Hiểm họa kháng thuốc kháng sinh!
Kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề bức thiết đang đặt ra cho toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia nghèo và đang phát triển như Việt Nam. Bởi kháng thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến tính mạng của con người trở nên bị đe dọa ngay cả khi mắc bệnh chỉ cần điều trị kháng sinh phổ biến là khỏi.
Chết vì kháng thuốc kháng sinh
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mỗi năm, thế giới có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và phải chi hàng trăm tỉ USD. Vì thế Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.
Có một câu chuyện mà giới y khoa vẫn truyền tai nhau bởi sự trớ trêu đó là một bệnh nhân bị kháng kháng sinh lại là sinh viên dược. Bệnh nhân này bị lao phổi, đã điều trị nhiều loại kháng sinh chuyên dành cho lao như isoniazid, rifampicin, ethambutol, pyrazinamid, streptomycin nhưng không thuyên giảm. Đến nỗi các bác sĩ điều trị phải gọi trường hợp này là “siêu kháng thuốc”.
Chỉ đến khi thông qua các nguồn tin, đầu mối, các bác sĩ mới liên hệ được với bệnh viện chuyên khoa ở Pháp để có được capreomycin, loại thuốc trị lao siêu kháng thuốc hữu hiệu. Do đó sinh viên này đã được trị khỏi bệnh.
Thế nhưng như sinh viên y khoa trên vẫn còn là may mắn bởi ở các bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức đã có những bệnh nhân tử vong vì kháng thuốc kháng sinh trong khi bị viêm phổi, tiêu chảy, viêm tai…
Theo số liệu thống kê của Tổ chức châu Á nghiên cứu tác nhân vi khuẩn kháng thuốc từ 11 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn phế cầu gia tăng nhanh chóng. Trong số 685 chủng vi khuẩn S. pneumoniae phân lập được từ người bệnh, có 483 (52,4%) chủng không còn nhạy cảm với penicillin, 23% ở mức trung gian và 29,4% đã kháng với penicillin. Kết quả phân lập cho thấy tỷ lệ kháng penicillin ở Việt Nam cao nhất: 71,4%, tiếp theo là Hàn Quốc: 54,8%, Hongkong: 43,2%. Tỷ lệ kháng erythromycin cũng rất cao. Ở Việt Nam là 92,1%, ở Đài Loan là 86%, ở Hàn Quốc là 80,6%....
Còn theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008-2009 cho thấy: Các chủng streptococcus pneumoniae - một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp - kháng penicillin (71,4%) và kháng erythromycin (92,1%) - có tỷ lệ phổ biến cao nhất trong số 11 nước trong mạng lưới giám sát các căn nguyên kháng thuốc châu Á (ANSORP) năm 2000-2001. 75% các chủng pneumococci kháng với 3 hoặc trên 3 loại kháng sinh. 57% Haemophilus influenzae (một căn nguyên vi khuẩn phổ biến khác) phân lập từ bệnh nhi ở Hà Nội (2000-2002) kháng với ampicillin. Tỷ lệ tương tự cũng được báo cáo ở Nha Trang.
Đối với hầu hết các trường hợp bù nước và điện giải là biện pháp xử trí hiệu quả nhất đối với bệnh tiêu chẩy, khoảng 1/4 số trẻ đã được chỉ định kháng sinh trước khi đưa đến bệnh viện. Các vi khuẩn gram âm đa số là kháng kháng sinh (enterobacteriaceae): hơn 25% số chủng phân lập tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh kháng với kháng sinh cephalosporin thế hệ 3…
Có thể nói Việt Nam nằm trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất các nước trong khu vực châu Á.
Tự điều trị kháng sinh
Nguyên nhân của tình trạng này được Bộ Y tế phân tích rất rõ, lớn nhất phải là tình trạng mua thuốc không có đơn. Mặc dù đã có quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn, nhưng người bệnh vẫn tự mua thuốc kháng sinh và nhiều loại thuốc khác trực tiếp từ các nhà thuốc và các quầy thuốc bán lẻ dễ dàng như mua rau ngoài chợ. Rồi tự điều trị cũng là một nguyên nhân khá phổ biến, dù chẩn đoán thường thiếu chính xác. Một nghiên cứu cộng đồng năm 2007 đã cho thấy 78% kháng sinh được mua tại các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn.
