Đừng cổ vũ cho việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè
Nhiều phương tiện truyền thông từng phê phán chính quyền TP HCM một cách nặng nề vì để xảy ra nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì nay lại có một cách nhìn khác thiếu tích cực. Trong đoạn clip được tung lên mạng xã hội, anh Nguyễn Thiện Minh Phong, người bán hàng rong bị quật ngã trên đường Phạm Phú Thứ (gần chợ Bình Tiên, quận 6, TP HCM) khi tìm cách bỏ chạy vì bán hàng rong trên lòng đường.
Thượng sĩ Lương Việt Hà vật thanh niên bán hàng rong xuống đường (ảnh cắt từ clip). |
Lực lượng chức năng yêu cầu dừng lại để xử lý hành chính, anh Phong nhất định không chấp hành và tìm cách bỏ đi. Sau đó, anh Phong còn bước xuống xe và có hành vi như thể chống đối Thượng sĩ Lương Việt Hà (Công an phường 4, quận 6). Thượng sĩ Hà đã quật ngã anh Phong nằm xuống đường nhằm khống chế. Khiến anh bị thương phải vào bệnh viện.
Qua vụ việc này xin nhìn nhận một sự việc khách quan về tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Trên khắp các con đường của TP HCM, người bán hàng rong đẩy xe bán dạo quá nhiều. Tình trạng ùn ứ giao thông do những người bán hàng rong gây ra không phải nhỏ.
Báo chí phản ánh cảnh nhếch nhác xảy ra tại các tuyến đường không phải ít. Chính những bài viết này cũng đã một phần khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc để trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè.
Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ được quy định rất rõ tại Chương 2 về “Cá nhân hoạt động trong thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh”.
Những người bán hàng rong như anh Phong đa phần là người nghèo, có thu nhập thấp, vì cuộc mưu sinh để đánh đổi từng chén cơm qua ngày. Họ gánh từng gánh hàng, đẩy từng chuyến xe thô sơ tràn xuống lòng đường và thậm chí dừng, đỗ hàng giờ để bán những cái kẹo hay từng bao trái cây.
Những khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, họ lại đẩy xe đi như tìm một bằng chứng ngoại phạm về việc không đậu, dừng dưới lòng đường. Đến khi bị lực lượng chức năng giữ lại, nhiều người bán hàng rong giành giật lại xe hàng vi phạm và thậm chí đẩy đổ ra đường. Vì sao?
Họ tin rằng, nếu bị tịch thu và sang ngày hôm sau đóng phạt thì món hàng để bán cũng đổ bỏ do bị hư hỏng. Hoặc nếu chấp nhận đóng tiền phạt, những chiếc xe thô sơ cũng đáng bằng số tiền mua lại phương tiện để đẩy gánh hàng mới. “Cú ăn vạ” lúc này xem ra hiệu quả do thu hút sự hiếu kỳ của người đi đường và những người xung quanh.
Lực lượng chức năng vốn dĩ không được người dân “mặn mà” lắm từ bao đời nay nên lẽ phải lại một lần nữa nằm ở “kẻ thế yếu”. Những người bán hàng rong lại được người dân bênh vực là hiển nhiên. Cơ quan chức năng trên địa bàn từ cấp phường - xã, quận - huyện đều quy định rất rõ những nơi được quyền tự do kinh doanh mua bán và phải đăng ký.
Không hiếm cảnh chợ ở phường - xã bỏ hoang hoặc không có người đăng ký kinh doanh để tuân thủ theo các quy định của nhà nước. Người bán hàng rong cứ thế mặc nhiên tràn ra lòng đường hay không chịu về nơi đã được quy hoạch để mua bán.
Cũng không hiếm những bài báo từng tung hô kiểu đại loại “gánh hàng rong nuôi đàn con ăn học”, hay “người bán ve chai đưa con đến giảng đường”… để tôn vinh các bậc làm cha, làm mẹ với đức tính hy sinh, chịu đựng. Nhưng ấy là chuyện của nhiều năm trước.
Nét văn hóa cổ xưa của những gánh hàng rong, hay của những chiếc xe đẩy phải dần được thay thế để thành phố ngày một văn minh hơn.
Chính quyền các địa phương trên cả nước đã làm một cách quyết liệt để dần thay đổi bộ mặt đô thị chung. Những chiếc xe chở hàng tử tế hơn được lưu thông trên đường đã làm thay đổi trật tự đô thị.
Trở lại chuyện hàng rong trên hè phố, cơ quan chức năng có “xóa sổ” được như những chiếc xe xích lô hay ba gác thô sơ cũng phải tính đến việc sử dụng một “bàn tay sắt” như câu chuyện của anh Nguyễn Thiện Minh Phong.
Tiểu Bảo