP để có kết thúc phù hợp. Viện Kiểm sát có dám can đảm để ra quyết định chấm dứt vụ án hay không thôi".
9h30: Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Thiếu tá Võ Văn Hữu - trả lời báo chí về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của quán ông Tấn. Ông Hữu khẳng định, hộ kinh doanh của ông Tấn là phải có giấy phép đủ điều kiện VSATTP.
Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (trái) khẳng định, hộ kinh doanh của ông Tấn là phải có giấy phép đủ điều kiện VSATTP.
9h15, Thiếu tướng Phan Anh Minh trả lời câu hỏi của PV báo Sài Gòn giải phóng: "Quy trình của UBND huyện Bình Chánh chậm trễ cấp giấy phép là thuộc thẩm quyền của huyện, không thuộc công an. Theo cảm nhận của tôi, người nhận hồ sơ của UB huyện không có kiến thức hướng dẫn ông Tấn bổ túc hồ sơ cho đầy đủ. Quy định một cửa một dấu chưa ổn".
"Hành vi của ông Tấn có nguy hiểm hay không? Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề nóng. Năm nay là năm an toàn TP nên Công an TP có giao chỉ tiêu xử lý vấn đề ATVSTP bằng nhiều mức độ, hình thức khác nhau, trong đó có kinh doanh trái phép. Hành vi của ông Tấn chưa gây hậu quả nhưng khoản 1 điều 159 không quy định hậu quả. Ở đây ông Tấn biết không ATVSTP là nguy hiểm nhưng cố ý. Ở đây, Công an Bình Chánh có vội vàng nhưng đây là địa điểm trước mắt công an, nếu để sai phạm ngay trước mắt mà không hành xử thì không được".
"Tôi thừa nhận có nguy hiểm nhưng tính chất nguy hiểm rất nhỏ. Suy luận có hay không việc quán cạnh tranh với căng tin công an và công an lạm quyền? Tôi không ghi nhận cái gì là lạm quyền. Không có chuyện cạnh tranh vì căng tin chỉ phục vụ Công an huyện Bình Chánh, còn quán cà phê Xin Chào có đối tượng khách hàng khác".
Thiếu tướng Phan Anh Minh (giữa): "Tôi thừa nhận có nguy hiểm nhưng tính chất nguy hiểm rất nhỏ".
Phóng viên ngắt lời ông Minh, khẳng định mình đã từng vào ăn ở căng tin Công an huyện Bình chánh và trả tiền. Ai vào căng tin cũng được.
Ông Minh nói thêm, ông Quý Trưởng Công an Bình Chánh có giải thích rằng muốn dẹp quán vì sợ có "cò mồi" ở trước cơ quan công an. Ông Minh nói đây là cách giải thích bị ông phê phán.
Ông Minh cũng mong kết thúc vụ án này để tạo điều kiện cho ông Tấn tiếp tục được kinh doanh.
"Đây là vụ án nhỏ xíu như móng tay. Tôi đề nghị đừng để suy diễn tác động thành quá nóng. Có bạn đọc bình luận trên báo nói vụ án này tác động ngăn cản người nghèo kiếm sống. Tôi thấy một quán phở với số nhân viên đó thì không thể nghèo. Đừng suy luận, đừng thổi phồng mà hãy tôn trọng các phán quyết của HĐXX. Chúng ta quá nóng vội trong việc phê phán cơ quan công tố. Mọi hành vi phạm tội đều phải làm rõ và theo phán quyết của tòa" - Thiếu tướng Phan Anh Minh nêu quan điểm.
"Giữa luật và thực tế, đòi hỏi người thi hành luật phải có can đảm và dám hy sinh. Xé rào, coi chừng chưa qua rào đã bị tai nạn, bị vướng", ông Minh ví von hình ảnh.
Phóng viên Hàn Ni - báo Sài Gòn giải phóng (áo đen, bìa trái) khẳng định mình nắm hồ sơ vụ việc trong tay, không thể nói "nhà báo không có hồ sơ thì không nên phán xét".
9h10: phóng viên báo Sài Gòn giải phóng cho rằng, mình là người tiếp nhận hồ sơ vụ việc đầy đủ, việc Thiếu tướng Minh nói "nhà báo không có hồ sơ thì không nên phán xét" là không ổn. Nếu cần phóng viên sẽ chuyển hồ sơ cho Thiếu tướng.