Thiếu kiến thức sử dụng kháng sinh hợp lý cũng là một nguyên nhân mà giới y khoa phân tích. Nghiên cứu nhằm đánh giá kiến thức về sử dụng kháng sinh ở khu vực nông thôn Việt Nam cho thấy, mặc dù đã có các tài liệu hướng dẫn, nhưng kiến thức về sử dụng kháng sinh vẫn còn rất hạn chế và ngay cả các cán bộ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng thường cung cấp kháng sinh một cách không cần thiết cho các trường hợp cảm cúm thông thường. Ở thành phố tưởng chừng thông thạo hơn, nhưng người bệnh cũng “điều trị” như vậy, làm cho tình trạng kháng kháng sinh vốn đã phức tạp càng phức tạp hơn.
Cùng với “tự điều trị” kháng sinh thì nhiễm khuẩn ở bệnh viện, cũng là một nguyên nhân nghiêm trọng khác dẫn đến kháng thuốc, đặc biệt là trong tình trạng quá tải như hiện nay. Bộ Y tế nhận định, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện dẫn đến kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt làm lây lan vi khuẩn kháng thuốc. Trong khi rác thải cũng không được quản lý tốt làm cho sự lây lan này càng dễ dàng hơn.
Trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản lạm dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng, phòng và điều trị bệnh dịch cũng làm kháng kháng sinh lớn hơn. Như trong chăn nuôi lợn và gia cầm thường được bổ sung kháng sinh như tetracycline và tylosin đề phòng bệnh. Trong nuôi trồng thủy sản, tôm, cua và cá thường có nồng độ dư lượng kháng sinh nhóm quinolones và sulfonamides gấp vài lần so với các quốc gia khác. Dư lượng kháng sinh cũng thường được phát hiện trong mẫu đất và nước ươm giống với mức quá giới hạn cho phép. Một nghiên cứu giám sát đã cho thấy, thực phẩm, bao gồm thịt và cá, phát hiện nhiễm Salmonella đa kháng kháng sinh. Campylobacter phân lập từ gà thịt cũng có mức kháng cao: 90% kháng với nalidixic acid, 89% với tetracycline và 82% với ciprofloxacin.
GS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, đã giải thích về “cơ chế” kháng kháng sinh khi lạm dụng đó là ăn thực phẩm chứa kháng sinh, dù với mức thấp so với liều lượng điều trị nhưng ăn nhiều lần sẽ tạo ra môi trường kháng sinh trong cơ thể. Vi khuẩn gây bệnh sẵn có trong cơ thể (do số lượng thấp chưa đủ để gây bệnh) mới đầu quen dần với môi trường kháng sinh đó sau “đủ mạnh” chống lại cả kháng sinh rồi gây bệnh, khiến kháng sinh trở nên vô tác dụng (hiện tượng nhờn thuốc). Ông Thịnh nói: “Khi con người mắc bệnh do chính vi khuẩn gây nên, uống kháng sinh để diệt vi khuẩn (cách điều trị duy nhất hiện nay) thì không có tác dụng do vi khuẩn đã quen với môi trường kháng sinh. Trong trường hợp như vậy nếu chưa có kháng sinh thế hệ mới, hàm lượng cao thì kết cục tất yếu mà con người phải chịu là… tử vong”.
Cả xã hội phải quan tâm
Để cải thiện tình trạng kháng kháng sinh, nhóm chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này đã cho rằng, các giải pháp chính sách cần có sự thay đổi về mặt cấu trúc, các biện pháp để khuyến khích đối với bệnh nhân, các nhà lâm sàng và các đối tượng khác trong hệ thống chăm sóc sức khỏe… phải được vận hành trong mối quan tâm cao nhất của xã hội. Cần nghiên cứu, vạch ra các giải pháp chính sách cụ thể và trọng tâm có thể đem lại các tác động có ý nghĩa đối với tình trạng kháng kháng sinh.
Cùng với đó, người bệnh nên dành quyền chỉ định thuốc kháng sinh cho thầy thuốc (tức bác sĩ kê đơn kháng sinh thì mới dùng), không tự ý sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi, không đúng lúc, không đủ liều, nhất là trong trường hợp mới có biểu hiện bệnh. Trên nguyên tắc, nếu vi khuẩn còn nhạy cảm với kháng sinh cổ điển, thông dụng thì sử dụng kháng sinh loại này và tránh dùng kháng sinh loại mới. Những kháng sinh mới thường được khuyến cáo chỉ dùng trong bệnh viện hoặc khi có sự chỉ định cân nhắc của bác sĩ điều trị…
Xuân Bắc