"Việc giấy phép riêng chỉ cho những ngành nghề kinh doanh có điều kiện như karaoke, vũ trường, massage. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời rằng giấy phép riêng chỉ là một trong những điều kiện kinh doanh chứ không phải là tất cả. Như vậy anh Tấn không phải là kinh doanh có điều kiện. Anh Minh nói đây là "việc như móng tay" nhưng đây là vấn đề lớn mà một gia đình đang đối mặt. Tôi viết bài trên tính nhân văn và tình người", PV báo Sài Gòn giải phóng nêu quan điểm và đề nghị làm rõ mức "nguy cơ cao" nêu trong hồ sơ; có hay không việc Công an Bình Chánh lạm quyền?
9h: Thiếu tướng Phan Anh Minh nhận định, với tình tiết vụ án này thì khó thấy tình tiết nào để kết thúc. Nếu anh Tấn đảm bảo kinh doanh hợp pháp thì chính quyền nên hỗ trợ, đảm bảo. Nếu ra toà mà tuyên anh Tấn có tội thì cũng không có quy định nào cấm anh tiếp tục kinh doanh, dù anh có bị phạt tiền hay cải tạo không giam giữ.
Ông Minh cho rằng, đây là việc "nhỏ như móng tay" và không nên tốn nhiều giấy mực.
Thiếu tướng Phan Anh Minh đề nghị báo chí không phán quyết vụ việc.
8h30, bắt đầu buổi họp báo, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, phát biểu, vụ việc này là thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhưng với thái độ cầu thị, Công an TP đã quan tâm xử lý.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, Công an TP tôn trọng các quyết định của Viện Kiểm sát Bình Chánh và việc phán xét thuộc thẩm quyền của HĐXX.
Diễn tiến vụ án, các báo đã đưa tin chính xác. Ngày 18/3/2015, 5 ngày sau khi quán Xin Chào khai trương, Công an Bình Chánh đến kiểm tra. Quán nằm đối diện công an huyện nên mọi hoạt động của quán công an nắm rất rõ.
Ngày 13/8/2015, kiểm tra lần 2, công an phát hiện quán Xin Chào có thêm 4 lỗi như không có giấy Chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Không lưu giữ các mẫu thực phẩm...
Toàn cảnh buổi họp báo.
Về việc quán của anh Tấn không được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP), Thiếu tướng Minh lý giải, vấn đề ở đây là "một cửa, một dấu". Khi Văn phòng Ủy ban huyện Bình Chánh đề nghị đơn vị tham mưu là Phòng Y tế, Phòng cho rằng cơ sở này không đủ điều kiện nên ko cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 19/8/2015 ghi rõ chỉ được phép kinh doanh khi có đủ điều kiện. Anh Tấn không có chứng nhận ATVSTP nên không đủ điều kiện kinh doanh.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, thông tin lại toàn bộ quá trình kiểm tra, khởi tố đối với quán cà phê Xin chào - vụ việc đang gây xôn xao dư luận.
Về cụm từ "kinh doanh nguy cơ cao", Thiếu tướng Minh cho biết, năm 2006 có quy định danh mục 10 ngành nghề kinh doanh có nguy cơ cao và buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Với những quán hàng rong, không có địa điểm cố định thì không thể xác định đủ điều kiện VSATTP. Sau này có Nghị định 38 quy định kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng rong thì không thuộc diện phải cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
Năm 2014, Nghị định 47 quy định kinh doanh có địa chỉ cố định thì phải có giấy chứng nhận. Xe bán rong thì không đăng ký kinh doanh và giấy phép con. Hộ anh Tấn là kinh doanh cố định và có pha chế nên thuộc diện phải có giấy chứng nhận VSATTP.
Anh Tấn hiểu rõ quy định này nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh khi chưa có giấy chứng nhận VSATTP.
Buổi họp báo thu hút sự quan tâm lớn của giới truyền thông.
Ông Minh thông tin, tài liệu chứng cứ việc kiểm tra ngày 10/9/2015 về việc có bán thức ăn hay không bán là 50-50. Anh Tấn không ký vì cho rằng không bán thức ăn, nhưng đoàn kiểm tra thấy trong bếp có thức ăn đã chế biến. Anh Tấn không thừa nhận, nói rằng đó là thức ăn để nhân viên ăn chứ không kinh doanh.
Đoàn kiểm tra thấy có người nhậu cánh gà chiên với rượu đế nhưng không thể quy kết vì có thể đó là mua từ nơi khác vào. Anh Tấn ký nhận có kinh doanh thức uống pha chế và không thừa nhận bán đồ ăn uống.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng nói về việc kinh doanh không đúng địa điểm của quán Xin chào. Theo đó, cáo trạng quy chụp là kinh doanh sai địa điểm nhưng ông Phan Anh Minh cho rằng việc kê thêm bàn ghế chỉ là hành vi lấn chiếm.
TAND huyện Bình Chánh đã phân thẩm phán thụ lý và lên lịch xét xử. Toà ra quyết định mở phiên toà nghĩa là chấp nhận toàn bộ hồ sơ chứng cứ như cáo trạng đã nêu. Nếu không đúng, không đủ thì đã trả hồ sơ rồi.
Ông Phan Anh Minh nói, nội dung như báo cáo với Bí thư và Bộ Công an thì việc khởi tố là có căn cứ và có cơ sở.
Kể cả khi bị xử phạt, bị khởi tố thì anh Tấn có khiếu nại về việc khởi tố quyết định của Viện Kiểm sát chứ không khiếu nại công an. Tuy nhiên, khiếu nại sau 15 ngày là hết thời hiệu nên bị Viện Kiểm sát bác. Anh Tấn không khiếu nại cáo trạng, không khiếu nại kết luận điều tra của công an.
Thiếu tướng Minh đề nghị các cơ quan truyền thông không phán quyết vụ việc; cần tôn trọng sự thật đã thể hiện bằng chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ. Khi chưa đọc hồ sơ thì không nên có những phán xét.
Dự luận quá quan tâm vụ việc. Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo Viện Kiểm sát TP. Việc rút, bổ sung là thẩm quyền của VKS chứ không thuộc thẩm quyền của Công an TP. Công an TP không có thẩm quyền gì trong lúc này mà tôn trọng các quyết định của VKS Bình Chánh.
Điều 159, nếu tuyên ông Tấn có tội thì chỉ phạt tiền. Quốc hội đã bỏ tội kinh doanh trái phép. Không bị xử lý hình sự.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM - thông tin đầu buổi họp báo.
Đúng 8h30 sáng nay 21/4, Công an TPHCM bắt đầu tổ chức buổi họp báo để thông tin chi tiết vụ Công an huyện Bình Chánh khởi tố chủ quán cà phê Xin chào đang gây xôn xao dư luận. Buổi họp báo diễn ra vào lúc 8h30 tại trụ sở cũ của Công an TPHCM - số 230 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.
Trước đó, anh Nguyễn Văn Tấn (SN 1966, ngụ quận Bình Tân) khai trương quán cà phê Xin chào ở KP3, thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) vào ngày 8/8/2015 để bán cà phê, ăn sáng, ăn trưa.
Anh Nguyễn Văn Tấn bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố vì hành vi "kinh doanh trái phép".
Ngày 13/8, 2 cán bộ công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi “kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Ngay ngày hôm sau, anh Tấn đã nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại UBND huyện theo hình thức hộ kinh doanh cá thể.
Đến ngày 18/8, công an huyện ra quyết định xử lý vi phạm hành chính. Ngoài lỗi trên, anh Tấn còn bị phạt thêm 4 lỗi khác là không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổng tiền phạt là 17 triệu đồng.
Chỉ 1 ngày sau (19/8), anh Tấn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngày 10/9/2015, quán cà phê của anh Tấn lại bị kiểm tra; bị lập biên bản các lỗi như kinh doanh sai địa điểm, sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm, sử dụng khu vực chế biến có côn trùng gây hại; thải nước thải chưa qua xử lý vào môi trường.
Ngày 25/9/2015, anh Tấn nhận được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “kinh doanh trái phép”.
Quán cà phê của anh Tấn liên tục bị công an kiểm tra.
Ngày 25/1/2016, VKSND huyện Bình Chánh ra cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để xét xử vào ngày 28/4 tới.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh và VKSND cùng cấp đều khẳng định đã làm đúng pháp luật.
Nhóm phóng viên